Trong môi trường viện dưỡng lão có nhiều người cao tuổi cùng sinh hoạt nên xảy ra khá nhiều chuyện “dở khóc dở cười” ít người biết.
1001 lý do vào viện dưỡng lão
Trải qua 4 năm hoạt động, Viện Dưỡng lão Diên Hồng hiện có gần 100 cụ từ 60 - 94 tuổi sinh hoạt. Bà Hoàng Thị Thu Ngân, Phó giám đốc Viện này cho biết, các cụ vào đây đều theo diện tự nguyện, được người thân đồng ý. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau như: con cái khá thành đạt nhưng bận rộn và thiếu kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi; con cái ở hết nước ngoài; một số cụ không muốn phiền con cháu, muốn ở một mình; thậm chí có trường hợp thích ở tập thể hoặc không hợp tính với người giúp việc…
Các cụ trong Viện dưỡng lão Diên Hồng làm tranh dán giấy
Các cụ được gửi vào viện dưỡng lão còn phải có sự đồng ý của con cháu vì liên quan tới đóng góp kinh phí, thăm nom hàng tháng, những bất trắc về sức khỏe tuổi già. Bên cạnh những gia đình thường xuyên thăm nom, gửi quà bánh cho các cụ cũng có một vài trường hợp con cái gửi mẹ vào rồi phó mặc cho viện dưỡng lão. Thậm chí, bà Ngân cho biết, có trường hợp con cái đưa mẹ vào với lý do mẹ bị lẫn, đến khi nhân viên biết cụ khóc cả đêm, không bị lẫn nên Viện đã gọi điện cho con cái đến đón cụ về.
“Ban đầu nhiều cụ vào đây đều nhớ nhà và muốn về. Một số cụ hiểu được sự khó khăn, bận rộn của con cháu nên ở lại. Nhưng đa số cụ ở một thời gian thì không muốn về nữa vì ở lại có bạn bè trò chuyện hằng ngày, trong khi về nhà chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường”, bà Ngân nói và ví dụ trường hợp của bà Cẩm đã hơn 80 tuổi.
Các cụ chơi trò câu cá để thư giãn, tạo không khí vui vẻ
Nhà bán hàng rất ồn ào nên bà Cẩm ở tầng trên cùng với sự hỗ trợ của người giúp việc. Tuy nhiên bà không ưa người giúp việc vì nấu ăn không theo khẩu vị của bà. Thêm vào đó bà nặng khoảng 70kg nên không ai bế nổi xuống nhà khi bị ốm đau. Từ ngày bà chuyển đến viện dưỡng lão sống, bà Cẩm ăn uống điều độ, có nhiều bạn già trò chuyện nên yêu đời, trẻ trung hơn, rất thích được chụp ảnh. Đến giờ bà không muốn về nhà, thi thoảng con cháu mua quà bánh đến thăm hỏi, động viên.
Bên cạnh các cụ ở nội trú còn có cụ ở bán trú như cụ Lê Thị Thịnh sáng được con đưa đến, chiều con đón về suốt hơn một năm qua. Các con của cụ Thịnh đều thành đạt nhưng công việc bận rộn, không có thời gian chăm sóc mẹ. Cụ bị tiểu đường, ở nhà với người giúp việc nhưng không thể kiểm soát được việc ăn uống đồ ngọt của cụ nên tình trạng sức khỏe rất kém. Vì vậy, cụ được gửi vào viện dưỡng lão này để được chăm sóc tốt hơn.
Tại Viện Dưỡng lão Diên Hồng, nhiều cụ thường bị bệnh mãn tính như xương khớp, tiểu đường, huyết áp cao, sa sút trí tuệ… Để hỗ trợ cho các cụ nhanh chóng hòa nhập, vơi bớt nỗi nhớ nhà, viện đã bố trí bác sĩ, chuyên viên công tác xã hội để chăm sóc sức khỏe, tâm lý. Các nhân viên của trung tâm còn hoạt động thể chất nhẹ nhàng, đọc sách cho các cụ nghe, chơi trò chơi, tổ chức văn nghệ, thi hoa hậu quý bà Diên Hồng…để giúp các cụ sống vui, khỏe hơn.
Một buổi chụp ảnh với sen của các cụ tại viện dưỡng lão Diên Hồng
Cụ Thịnh (trái) cùng người bạn thân thiết chụp ảnh với cúc họa mi
Chuyện bi hài ở ngôi nhà chung
Ở Viện dưỡng lão Diên Hồng, nhân viên gọi các cụ là “thầy”, “u”, xưng “con” tạo cảm giác gần gũi. Người ta thường nói người già tính nết hóa trẻ con. Điều đó biểu hiện rõ nhất ở viện dưỡng lão này. Do tuổi già trái tính, trái nết nên trong quá trình ăn uống, sinh hoạt tại đây có không ít chuyện “dở khóc dở cười”. Nhân viên nghĩ ra đủ “chiêu” để chăm sóc các cụ được tốt và tạo không khí cởi mở.
Một buổi nghe đọc sách của các cụ tại viện dưỡng lão
Bà Ngân kể, có những cụ tính thích được nũng nịu, chiều chuộng nên mỗi lần ăn các điều dưỡng viên phải nịnh nọt. Có cụ cứ đến giờ ăn là đòi phải có con ở bên cạnh nên nhân viên phải đóng giả làm con thì mới chịu ăn.
“Có cụ rất khó tính, không biết chiều kiểu gì. Ví dụ như ăn phở là phải nóng bỏng lưỡi, nhân viên đi thang máy từ tầng 5 xuống tầng 2 mà không đậy bằng đĩa thì nhất quyết không ăn vì không thực sự nóng. Rồi có cụ thích được nhân viên nào chăm sóc, xoa bóp thì tìm mọi cách gây khó dễ cho nhân viên khác để được người yêu thích đến chăm sóc”, bà Ngân kể.
Với gần 100 cụ sinh hoạt trong 2 cơ sở của Viện dưỡng lão Diên Hồng, các nhân viên gần như thuộc nằm lòng tính cách, thói quen của từng cụ ở đây. Hằng ngày, bảng ghi chú có khá nhiều điều nhắc nhở việc ăn uống, tập thể dục, kiểm tra sức khỏe cho các cụ.