Không hiếm những tình huống rủi ro xảy ra với trẻ sơ sinh do sự bất cẩn của bác sĩ trong quá trình đỡ đẻ khiến sản phụ và người nhà sợ hãi.
Mới đây, vụ việc bác sĩ đỡ đẻ kéo đứt đầu trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đang khiến dư luận cả nước phẫn nộ. Theo đó, vào sáng 30/6, sản phụ Nguyễn Thị Tình (37 tuổi), trú xóm Làng Hội, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh được người nhà đưa đến viện thăm khám sau khi có dấu hiệu chuyển dạ. Chị Tình đã được nữ hộ sinh nghe tim thai 3 lần, đều thông báo thai bình thường, tử cung mở 4 cm.
Tuy nhiên, 1 tiếng sau, kíp trực thông báo thai nhi vừa sinh ra đã chết, trên cổ có vết đứt dài được khâu lại. Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa sản Bệnh viện Đức Thọ, người trực tiếp đỡ đẻ cho biết thời điểm tiếp nhận ca đẻ, bé sơ sinh đã lọt đầu ra ngoài, phần đầu xuất hiện nhiều vết mủ màu trắng.
“Khi tôi vào thấy cháu đã tử vong trước đó. Lúc này tôi dùng tay kéo nhẹ đầu cháu ra nhưng không ngờ bị đứt cổ. Khi đưa được bé ra ngoài, tôi tiến hành khâu 8 mũi lại rồi mới thông báo lại cho gia đình vì lúc đó quá nguy cấp, chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến người mẹ”, bác sĩ Đức phân trần.
Trong chiều 2/7, Sở Y tế Hà Tĩnh đã có báo cáo gửi Bộ Y tế về trường hợp này. Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra làm rõ.
Trước đó cũng đã cũng có những rủi ro đã xảy ra với cả trẻ sơ sinh và sản phụ mà lỗi lớn là do sự bất cẩn của các bác sĩ đỡ đẻ khiến mọi người hoảng hốt.
Bé sơ sinh gãy tay, nguy kịch vì bác sĩ đỡ đẻ sai cách
Cuối năm 2018, Bệnh viện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) xảy ra sự cố hy hữu khi bác sĩ không mổ bắt con mà cho sinh thường khiến bé bị ngạt và gãy tay do cố gắng đưa bé ra ngoài.
Cụ thể, sản phụ Nguyễn Thị Mậu (30 tuổi) ngụ khu phố Lập Nghĩa, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, nhập viện ngày 2/12/2018 trong tình trạng sức khỏe bình thường.
Tay phải bé sơ sinh bị gãy do bác sĩ sơ suất trong quá trình đỡ đẻ (Ảnh: Pháp Luật TP.HCM)
Đến 8h sáng hôm sau, chị Mậu được đưa vào phòng sinh. Tuy nhiên đứa bé khá lớn (cân nặng 4kg) nhưng các y bác sĩ Khoa Sản lại không cho sinh mổ mà cho sinh thường.
Lãnh đạo Bệnh viện Hàm Thuận Nam giải thích: "Khi bé ra, chúng tôi đã cố gắng hồi sức để bé hô hấp trở lại, sau đó chuyển bé nên tuyến tỉnh nên chỉ mới nghi ngờ bé bị gãy xương vai. Sau đó, bé lên tuyến trên và các bác sĩ ở đó xác định bé gãy xương vai. Cũng có thể khi thai nhi bị kẹt vai ở khung chậu, các bác sĩ phải bẻ xương đòn thai nhi để phần vai hẹp lại để em bé ra. Bé sẽ có nguy cơ liệt tay nhưng điều quan trọng nhất là lo tính mạng cho bé trước”.
Nhìn nhận về chuyên môn, vị này cho biết, để xảy ra sự cố trên là lỗi từ khâu siêu âm, tiên lượng cân nặng thai nhi chưa chẩn.
Mổ đẻ làm rách đầu bé sơ sinh, lãnh đạo bệnh viện vẫn cho rằng 'việc không lớn'
Vụ việc này xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng hồi tháng 6/2016. Theo đó, trong quá trình mổ đẻ cho sản phụ Trần Thị Thanh Lan (ở TP. Đà Lạt) bác sĩ đã rạch trúng đầu em bé, sau đó vội vàng khâu lại nhằm chối bỏ trách nhiệm.
Gia đình bức xúc bởi vết thương cháu bé ở vị trí đầu dài khoảng 4 - 5 cm (Ảnh: Người lao động)
Anh Phúc (chồng chị Lan) kể lại rằng vợ anh chuyển dạ con so rạng sáng 14/5/2016 và được gia đình chuyển lên khoa Sản. Khoảng 8h sáng, chị Lan sinh con gái đầu lòng bằng phương pháp mổ đẻ. Người thực hiện ca mổ là bác sĩ Nguyễn Hải Lê - Phó Trưởng khoa Sản. Sau khi sinh, các bác sĩ thông báo cháu bé sức khỏe yếu, phải nuôi trong lồng ấp, gia đình không được trực tiếp chăm nuôi con.
3-4 ngày sau, trong một lần bác sĩ tắm cho cháu, khi bỏ mũ ra, anh phát hiện đầu cháu có vết cắt dài khoảng ba bốn phân đã được khâu lại. Gia đình truy hỏi, yêu cầu các bác sĩ phải giải thích rõ, thì được biết trong lúc mổ, bác sĩ đã mổ trúng đầu cháu, sau đó khâu lại.
Vào thời điểm đó, một lãnh đạo BVĐK Lâm Đồng cho rằng vụ việc không lớn nên chưa có văn bản báo cáo lên Sở Y tế và bác sĩ mổ trúng đầu trẻ sơ sinh cũng chưa bị xem xét hình thức kỷ luật
Làm gãy chân trẻ sơ sinh, bác sĩ bảo do dị tật bẩm sinh
Sản phụ Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1975) ở thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang nhập viện Bệnh viên Đa khoa Nhật Tân (thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) lúc 8 giờ 55 phút ngày 29/7.
Chị Hồng mang thai lần ba, 38 tuần, ngôi ngang, thiểu ối nặng, được chỉ định phẩu thuật. Người nhà chị Hồng yêu cầu được sự hỗ trợ của bác sỹ chuyên khoa I Phạm Phước Vinh. Khi mổ xong, chân trái cháu bé bị gãy, phải băng bó cố định chân.
Ngay sau đó, bệnh viện trả lời gia đình là do bị dị tật bẩm sinh. Nghi ngờ bệnh viện nói dối, gia đình đã làm lớn sự việc và lúc này em bé mới được đưa đi chụp X- Quang. Kết quả xác định, bé bị gãy đùi chân trái, được bó bột ngay sau đó.
Cháu bé bị gãy chân tại Bệnh viện đa khoa Nhật Tân (Ảnh: TTXVN)
Trả lời báo chí về nguyên nhân gây ra sự việc, bác sĩ Châu Hữu Hầu - Giám đốc bệnh viện Đa khoa Nhật Tân thừa nhận sự việc bé bị gãy chân khi mổ là sự thật. “Do Thai nhi nằm ngang nên cắt mở tử cung để lấy thai nhi ra rất khó. Muốn đưa thai nhi ra ngoài bắt buộc bác sỹ mổ phải cầm chân kéo ra nên vô tình làm gãy đùi trái của bé. Tai biến này vẫn thường hay gặp và xảy ra tai nạn ngoài ý muốn”, bác sĩ Cầu giải thích.