Những điểm lạ của phiên tòa xử vụ thảm án ở Bình Phước

Ngày 18/12/2015 11:05 AM (GMT+7)

Ngày 17-12, tại bãi đất trong khu hành chính huyện Chơn Thành, khu phố Trung Lợi (Chơn Thành, Bình Phước), TAND tỉnh Bình Phước đã mở phiên tòa lưu động, xét xử vụ thảm sát Bình Phước. Đây là một trong những phiên tòa có khá nhiều điểm lạ.

Vụ án xảy ra tại biệt thự của ông Lê Văn Mỹ (xã Minh Hưng, Chơn Thành) gây bức xúc trong dư luận suốt từ tháng 7 đến nay. Chính vì vậy mà nó nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người dân địa phương và công chúng cả nước. Nhóm PV Pháp luật TP.HCM xin điểm lại những điểm “lạ” trong phiên tòa ngày hôm nay.

Hội đồng xét xử

Những điểm lạ của phiên tòa xử vụ thảm án ở Bình Phước - 1

 HĐXX

Đây là phiên xử mà HĐXX  có mặt cả hai lãnh đạo cao nhất của ngành tư pháp tỉnh Bình Phước: đích thân Chánh án TAND tỉnh, ông Nguyễn Hữu Trí đảm nhận vai trò chủ tọa phiên tòa; ông Lê Đức Xuân, Viện trưởng VKSND tỉnh, giữ quyền công tố.

Ngoài ra còn có ông Hoàng Minh Thịnh, Phó chánh Tòa hình sự TAND tỉnh Bình Phước làm thẩm phán và KSV Nguyễn Quốc Hân, Trưởng phòng 1 VKSND tỉnh Bình Phước thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án.

Số di ảnh nạn nhân

Những điểm lạ của phiên tòa xử vụ thảm án ở Bình Phước - 2

 Đoàn người mang di ảnh nạn nhân

Có thể nói đây là một trong những phiên tòa có nhiều di ảnh nạn nhân được đem đến sân xử nhất: 6 di ảnh. Đoàn thân nhân mang di ảnh cầm theo hoa hồng trắng nối dài đi vào vị trí khiến hàng ngàn người dự khán không khỏi xót xa. 6 nạn nhân trong 1 gia đình đã thiệt mạng dưới tay của người từng rất thân thiết với họ.

Không có thân nhân nào của các bị cáo có mặt 

Trừ bà Trần Thị Trinh, là người có liên quan đến vụ án được triệu tập, không có một người thân nào khác của 3 bị cáo Dương, Tiến, Thoại đến dự toà. Một vài nguồn tin cho rằng do mức độ tàn bạo của vụ án mạng nên gia đình các bị cáo được "khuyên" không nên có mặt ngày hôm nay để tránh những rắc rối không đáng có.

Luật sư “phản pháo” ngay trong phần tòa xét hỏi

Những điểm lạ của phiên tòa xử vụ thảm án ở Bình Phước - 3

 Luật sư Phạm Quốc Hưng

Trong phần tòa xét hỏi các bị cáo, thẩm phán Hoàng Minh Thịnh liên tục truy hỏi bị cáo Thoại vì sao từ chối tham gia vụ án nhưng vẫn mua dao cho Dương; chính Thoại nói: "Thù ai thì giết người đó" nghĩa là Thoại cũng đồng tình với dự tính của Dương trong việc giết người dù không đi cùng trong đêm 7-7. Luật sư Phạm Quốc Hưng, người bào chữa cho Thoại, đã bất ngờ đứng lên phản đối cách xét hỏi của thẩm phán vì cho rằng ép bị cáo theo hướng có tội.

Bị cáo chính nhận hết tội lỗi, xin lỗi đồng phạm

Những điểm lạ của phiên tòa xử vụ thảm án ở Bình Phước - 4

Nguyễn Hải Dương, bị cáo chính trong vụ án từ đầu đến cuối bình tĩnh khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Dương hoàn toàn đồng ý với bản cáo trạng và không có một ý kiến phản đối nào. “Tôi đã giết 6 người”, đó là lời khẳng định của Dương.

Nói lời cuối cùng trước khi nhận bản án, ngoài xin lỗi gia đình nạn nhân, Dương xin lỗi hai đồng phạm là Thoại và Tiến vì một phút nông nổi mà gây liên lụy cho nhiều người.

“Bị cáo không oan nhưng ức”

Những điểm lạ của phiên tòa xử vụ thảm án ở Bình Phước - 5

Bị cáo Vũ Văn Tiến được luật sư viện dẫn rất nhiều căn cứ để được giảm án tử. Luật sư nêu ra 5 tình tiết giảm nhẹ tội cho Tiến vì Tiến yếu đuối, bị Dương gây áp lực về tinh thần nên phải làm theo. Đây cũng là tình tiết lạ trong vụ án vì bị cáo không kêu oan mà kêu “ức” vì bị lôi kéo.

4 luật sư bào chữa đều mở đầu bằng lời xin lỗi

 Những điểm lạ của phiên tòa xử vụ thảm án ở Bình Phước - 6

Mở đầu phần bào chữa cho các bị cáo, cả 4 luật sư đều nói lời xin lỗi chân thành đến gia đình người bị hại. Vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, các luật sư đều ý thức rõ hành vi của 3 bị cáo, tội lỗi bị cáo đã gây ra. Dù công việc của các luật sư là bảo vệ quyền lợi bị cáo, nhưng họ vẫn hiểu rằng vụ án này đã quá rõ ràng, tội ác này không thể tha thứ.

Khán giả bền bỉ

Ước tính có đến 4000 người dân tham dự phiên xử hôm nay tại Bình Phước. Bất chấp ánh nắng như thiêu đốt và bụi cát bay mù mịt, các khán giả này vẫn ngồi yên tại sân xử suốt từ 4 giờ sáng đến gần 8 giờ tối để theo dõi diễn biến phiên tòa. Nhiều người còn lặn lội từ xa đến, trèo lên cây để dự vì “bao nhiêu năm mới có một vụ như thế này”.

Ba bị cáo đều không có tiền bồi thường

Theo yêu cầu của gia đình người bị hại, các bị cáo phải bồi thường tổn thất tinh thần số tiền 480 triệu đồng nhưng cả 3 bị cáo đều cho biết mình không có tiền. Dương nói: “Bị cáo không có tiền, nếu có bị cáo sẽ bồi thường”.

Tuyên án trong bóng tối

Những điểm lạ của phiên tòa xử vụ thảm án ở Bình Phước - 7

 Thời gian HĐXX nghị án kéo dài đến hơn 1 giờ đồng hồ, từ 17h đến 18h10, phần đọc bản án cũng kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ từ 18h15 đến 19h20. Sân tòa lúc này đã tối om do vị trí xử án là bãi đất trống đến 4 ha, không có hệ thống chiếu sáng rộng khắp. Ban tổ chức phiên tòa phải phát thông báo người dân đề phòng kẻ gian lợi dụng bóng tối trộm cắp còn chủ tọa khá vất vả để đọc bản án trong ánh sáng hạn chế của chiếc đèn bàn.

Theo Nguyễn Đức - PD
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot