Nhân viên cây xăng xóa số, “uống” xăng của khách hàng

Ngày 19/03/2015 08:48 AM (GMT+7)

Chiêu trò mà các nhân viên của cây xăng này sử dụng là tính chồng số tiền của khách, xóa số tiền của trụ bơm này rồi lấy vòi bơm ở trụ khác để bơm chồng nhằm qua mặt người mua...

Sau thời gian dài tiếp cận, phóng viên Báo Người Lao Động đã ghi hình được hành vi gian lận, móc túi khách hàng của nhân viên cây xăng Trần Thiên ở số 61 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM.

Chiêu trò mà các nhân viên của cây xăng Trần Thiên sử dụng là tính chồng số tiền của khách, xóa số tiền của trụ bơm này rồi lấy vòi bơm ở trụ khác để bơm chồng nhằm qua mặt người mua. Với thủ đoạn này, người mua sẽ nhận được lượng xăng ít hơn số tiền đã trả.

Móc túi có bài bản

Chiều 11-3, khi khách vào đổ xăng tấp nập, cây xăng Trần Thiên có 1 phụ nữ thu tiền và 2 nhân viên nam bơm xăng.

Sau khi bơm xăng cho khách hàng trước đó, nhân viên tại đây không gạt cần bơm về số 0 mà vẫn để hiển thị 50.000 đồng. Khi một người khác tấp vào yêu cầu đổ 50.000 đồng xăng A92, nhân viên cầm vòi bơm chưa được trả về số 0 để bơm tiếp. Khi màn hình dừng ở số 75.550 đồng, lập tức, nhân viên nữ liền đến che màn hình để thu tiền, trong khi nhân viên đổ xăng vội gạt cần bơm về số 0, tức đã móc túi người khách này 24.450 đồng.

 Nhân viên cây xăng xóa số, “uống” xăng của khách hàng - 1

Ba người (khoanh tròn) thường xuất hiện tại cây xăng Trần Thiên với thủ đoạn đứng ở trụ bơm này nhưng sử dụng vòi của trụ khác

 Nhân viên cây xăng xóa số, “uống” xăng của khách hàng - 2

 Nhân viên cây xăng xóa số, “uống” xăng của khách hàng - 3

Hành vi che bảng điện tử của trụ bơm xăng thường xuyên xảy ra

Tiếp đó, một người khách khác đến yêu cầu đổ 20.000 đồng, nhân viên kéo vòi xăng có đồng hồ hiển thị 40.000 đồng để bơm tiếp lên 50.000 đồng. Như vậy, vị khách này nhận được lượng xăng tương đương 10.000 đồng, bị ăn chặn 10.000 đồng.

Khoảng nửa phút sau, một khách nam vào đổ xăng. Khi trụ bơm hiển thị 1,92 lít và 33.180 đồng, nhân viên đổ tiếp lên 2,34 lít với số tiền 44.044 đồng và nhân viên nữ thu của khách 50.000 đồng. Như vậy, nhân viên cây xăng đã ăn gian của người mua đến 39.136 đồng. Ngay sau đó, khi thấy khách hàng nữ loay hoay mở ví lấy tiền, nhân viên cây xăng bơm nối từ 50.000 đồng lên 91.000 đồng rồi nhân viên còn lại xóa số tiền khi người khách này chưa kịp nhìn. Không biết mình bị ăn gian, người khách nữ này trả 50.000 đồng rồi đi.

Khi phát hiện mình thiệt 10.000 đồng, một vị khách phản ứng nhưng nhân viên cây xăng giả vờ không nghe. Cảm thấy bất lực, người khách này đành ra đi.

Từ 19 giờ 30 phút đến 20 giờ cùng ngày, chúng tôi ghi hình được 20 trường hợp bị bơm xăng thiếu, tổng số tiền bị ăn chặn từ 5.000 đến hơn 30.000 đồng/trường hợp.

Trước đó, từ ngày 24 đến 26-8-2014 và 26-12-2014, chúng tôi chứng kiến hàng chục lượt khách bị các nhân viên cây xăng này bơm xăng thiếu. Hay như chiều 13-1, chỉ trong 1 giờ, chúng tôi ghi hình đến 30 khách hàng bị mất tiền do trò gian lận của nhân viên cây xăng Trần Thiên.

Gian lận trong thời gian dài

Có mặt tại cây xăng Trần Thiên trong thời gian dài, chúng tôi chứng kiến nhiều khách hàng phát hiện hành vi gian dối của nhân viên bán hàng tại đây. Mỗi khi bị khách hàng phản ứng, nhân viên cây xăng bỏ đi chỗ khác, để người phụ nữ thu tiền đến hòa giải. Tuy nhiên, không ít khách hàng là sinh viên, phụ nữ khi phản ứng đã bị nhân viên cây xăng quát lại.

Cụ thể, chiều 25-8-2014, chị Đoàn Vi Vi, ngụ quận Tân Bình, TP HCM, đến yêu cầu đổ 50.000 đồng xăng và bị nhân viên bán hàng bơm nối từ 30.000 đồng lên 70.000 đồng. Khi phát hiện mình bị thiệt 10.000 đồng, chị Vi phản ứng và bị một nhân viên quát lại.

Tương tự, tối 11-3, 1 khách nữ phát hiện bị ăn gian 10.000 đồng nên thắc mắc. Một nhân viên cây xăng cự lại: “Xem đồng hồ hiển thị bao nhiêu tiền mà đổ thiếu”. Không chịu thua, vị khách nữ yêu cầu đổ xăng từ trong bình ra để kiểm tra. Thấy khó ăn, nhân viên cây xăng phải bơm thêm cho vị khách này lượng xăng tương đương 10.000 đồng. Đây không phải là trường hợp hiếm mà cây xăng Trần Thiên phải bơm thêm cho khách sau khi bị phát hiện ăn gian.

Điều đáng nói, thủ đoạn móc túi khách của cây xăng này đã tồn tại hơn 2 năm qua. Cây xăng Trần Thiên thuộc Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Dịch vụ Trần Thiên, giấy phép hoạt động số 751GP/TLDN do UBND TP HCM cấp.

Kiểm tra hành vi gian lận

Sau khi xem đoạn băng hình do Báo Người Lao Động cung cấp, sáng 17-3, đại diện Chi cục QLTT TP HCM thừa nhận đây là hành vi gian lận thương mại. Sau đó, lãnh đạo Chi cục QLTT đã yêu cầu Đội QLTT 1B tiến hành kiểm tra cây xăng Trần Thiên. “Việc cây xăng Trần Thiên gian lận là hành vi vô văn hóa trong kinh doanh. Sau khi kiểm tra, có đầy đủ bằng chứng, chúng tôi sẽ xử phạt theo đúng quy định của pháp luật” - vị đại diện này cho biết.

S.Nhung - L.Phong

Móc túi khách hàng bằng công nghệ cao

Ngày 18-3, lãnh đạo Đội Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại thuộc Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46) Công an tỉnh Bình Dương cho biết từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm tra liên ngành của tỉnh đã phát hiện 2 cây xăng gian lận, bơm thiếu xăng cho khách. Hai điểm bán hàng gian dối này đã bị xử phạt hơn 80 triệu đồng/cây xăng.

Hai “địa chỉ đen” nêu trên là cây xăng Phước Dũng (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một) và cây xăng Bình Chuẩn (thị xã Thuận An). Để bắt quả tang, lực lượng kiểm tra phải giả làm khách hàng đến 2 cây xăng này. Sau khi mua xăng và trả tiền, đoàn kiểm tra đổ xăng ra để kiểm lại thì phát hiện cây xăng Phước Dũng bơm thiếu 3,75%, cây xăng Bình Chuẩn bơm thiếu 9,5%.

Trước đó, trong năm 2014, lực lượng liên ngành của tỉnh Bình Dương phát hiện đến 19 vụ gian lận tại các cây xăng, phạt tiền và truy thu gần 1,6 tỉ đồng.

Cũng như cây xăng Trần Thiên ở TP HCM, phần lớn các cây xăng bị phát hiện ở Bình Dương cũng bơm thiếu cho khách bằng cách bơm nối số. Ngoài ra, một số cây xăng ở Bình Dương còn gian lận bằng cách cài đặt phần mềm, chip điện tử vào trụ bơm. Theo đó, dù lượng xăng bơm cho khách thiếu nhưng số tiền trên bảng điện tử vẫn hiện đủ. Cá biệt, có cây xăng gắn cả camera để có thể phát hiện sớm lực lượng kiểm tra. Khi thấy cơ quan chức năng, người trực của cây xăng ngắt cầu dao rồi bật điện lại hoặc bấm thiết bị điều khiển từ xa để chuyển từ chế độ gian lận về bình thường, gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra.

N.Phú

Theo Lê Phong (Người lao động)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot