Nhiều trẻ nhỏ biến chứng viêm phổi vì trời lạnh

Ngày 18/12/2013 14:34 PM (GMT+7)

Trời lạnh kéo dài, khiến lượng trẻ nhỏ, người già phải nhập viện vì các bệnh viêm đường hô hấp, đột quỵ, tai biến tại các bệnh viện ở Hà Nội tăng mạnh.

Nhiều trẻ nhỏ biến chứng viêm phổi

Tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai, trong những ngày lạnh buốt vừa qua, số trẻ nhỏ phải nhập viện vì các bệnh viêm đường hô hấp tăng 20%. Điều đáng lo ngại là có những trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi do sức đề kháng yếu đã có biến chứng viêm phổi. Điển hình là trường hợp của bé N.D.A, mới 5 ngày tuổi được chuyển đến cấp cứu tại khoa Nhi vào đêm ngày 17/12 trong tình trạng thở nhanh, khó thở có rút lõm lồng ngực, bỏ bú. Qua thăm khám bác sĩ phát hiện bé bị viêm đường hô hấp nhưng đã có biến chứng viêm phổi, nên lập tức được cho nhập viện điều trị.

Một trường hợp khác cũng bị biến chứng viêm phổi là bé trai 5 tháng tuổi. Chị Mai, mẹ bé vừa bế con đang khóc ngằn ngặt trên tay vừa chia sẻ: “cách đây mấy ngày chị thấy con có hiện tượng chảy nước mũi, ngạt mũi. Chị có vệ sinh mũi cho bé bằng nước muối sinh lý. Ngay ngày hôm sau bé có các cơn ho nhẹ. Trời lạnh, thấy con còn nhỏ quá, chị Mai ngại đưa con đến viện mà chỉ điều trị ở nhà bằng các bài thuốc dân gian như cho uống nước ngất hấp với mật ong và lá hung chanh. Tuy nhiên, càng ngày tôi thấy cháu càng ho nặng, thở khó và khóc nhiều, nhất chịu không chị bú. Sợ quá tôi mới đưa con đến viện. Ai dè bác sĩ bảo cháu đã bị viêm phổi. Tôi ân hận lắm, giá mà đưa con đến viện sớm thì đã không bị nặng thế này. Giờ cháu còn nhỏ nhưng ngày nào cũng phải tiêm kháng sinh”.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết với trẻ nhỏ bệnh diễn biến rất nhanh nhưng biểu hiện lại không rầm rộ như ở trẻ lớn nên cha mẹ rất dễ chủ quan. Với trẻ lớn nếu mắc các bệnh viêm đường hô hấp, trước khi có biến chứng viêm phổi trẻ thường sốt cao, ho nhiều. Ngược lại trẻ nhỏ dưới 6 tháng thì nhiều khi không cần sốt cao, ho nhiều mà chỉ thấy hơi khó thở nhưng đã có biến chứng.

“Có những trẻ sáng đi khám chỉ mới bị viêm đường hô hấp, không sốt, được về nhà điều trị. Nhưng chỉ sau 2 tiếng bế về nhà, trẻ chỉ hâm hấp sốt, thỉnh thoảng ho nhưng đã rơi vào trạng thái hơi li bì, thở nặng. Lúc này trẻ đã bị viêm phổi”, PGS.TS Dũng nói.

Nhiều trẻ nhỏ biến chứng viêm phổi vì trời lạnh - 1

Bác sĩ khuyến cáo với trẻ nhỏ rất dễ bị viêm phổi khi trời lạnh

Chính vì thế, bác sĩ khuyến cáo với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi cha mẹ cần phải theo dõi trẻ chặt chẽ. Cha mẹ không nên căn cứ vào dấu hiệu sốt, ho để nhận định bệnh trẻ nặng hay nhẹ. Với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi không thể căn cứ vào các dấu hiệu đặc trưng như ở trẻ lớn là ho, sốt. Đặc biệt, với trẻ sơ sinh dưới 30 ngày tuổi, trẻ viêm phổi thậm chí còn hạ thân nhiệt một chút, “bình lặng” không hề ho hắng, sổ mũi.

“Với trẻ nhỏ, điều quan trọng nhất là cha mẹ cần quan sát kỹ tình trạng bú và nhịp thở của trẻ. Nếu thấy trẻ bú ít hơn bình thường, ngủ nhiều li bì hơn bình thường hoặc quan sát nhịp thở thấy lồng ngực trẻ nhấp nhô hơn thì cần lập tức đưa trẻ đến viện”, PGS.TS Dũng khuyến cáo.

Người lớn cũng khổ vì bệnh phổi

Trời trở lạnh không chỉ khiến trẻ nhỏ đồng loạt đổ bệnh viêm đường hô hấp mà còn khiến nhiều người lớn, đặc biệt là người nhà cũng phải lũ lượt vào viện vì các đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

TS Chu Thị Hạnh, Phó trưởng khoa Hô hấp, BV Bạch Mai cho biết, vào thời điểm lạnh hiện nay, số bệnh nhân phải nằm điều trị vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính của khoa tăng 20%. Có những ngày cao điểm khoa phải tiếp nhận 220 bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vào điều trị nộ trú trong một ngày.

Tại BV Lão khoa Trung ương, số lượng người già phải nhập viện vì các bệnh cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, viêm phổi, các bệnh xương khớp … cũng tăng mạnh. Theo BS Nguyễn Trung Anh, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Lão khoa Trung ương, người già do hệ miễn dịch suy giảm nhiều, gặp phải thời tiết lạnh buốt khắc nghiệt rất dễ dẫn tới đột quỵ vào chiều tối và đêm. Do đó, người thân cần phải chú ý chăm sóc cha mẹ già, nhắc họ phải giữ ấm cơ thể. Ngoài ra, người già cũng phải đảm bảo uống đủ nước vào mùa đông, bởi việc bổ sung đủ nước sẽ giúp cơ thể đào thải tốt. Lượng nước tối thiểu người già cần phải uống trong 1 ngày là từ 1-1,5 lít nước, có thể bổ sung bằng nhiều loại nước khác nhau như nước lọc, nước hoa quả, nước chè, nước canh …

 Ngay chiều hôm qua ngày 17/12, khoa cũng tiếp nhận một bệnh nhân 80 tuổi nặng. Bệnh nhân bị suy hô hấp, phải đặt nội khí quản, thở máy và chuyển sang khoa Hồi sức tích cực.

Theo TS Chu Thị Hạnh, trời lạnh gây ảnh hưởng không tốt đến đường hô hấp, đặc biệt là với bệnh nhân hen, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Với bệnh nhân này dù có tuân thủ điều trị, dùng thuốc đều đặn nhưng chỉ cần một sơ suất nhỏ trong việc giữ ấm cơ thể cũng có thể bùng phát cơn cấp nặng.

TS Hạnh cảnh báo: “Mỗi đợt kịch phát của bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính là “nỗi kinh hoàng” cho cả thầy thuốc và bệnh nhân. Bởi nếu ở trời lạnh, bệnh nhân rất dễ bị suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu sức đề kháng quá yếu hoặc không được cấp cứu kịp thời”.

Do đó, ngoài việc tuân thủ chặt chẽ việc dùng thuốc và tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ, theo TS Hạnh việc giữ ấm cơ thể và tăng cường chế độ dinh dưỡng trong ngày lạnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Để phòng khởi phát các cơn cấp, bác sĩ khuyên người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không nên ra khỏi nhà vào lúc sáng sớm, luôn luôn phải mặc ấm, giữ ấm cổ. Không khí trong nhà cũng phải được giữ ấm, không được để lạnh, nếu có điều kiện nên dùng điều hòa chiều ấm, nếu không có phải dùng máy sưởi. Trời lạnh, người bệnh cần phải ăn thức ăn ấm, nóng, không được ăn đồ lạnh. Đặc biệt, nếu có các bệnh nhiễm trùng tai, mũi họng cần phải điều trị triệt để, không để lan xuống đường hô hấp dưới, bởi nếu để viêm phế quản rất dễ dẫn đến các cơn cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.  

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Rét đậm ở miền Bắc