Năm 2015 sắp khép lại với rất nhiều những thành tựu đáng nể trong lĩnh vực y học, mở ra nhiều triển vọng trong việc khám chữa bệnh của nhân loại.
1. Vắc-xin sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới
Ngày 9/12 vừa qua, Bộ Y tế Mexico đã thông qua việc cho phép sử dụng vắc xin chống lại virus sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới, mở ra cơ hội ngăn ngừa các ca nhiễm sốt xuất huyết ở nhiều quốc gia, trong đó chủ yếu là châu Á, châu Phi, Mỹ LaTinh.
Sanofi Pasteur, nhánh vắc-xin của Tập đoàn Sanofi, Pháp là hãng sản xuất loại vắc xin này. Hãng Sanofi cho biết vắc xin này có tên là Dengvaxia. Nó có thể ngăn chặn sự phát triển của 4 loại virus có khả năng gây ra bệnh sốt xuất huyết. Tỷ lệ phòng chống virus sốt xuất huyết của vắc xin này là 60,8%, đặc biệt hữu ích để ngăn tái phát bệnh.
Tuy nhiên, loại vắc xin này chủ yếu dùng cho những người trong độ tuổi từ 9-45 tuổi, và ưu tiên sử dụng ở những nơi có dịch bùng phát. Điều này có nghĩa là vắc xin này không chấp thuận để tiêm trẻ em, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Khoảng 40.000 người Mexico dự kiến sẽ được dùng vắc xin Dengvaxia trong giai đoạn đầu.
Mexico đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới lưu hành vắc xin sốt xuất huyết (Ảnh minh họa)
Tập đoàn Sanofi Pasteur đã phải mất 20 năm nghiên cứu và phát triển loại vắc xin này ở hơn 17 quốc gia trên khắp thế giới với số tiền lên tới 1,5 tỷ EUR, bao gồm các khoản đầu tư sản xuất.
2. Chế tạo siêu kháng sinh mới chữa được hầu hết các bệnh
Các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại thuốc kháng sinh mới có tên là teixobactin, lần đầu tiên trong vòng 30 năm qua. Loại kháng sinh này có khả năng loại bỏ hầu hết các mầm bệnh, từ tụ cầu khuẩn vàng tới vi khuẩn lao, đang ẩn giấu trong đất.
Trong các thử nghiệm, loại thuốc kháng sinh mới đã nhanh chóng chữa trị được các nhiễm trùng có thể nguy hiểm chết người. Loại thuốc này cũng tỏ ra hữu hiệu trong việc chống lại các mầm bệnh khó tiêu diệt, gây tổn hại tim.
Giáo sư Kim Lewis ở Đại học Northeastern - lãnh đạo cuộc nghiên cứu hợp tác giữa đơn vị sở hữu sáng chế Texobactin, NovoBiotic, Đại học Bonn của Đức Công ty Selcia Limited của Anh, cho biết, teixobactin sẽ được thử nghiệm đầu tiên trên người trong vòng 2 năm tới và có thể được phổ biến trong vòng 10 năm nữa.
3. Lần đầu tiên phẫu thuật cấy ghép dương vật thành công
Lần đầu tiên trong lịch sử y học, các bác sĩ ở Đại học Stellenbosch University và bệnh viện Tygerberg (Nam Phi) đã tuyên bố cấy ghép dương vật thành công và bệnh nhân hiện giờ đã có con.
Bệnh nhân 21 tuổi được giấu tên, có gốc dương vật chỉ còn 1 cm do hậu quả để lại của lần cắt bao quy đầu trước đó 3 năm. Nhưng hiện nay bệnh nhân này có vẻ đã hồi phục hoàn toàn sau cuộc phẫu thuật kéo dài 9 tiếng ngày 11-12-2014.
Nhóm phẫu thuật viên ở Nam PhiẢnh: BBC
Bác sỹ Van der Merwe nói rằng đây là ca mổ khó hơn cấy ghép thận mà ông từng làm vì đường kính mạch máu trung bình rộng 1,5 mm so với mạch máu thận rộng 1 cm.
Ca phẫu thuật vẫn gây tranh cãi về y đức do ghép dương vật không liên quan trực tiếp đến sự sống của bệnh nhân như mổ ghép tim hoặc nội tạng khác.
4. Chữa ung thư bạch cầu nhờ truyền tế bào biến đổi gen
Bé Layla Richards, một tuổi, ở Anh khỏi bệnh bạch cầu lympho cấp tính sau 2 tháng được tiêm một ml tế bào gen được chỉnh sửa.
Sự hồi phục đầy ngoạn mục của bé gái mở ra con đường cách mạng hóa việc điều trị ung thư.
GS Waseem Qasim, một trong các bác sĩ của Layla, cho biết: "Đây là một cột mốc trong việc sử dụng công nghệ gen mới và hiệu quả của nó trên bệnh nhi này là cực kì đáng kinh ngạc. Nếu được phát huy, nó có thể là bước tiến lớn trong việc điều trị bệnh bạch cầu và các bệnh ung thư khác”.
Liệu pháp chữa trị bằng tế bào chỉnh sửa gene do các nhà khoa học tại GOSH và ĐH College London (UCL) cùng công ty công nghệ sinh học Pháp Cellectis hợp tác nghiên cứu. Hiện Cellectis đang tài trợ cho các thử nghiệm lâm sàng dự kiến bắt đầu vào năm tới.
5. Chữa bệnh bằng phương pháp in hình ảnh 3D
Một bé ở Trung Quốc đã làm nên lịch sử y tế sau khi trở thành người đầu tiên trên thế giới có toàn bộ hộp sọ được tái tạo bằng máy in 3D.
Bé gái Han Han là bệnh nhi đầu tiên bị não úng thủy được ghép thành công hộp sọ 3D.
Cô bé Han Han, 3 tuổi mắc phải một căn bệnh hiếm gặp có tên não úng thuỷ. Căn bệnh này khiến kích thước đầu của em tăng lên gấp 4 lần bình thường và khiến cô bé có nguy cơ bị mù, thậm chí tử vong. Han Han đã trải qua 17 giờ phẫu thuật và được dự kiến sẽ hoàn toàn khỏi bệnh.
Trước đây, tình trạng não của Han Han rất nghiêm trọng, chất lỏng chứa đầy 85% bộ não của em bé. Sự nguy hiểm của não úng thuỷ là khiến các chất lỏng dư thừa gây áp lực lên não, làm tổn hại nó. Các bác sỹ đã cảnh báo hộp sọ của Han Han có thể vỡ bất cứ lúc nào và việc phẫu thuật khẩn cấp là vô cùng cần thiết.