Đầu xuân năm mới, khi đi chơi Tết đến nhà ai chúng ta thường dành những lời chúc tốt đẹp cho gia chủ, tuy nhiên, không phải “lời hay, ý đẹp” nào cũng phù hợp, đôi khi không dùng đúng ngữ cảnh sẽ khiến người được chúc thấy buồn hoặc cho rằng bạn có dụng ý khác.
Chúc Tết được coi là một truyền thống tốt đẹp, khởi đầu một năm mới ai cũng muốn dành cho nhau những lời chúc ý nghĩa. Nhưng nếu không sử dụng đúng ngữ cảnh câu chúc Tết sẽ trở thành vô duyên, làm cho người nhận không vui.
Đối với người lớn tuổi, nhất là những cụ ông, cụ bà gần 100 tuổi lại nhận được lời chúc: “Sống lâu trăm tuổi”, có lẽ sẽ khiến cho họ tủi thân vì mình quá sát tuổi 100. Bên cạnh đó đối với người già, cũng không nên chúc họ “làm ăn phát tài” vì họ cũng không có nhiều sức khỏe để làm ăn nữa. Chúng ta nên chúc họ “vạn sự như ý, sức khỏe tràn đầy” sẽ hợp lý hơn.
Với người già không nên chúc "làm ăn phát tài", hay "sống lâu trăm tuổi" (Ảnh minh họa/nguồn: Internet)
Câu “làm ăn phát tài” cũng không nên dùng trong trường hợp với những người làm nghề bác sĩ, vì chúc như vậy khác nào cầu mong nhiều người ốm yếu, bệnh tật.
Nếu đến một gia đình mà hai vợ chồng đang trong thời kỳ hòan tất thủ tục ly hôn mà bạn lại gửi lời chúc “luôn luôn hạnh phúc”, chắc chắn gia chủ sẽ cảm thấy buồn và chua sót khi họ đang bên bờ vực đổ vỡ.
Nhiều lời chúc cũng khiến gia chủ “cười ra nước mắt” như khi đang trong thời gian làm ăn khó khăn, năm trước đầu tư thua lỗ liên tục mà bạn lại chúc họ “làm ăn bằng năm, bằng mười năm cũ”, họ sẽ khó xử vì có làm bằng năm, bằng mười năm cũ vẫn có thể chưa đủ để cứu lỗ.
Không nên chúc chị em "ngày càng trẻ đẹp, mà hãy chúc "mãi trẻ đẹp như bây giờ" (Ảnh minh họa/nguồn: Internet)
Với chị em phụ nữ, chúng ta cũng không nên dùng lời chúc “ngày càng trẻ đẹp” cho họ vì họ sẽ nghĩ liệu có phải mình đang già đi, xấu đi nên người ta mới chúc như vậy?. Thay vào đó, nên chúc các chị em, “luôn trẻ, đẹp như bây giờ” họ sẽ vui hơn.
Vào ngày Tết nhiều người chưa xây dựng gia đình, chưa có người thương cũng rất ngại khi nhận được những lời chúc như: “Chúc anh/chị sang năm mới lấy được chồng/được vợ”, hoặc đối với những cặp đang khó khăn trong đường con cái lại nhận được lời chúc “sớm sinh quý tử” họ sẽ rất buồn vì chúng ta đã chạm vào nỗi đau của họ.
Chúng ta cũng không nên chúc những gia đình “sinh con một bề” toàn con gái, mà gia đình chồng lại khó tính muốn có cháu trai nối dõi rằng: “ Chúc sang năm mới đẻ được con trai”, như vậy là hết sức vô duyên và đó cũng là một quan niệm cổ hủ, “trọng nam khinh nữ”.
Cùng với đó, những câu hỏi không nên dành vào ngày Tết như: “ Bao giờ lấy chồng”, “có tin vui chưa”, “bầu con trai hay gái”, “năm nay thưởng Tết cao không”, “đi làm lương được bao nhiêu…”.