Bệnh nhân nhiễm sán ở thể nhẹ có thể được điều trị nội khoa bằng thuốc để tiêu diệt ấu trùng sán. Với trường hợp ấu trùng tạo thành nhiều nan thì phải phẫu thuật để lấy ra. Cách tốt nhất để phòng ngừa nhiễm sán, ký sinh trùng là ăn chín, uống nước đã được đun sôi.
Thiếu niên không chịu lớn
Ngày 31/3, anh A Rô Lăng (thị trấn Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) vui mừng khi nhìn thấy con trai là A Lý Hùng (16 tuổi) đã ổn định sức khỏe. Anh cười tươi: “16 năm nay có con sán nằm trong não con trai mà tôi không biết. Sán ăn hết chất dinh dưỡng khiến Hùng không lớn nổi. Bây giờ, bác sĩ lấy sán ra rồi, hy vọng Hùng sẽ khỏe mạnh, không còn đau ốm như trước”.
Nằm trên giường bệnh, Hùng đầu trọc, đã 16 tuổi nhưng nhỏ thó như một đứa trẻ chưa đến 10 tuổi. Khi hỏi số cân, Hùng e dè: “Em chưa tới 20 kg”. Nhìn thấy Hùng ốm yếu, người đối diện không khỏi xót xa.
Thân hình Hùng nhỏ như đứa trẻ 10 tuổi
A Rô Lăng làngười dân tộc Xê Đăng. Ngày Hùng được sinh ra đời, vợ chồng Lăng mừng lắm. Ngày ấy, Hùng nặng 2,8 kg, khá khỏe mạnh. Năm đầu tiên, Hùng cũng bú sữa, khóc cười, lớn nhanh như bao đứa trẻ bình thường khác.
Vừa tròn 1 tuổi, Lăng phát hiện trên đầu con trai có một khối u. Ngày ấy, Lăng nghĩ con trai ngã bị sưng ở đầu nên chỉ lấy nước nóng chườm vào chỗ sưng. Đến hôm sau, khối sưng xẹp xuống.
Thỉnh thoảng khối sưng trên đầu Hùng lại xuất hiện kèm theo các triệu chứng tiêu chảy, mất ngủ, khó chịu… Biết con trai bị bệnh, anh đưa Hùng đến bệnh viện khám. Từ đó mỗi năm anh phải cho con nhập viện tại địa phương vì khối sưng này từ 3 đến 4 lần. Mỗi lúc bác sĩ lại bảo Hùng bị một bệnh khác nhau như sốt, sốt xuất huyết, sốt rét, đau đường ruột…
Là người đồng bào, không có điều kiện tiếp xúc nhiều với khoa học kĩ thuật, anh Lăng hoàn toàn tin tưởng vào bác sĩ. Rồi Hùng cứ nằm viện uống thuốc, được bác sĩ theo dõi vài ngày khối sưng lại xẹp và được về nhà.
Hùng còi cọc, ít lớn so với bạn bè đồng trang lứa. Vợ chồng Lăng lo lắm, mua thức ăn về bồi dưỡng cho con với hy vọng Hùng sẽ phát triển nhanh. “Mình chẳng biết Hùng ăn vào thì thức ăn đi đâu hết mà Hùng cứ nhỏ hoài”, người cha nói.
Anh Lăng vui mừng khi con trai đã trải qua ca phẫu thuật thành công
Đến năm lớp 6, khối sưng to hơn, triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, mất ngủ… cũng nặng hơn trước. Do quá đau nên Hùng không ăn uống được gì. Mỗi ngày, Hùng chỉ ngủ được vài tiếng đồng hồ. Thời gian trôi qua sức khỏe của Hùng càng giảm sút nên buộc phải nghỉ học. Và rồi Hùng kiệt sức, không đi lại được, suốt ngày chỉ nằm trên giường.
Vào cuối tháng 12/2015, vợ chồng Lăng quyết định cho Hùng vào nhập viện Đắk Tô. Trong khoảng thời gian này, bác sĩ vẫn chẩn đoán cháu bị rối loạn tiêu hóa. Hai tháng điều trị, bệnh tình của Hùng không chút thuyên giảm. Nhận thấy bệnh tình con trai ngày càng nghiêm trọng, anh Lăng cho con chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM).
Bác sĩ cũng bất ngờ
Bác sĩ Đào Trung Hiếu (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1) kể, trước Tết Nguyên đán, Hùng nhập viện trong tình trạng liệt nửa người, đầu đau dữ dội. Bác sĩ tiến hành chụp MRI và kết quả cho thấy trong não của bệnh nhân có một khối u. Bác sĩ cho rằng đây là khối áp xe não đã choán hết một vùng lớn bán cầu não phải, gây phù nề… Bác sĩ đã đưa ra nhiều phương án khác nhau để phẫu thuật não cho Hùng.
Sức khỏe của Hùng quá yếu, suy dinh dưỡng nặng dẫn đến kiệt sức, nguy cơ tử vong cao. Do đó, đội ngũ y bác sĩ quyết định chăm sóc tích cực bằng dinh dưỡng để nâng tổng trạng. Đến ngày 23/3, nhận thấy thể trạng của Hùng đã có thể đáp ứng thì ca mổ mới được thực hiện.
Trong quá trình mổ, bác sĩ cũng bất ngờ vì trong não của Hùng không phải là khối áp xe não như dự đoán mà là một khối nang ấu trùng sán dải heo đường kính 5 cm. Đây là khối nan kết hợp bởi nhiều nang nhỏ bên trong, mỗi nang đều chứa dịch và có nhiều ấu trùng sán dải heo.
Bác sĩ Phan Minh Trí - người trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết ca phẫu thuật kéo dài 5 tiếng đồng hồ. Không khí trong phòng mổ khẩn trương và cẩn trọng đến từng chi tiết. Khi lấy được khối nang, ekip rất mừng. Đây chính là lý do khiến bệnh nhân thường xuyên nhức đầu dữ dội. Theo ông Trí, nếu không phẫu thuật lấy ra kịp thời, nang này có thể phát triển lớn đến mức chèn ép mô não và có thể khiến bệnh nhân tử vong.
Ca bệnh của Hùng được xem là khá hy hữu
Các bác sĩ cho biết, sán lợn vào cơ thể bằng con đường ăn uống. Bệnh nhân ăn thịt heo hoặc uống nước có chứa ấu trùng sán dải heo còn sống, ấu trùng này đi vào đường tiêu hóa rồi vỡ ra, tấn công đến các cơ quan khác như não, da, mắt… Tuy nhiên, trường hợp tấn công vào não là rất hiếm gặp. Do xâm nhập lâu, ấu trùng phát triển thành nhiều nang nhỏ.
Theo bác sĩ Trí, bệnh nhân nhiễm sán ở thể nhẹ có thể được điều trị nội khoa bằng thuốc để tiêu diệt ấu trùng sán. Với trường hợp ấu trùng tạo thành nhiều nang thì phải phẫu thuật để lấy ra. Tùy vào nơi cư trú mà người nhiễm ấu trùng sán có các biểu hiện như sưng hốc mắt, mũi, nhứt đầu, ngứa… Cách tốt nhất để phòng ngừa nhiễm sán, ký sinh trùng là ăn chín uống nước đã được đun sôi.