Đó là ý kiến của các nhà khoa học khi nói về tác hại của amiang đối với sức khỏe con người tại một hội thảo mới đây do Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) phối hợp với Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam tổ chức.
Theo đó, tại Hội thảo về: “Sự tham gia của các tổ chức xã hội đóng góp cho kế hoạch hành động Quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến Amiang”, các nhà khoa học cho biết: “Có nhiều ý kiến cho rằng, bột amiang vỡ ra từ các tấm lớn, tán nhỏ rồi đưa ra đồng ruộng sẽ rất tốt cho cây trồng. Tuy nhiên, họ không thể biết rằng khi đó chính những người nông dân lại bị ảnh hưởng như những người công nhân trong nhà máy, họ hít phải chất độc này từ năm này sang năm khác và dần dần sẽ mắc phải những căn bệnh ung thư nguy hiểm”.
Cũng tại buổi Hội thảo này, các nhà khoa học lên tiếng về việc loại bỏ amiang ra khỏi cuộc sống người dân. Đặc biệt là việc sử dụng tấm lợp pro xi măng tại các gia đình. Đặc biệt là những vùng nông thôn.
“Hiện nay, ngay cả những chương trình như 135 của Chính phủ hay các chương trình hỗ trợ của các tổ chức Phi chính phủ đang tài chợ miễn phí tấm lợp pro xi măng cho người dân ở những vùng nghèo khó, việc làm này cần phải dừng lại ngay vì “nó” đang “tiếp tay” cho sự bùng phát các căn bệnh nguy hiểm như ung thư đối với những người dân nghèo.
Chúng ta không thể nói vì người nghèo mà duy trì tấm lớp pro ximăng bởi WHO đã có các nghiên cứu chỉ ra rằng amiang là “sát thủ” của sức khỏe con người, đặc biệt là gây ra bệnh ung thư”, TS Trần Tuấn - Trưởng Ban thường trực hành động Liên minh vận động chính sách y tế nhấn mạnh .
Theo TS Tuấn, những người bị phơi nhiễm amiang nhiều nhất là công nhân làm ở các nhà máy tấm lợp, người sử dụng tấm lợp pro xi măng, amiang từ tấm lớp pro xi măng thải ra môi trường…
TS Trần Tuấn cho rằng, cần loại bỏ càng sớm càng tốt các sản phẩm có chứa amiang.
“WHO đã chỉ ra rằng amiăng gây ung thư cho phổi, thanh quản và buồng trứng, ung thư trung biểu mô (một loại ung thư màng phổi và màng bụng) và bụi phổi amiang (xơ hóa phổi). Các bệnh liên quan đến amiang có thể phòng ngừa được, và cách hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh này là ngừng sử dụng tất cả các dạng của amiang để phòng ngừa phơi nhiễm”, TS Tuấn khuyến cáo.
Trước những ý kiến về tác hại của amiang, nhất là với những vùng nông thôn được hỗ trợ tấm lợp pro xi măng theo các chương trình của nhà nước và tổ chức phi chính phủ, ông Hoàng Xuân Lương, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ cho rằng, chúng ta cần phải tin tưởng vào những khuyến cáo của WHO về tác tại của amiang đến sức khoẻ con người. Bởi WHO là tổ chức có tiềm lực nhất về đội ngũ chuyên gia cũng như cơ sở vật chất trong lĩnh vực y tế.
Đồng thời, ông Lương cũng khẳng định sẽ có những khuyến cáo đối với việc sử dụng ngân sách nhà nước để mua các sản phẩm (mà chủ yếu là tấm lợp) có amiang để hỗ trợ cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào khó khăn; chỉ đạo các cơ quan báo chí của Uỷ ban Dân tộc truyền thông về tác hại của amiang đến đồng bào dân tộc.
Ngoài ra ông Lương cũng kiến nghị: “Những tác hại của amiang đã được WHO là không thể phủ nhận, nguy hiểm hơn là nhiều nơi đồng bào còn hứng nước mưa từ những mái pro xi măng này để dùng trong sinh hoạt. Bởi vậy, việc nghiên cứu những tác hại của amiang cả về đường tiêu hóa, nội tiết là điều cần phải triển khai ngay”.
125 triệu người bị phơi nhiễm amiang Theo thống kê, năm 2008, có 7,6 triệu tử vong do ung thư cùng với 12,7 triệu ca nhiễm mới. Có khoảng 19% tất cả các ca ung thư được ước tính là có liên quan đến môi trường, kể cả nơi làm việc. Theo đó, khoảng 125 triệu người trên thế giới bị phơi nhiễm với amiăng tại nơi làm việc. Theo ước tính của WHO, ít nhất 107 000 người chết hàng năm do ung thư phổi liên quan đến việc sử dụng hoặc đã được sử dụng là hỗn hợp sợi, kết dính với các nguyên vật liệu khác như: xi măng, chất dẻo và nhựa hoặc dệt thành vải may mặc. Hiện nay, cả thế giới đã vào cuộc với amiang. Tại Mỹ dù amiăng chưa được cấm nhưng tiêu thụ đã giảm từ 668 000 tấn năm 1970 xuống 359 000 tấn năm 1980, 32 tấn năm 1990, 1.1 tấn năm 2000 và 1.0 tấn năm 2010. Liên minh châu Âu đã cấm sử dụng amiang. Ở Nhật, tiêu thụ amiăng là khoảng 320 000 tấn năm 1988 và giảm liên tục theo năm xuống dưới 5000 tấn năm 2005; sử dụng amiăng bị cấm năm 2012. Ở Singapore, việc nhập khẩu amiăng thô đã giảm từ 243 tấn năm 1997 xuống 0 tấn năm 2001. Tại Philippines, việc nhập khẩu amiăng thô là khoảng 570 tấn năm 1996 và 450 tấn năm 2000. |