Thông tin tại Việt Nam đã xác định hai bệnh nhân dương tính với virus Zika do muỗi gây ra chẳng khiến những hộ dân sống ven sông quan tâm. Bởi từ nhiều năm nay, họ đã quá quen với ô nhiễm, thản nhiên đối mặt với những ổ muỗi luôn có khả năng truyền nhiễm bệnh…
Cuộc sống của 12 “mái nhà” gần chân cầu Long Biên luôn trôi nổi theo dòng nước lên xuống của con sông Hồng. Khái niệm phòng chống các dịch bệnh mới nguy hiểm như Ebola, Zika, sốt xuất huyết… là một cái gì đó xa lạ với họ.
Từ lâu, 12 hộ dân ở “xóm Thuyền Chài” đã chấp nhận sống chung với ô nhiễm mỗi trường và muỗi. Ảnh: Cao Tuân
Chỉ nghe loáng thoáng về dịch Zika
Chiều muộn, men theo con đường đất đổ tạm chúng tôi tìm đến phố An Xá (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội). Từ hơn thập kỷ trước, nơi đây đã hình thành nên một “xóm Thuyền Chài” của người dân ngụ cư. Tại đây, có 12 mái nhà được lợp tạm bằng mái tôn cùng vải bạt gần bờ sông Hồng, cách cầu Long Biên vài trăm mét.
Lân la hỏi chuyện người dân, chúng tôi được biết, phần lớn dân cư sống ở “xóm Thuyền Chài” là dân tứ xứ, làm những nghề “trên cạn” như bốc vác, gánh hàng thuê, xe ôm, thu mua đồng nát...
Với ánh mắt thật thà pha chút ái ngại, bà Trần Thị Tuyết (67 tuổi, quê Thái Bình) bộc bạch: “Cả khu này có tổng cộng 12 hộ gia đình sinh sống ở đây suốt 15 năm nay. Từ năm 2001, tôi cùng với con gái và cháu ngoại đã rời quê nhà lên Hà Nội mưu sinh. Do điều kiện khó khăn quá nên cả nhà tôi kéo nhau ra ven sông Hồng dựng những chiếc thuyền lều trôi nổi trên sông, sống tạm bợ qua ngày”.
Vừa gánh trên vai hai xô nước chứa trong bình 20 lít mua ở trên phố về, người phụ nữ này tiếp lời: “Chúng tôi làm đủ các công việc từ đi lượm ve chai, nhặt tôm tép rồi đẩy xe hàng tại chợ đầu mối Long Biên. Sống dưới nước mãi khổ quá tôi bảo con gái và cháu thuê nhà nơi khác cho tiện sinh hoạt. Tôi thì ở tuổi này rồi sống sao cũng được, chẳng muốn đi nữa”.
Hàng ngày, những đứa trẻ ở “xóm Thuyền Chài” vẫn chơi bên dòng nước đen ngòm, cáu bẩn.
Cùng cảnh ngộ xa quê lên Hà Nội kiếm sống từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Châu (61 tuổi) quê ở Hà Nam tâm sự: “Nhà có hai vợ chồng với 4 mặt con nhưng cũng chỉ biết bám trụ nơi đây làm lụng để sống. Hai đứa con đầu nhà tôi đã lớn, đi làm rồi nhưng đồng lương bèo bọt. Cứ tầm 9h tối là anh em nó ra chợ Long Biên bốc vác hàng thuê, 5h sáng mới về nhà”.
Cuộc sống khó khăn, thu nhập không ổn định nên ngay cả các nhu cầu cơ bản về điện, nước sạch sinh hoạt cũng xa vời với những hộ dân nơi đây. Đáng nói là các hộ dân nơi đây đều cảm thấy khá lạ lẫm trước thông tin về dịch bệnh truyền nhiễm do muỗi đốt. “Buổi tối hôm nào rảnh thì mở đài FM để nghe tin tức. Tôi cũng chỉ nghe loáng thoáng về dịch Zika gì đó do muỗi đốt nhưng không hiểu nó cụ thể ra sao. Nói thật, sống ở ven sông muỗi nhiều vô kể, nhất là thời điểm “tháng ba muỗi hoa xoan” muỗi nhiều như rắc trấu. Đi nghỉ trưa có một lúc, chúng tôi cũng phải mắc màn không thì nó đốt ngứa ngáy lắm”, bà Đàm Thị Chinh (56 tuổi, quê Hưng Yên) tâm sự.
Cũng theo bà Chinh, khổ nhất là trẻ nhỏ. Dù đã thắp hương muỗi và mua cả thuốc xịt muỗi về phun khắp nhà nhưng do hiếu động nên bọn trẻ vẫn bị những vết muỗi đốt đỏ mẩn khắp tay, chân. Nhất là lúc chiều tà khi tan học về thì chúng hay tụ tập chơi đùa ngay cạnh bãi rác gần nhà.
Chỉ tay lên bãi rác mọc lên ngay cạnh con đường dẫn từ trên phố xuống xóm, bà Chinh tiếp lời: “Nhiều khi muốn đốt bỏ bãi rác đó đi cho đỡ ô nhiễm nhưng lại ngại vì có mấy khóm chuối với cây trồng mà người dân ở trên phố họ trồng. Thành ra bãi rác đó cứ tồn tại và ngày càng đầy lên khiến cho chúng tôi phải chịu mùi xú uế, khó chịu nhiều năm nay. Cuộc sống của mình nó vậy, đành chấp nhận sống chung với muỗi”.
Không kiếm ăn sẽ bị đói chết trước bệnh!
Một cháu bé đang chỉ vào những vết muỗi đốt chi chít trên cánh tay.
Chị Hồng, sống ở đây đã gần 10 năm tâm sự: “Ban ngày cái xóm này rất vắng vì mọi người đi bán hàng rong hoặc những người ở lại nhà thì hầu hết là cửu vạn làm đêm, ban ngày ngủ lấy sức. Dù trong xóm cũng có đài, tivi nhưng chẳng mấy ai thiết xem. Quanh năm, suốt tháng loanh quanh luẩn quẩn từ nhà ra chợ từ tờ mờ sáng đến tận tối khuya. Thời gian nghỉ ngơi chả đủ nói gì chuyện nghe đài, xem tin tức. Giờ phải lo miếng cơm, manh áo đã không thì đói mà chết trước bệnh”.
Qua quan sát, môi trường sinh hoạt của 12 hộ dân nơi đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rác thải cận kề với nguồn nước sông đen ngòm và điều kiện sống tạm bợ của người dân khiến cho tình hình dịch bệnh càng có nguy cơ bùng phát. Đe dọa trực tiếp tới sức khỏe của gần trăm người dân nơi đây.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Nguyễn Đình Minh, Tổ trưởng của “xóm Thuyền Chài” cho hay: “Người dân ở đây đều là dân nhập cư nghèo khổ từ nhiều địa phương đến đây. Hàng ngày, họ phải đi làm thuê, làm mướn, nhặt ve chai ở các khu chợ để kiếm tiền mưu sinh. Do điều kiện sống khó khăn và đặc thù thế nên việc bà con tập trung phòng chống dịch bệnh do muỗi còn nhiều hạn chế. Chính tôi cũng đã nhiều lần tới tuyên truyền cho các hộ về cách phòng chống muỗi đốt để bà con hiểu và không chủ quan”.
Theo lời ông Minh, tuy sống khá tách biệt về mặt địa lý với khu dân cư đông đúc ở trên phố nhưng lãnh đạo phường Phúc Xá vẫn luôn sát sao trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống dịch bệnh cho bà con. Mỗi khi có chương trình tập huấn về phòng chống dịch bệnh theo chỉ thị của Sở Y tế, ông vẫn lên phường dự đầy đủ để về truyền đạt đến người dân.
“Cái quan trọng nhất vẫn xuất phát từ đời sống của người dân quá khó khăn. Ngay cả nước sạch người dân vẫn phải chấp nhận mua với giá khá cao còn việc nấu ăn cũng tạm bợ nên không thể đỏi hỏi các tiêu chí về vệ sinh. Ai cũng biết ở đây ô nhiễm môi trường nên nhiều muỗi và có thể gây bệnh nhưng mọi người vẫn phải tặc lưỡi chấp nhận”, vị tổ trưởng phân trần.
Không có đất sống trong thành phố đắt đỏ Ở “xóm Thuyền Chài” cũng không thiếu những đứa trẻ theo cha mẹ từ thuở lọt lòng và phải sống trong khu vực ô nhiễm, quanh năm thiếu ánh sáng, thừa ẩm mốc ấy rồi lớn lên, trưởng thành từ sự nghèo nàn ấy. Như những lời chia sẻ thật thà của người dân nơi đây: “Nếu không sống tại những nơi như vậy, chúng tôi cũng chẳng biết sống ở đâu tại thành phố đắt đỏ này”. |