Trong suốt cuộc trò chuyện, chẳng có tiếng nói nào được phát ra ngoài tiếng bút lách tách trên trang giấy. Những em nhỏ không thể nghe, không thể nói, chỉ có thể giao tiếp qua ký hiệu, chữ viết và ánh nhìn. Cuộc hội thoại diễn ra trong im lặng đến nhói lòng.
Đoạn hội thoại… không lời
“Chị tên gì?”, “Tuổi bao nhiêu?”, “Nhà ở đâu?”, “Đám cưới chưa?”…là những câu hỏi ngộ nghĩnh mà chúng tôi nhận được trong cuộc trò chuyện với các em nhỏ ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội (Phú Xuyên, Hà Nội). Chỉ có điều, thay vì được nghe trực tiếp các em nói thì chúng tôi lại giao tiếp với nhau qua cây bút và những trang giấy. Ban đầu, với người “ngoại đạo” chưa qua một lớp học ngôn ngữ ký hiệu nào, chúng tôi và các em cũng gặp một vài khó khăn trong việc làm quen với nhau. Tuy nhiên, bằng ánh mắt chân thành, sự vô tư, thân thiện của các em nhỏ và qua “kênh ngôn ngữ” trên giấy, đã giúp cuộc trò chuyện của chúng tôi trở nên dễ dàng hơn.
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc trung tâm - ngôi nhà chung của 107 trẻ em khuyết tật - chia sẻ: “Các cháu nhỏ được gửi đến trung tâm, mỗi cháu một hoàn cảnh nhưng đều đáng thương. Có cháu là trẻ mồ côi, cháu thì bị bỏ rơi hoặc sinh ra trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhưng đáng thương nhất là các cháu sinh ra kém may mắn, mang trong mình một phần khiếm khuyết, không được như những đứa trẻ bình thường khác”. Đa phần các em nhỏ ở trung tâm là trẻ khiếm thính, không nghe và giao tiếp bình thường được mà phải dùng ngôn ngữ ký hiệu. Một số trẻ khác thì gặp khó khăn trong vấn đề nhận thức.
Lúc đầu khi mới làm quen với các em, câu chuyện chỉ xoay quanh việc chúng tôi hỏi và các em đáp về thông tin cá nhân. Các em vừa nhìn câu hỏi trên giấy, vừa diễn tả bằng ngôn ngữ ký hiệu và miệng lẩm nhẩm gì đó không thành lời. Sau khi đã hiểu câu hỏi, các em cẩn thận viết những câu trả lời: “Em tên là Trang”, “Tên em là Nga”, “12 tuổi”…
Các em nhỏ tại Trung tâm rất vui vẻ và thân thiện, đặc biệt là rất thích chụp ảnh. Ảnh: Mai Nguyễn
Trong đoạn hội thoại với Phương Anh (13 tuổi), khi chúng tôi khen “Tên của em rất hay” thì em chăm chú nhìn vào dòng chữ trên giấy, diễn tả ngôn ngữ ký hiệu, chốc chốc lại quay sang nhìn chúng tôi. Sau một hồi “giải mã” không thành công, em dùng ngón tay trỏ gõ gõ vào bên thái dương của mình, bàn tay khua khua tỏ ý không hiểu. Được bạn ngồi cạnh diễn giải giúp bằng ngôn ngữ ký hiệu và nhận ra mình được khen, Phương Anh nhoẻn miệng cười rồi nắn nót viết vào trang giấy: “Em cảm ơn chị”.
Tiếp xúc, các em rất thân thiện, hỏi han về “vị khách lạ” từ tên, tuổi, quê quán đến những vấn đề riêng tư. Khi thấy trời mưa, có em còn quan tâm: “Mưa về ướt hết”, “Chị đi phải sớm về nhà nhé, tối đi tai nạn hay” (Chị sớm về nhà nhé, đi tối hay tai nạn). Khi về đến nhà, đọc dòng tin nhắn trên điện thoại “Chị về đến nhà chưa, mưa ướt không”, chúng tôi vô cùng xúc động vì các em rất quan tâm đến người khác, dẫu đó là "khách lạ".
Bữa cơm trong im lặng
Đoạn hội thoại trên giấy của PV và các em nhỏ tại Trung tâm.
Tham dự một tiết học trên lớp cùng với các em, chúng tôi mới phần nào hiểu được những khó khăn, vất vả của những cán bộ, giáo viên đang công tác và giảng dạy tại Trung tâm. Tiết học Toán lớp 3 của cô giáo Ứng Thị Lan với những em nhỏ khiếm thính diễn ra khá đặc biệt. Lớp học chỉ có 10 em học sinh chia làm 3 dãy bàn xếp hình chữ U. Để làm một phép chia hai chữ số cho một chữ số, cô giáo Lan tỉ mỉ hướng dẫn từng bước một. Cô Lan vừa nói, vừa dùng ngôn ngữ ký hiệu, sau đó viết lời lên bảng. Các thao tác diễn ra thật chậm và lặp đi lặp lại nhiều lần để các em dễ hình dung. Cô Lan bảo: “Các em nhỏ rất ngoan, chịu khó học, tuy nhiên nhận thức hơi chậm nên tôi phải giảng chi tiết, có như thế các em mới nhớ được bài”.
Khi muốn phát biểu, các em giơ tay và cũng “nói” bằng tay. Những cánh tay giơ lên, hạ xuống nhịp nhàng uyển chuyển, những câu trả lời được thể hiện thông qua cử chỉ của đôi tay diễn ra trong suốt tiết học. Khi kết thúc giờ học, một em đứng dậy dùng tay ra hiệu cho các bạn, cả lớp khoanh tay trước ngực, cúi đầu chào cô giáo và khách.
Bữa cơm tối cũng diễn ra trong… im lặng, chỉ có tiếng thìa, tiếng đũa lách cách va vào chiếc khay nhôm đựng đồ ăn. Với những trẻ khiếm thính, đôi tay của các em được ví như những “sứ giả” truyền đạt thông tin, thực hiện nhiều chức năng cùng một lúc. Đôi tay vừa để gắp thức ăn, vừa để giao tiếp với mọi người và dường như mọi câu chuyện trong bữa ăn đều được các em “hiểu ngầm” với nhau. Cuộc sống kém may mắn đã lấy đi của các em giọng nói để thể hiện những lời yêu thương, khả năng nghe để cảm nhận âm thanh của cuộc sống. Thế nhưng, tâm hồn của các em vẫn nguyên vẹn, vẫn ngây thơ, trong sáng, vẫn biết yêu thương và quan tâm mọi người, dù đáng lẽ, các em mới là người cần được nhiều nhất những thứ đó.
“Ngày mới về nhận công tác tại trung tâm, tôi cũng rất bỡ ngỡ, như lạc vào một môi trường hoàn toàn khác. Từ việc giao tiếp với trẻ đến việc giảng giải, truyền đạt kiến thức đều gặp không ít khó khăn và bối rối. Tuy nhiên, càng tiếp xúc, tôi thấy các em rất thân thiện, như những đứa trẻ bình thường khác. Chính sự vô tư, trong sáng cùng hoàn cảnh đáng thương của các em là động lực “níu chân” tôi gắn bó tại đây. Các em sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi, kém may mắn nên tôi muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình để phần nào bù đắp cho các em”, cô giáo Ứng Thị Lan tâm sự. |