Những bé trai trong ca sinh 3 đặc biệt nay đã 18 tháng tuổi, rất kháu khỉnh, đáng yêu và biết tranh giành đồ chơi, cùng nhau nghịch phá mọi đồ đạc trong nhà.
Vượt quãng đường dài với cái nắng gắt, chúng tôi tìm thấy căn nhà nhỏ của vợ chồng chị Đỗ Thị Biển (31 tuổi, ngụ huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) – mẹ của những bé trai trong ca sinh 3 hy hữu cách đây gần 2 năm.
Nghe tiếng gọi cửa, mẹ chồng chị Biển liền chạy ra thông báo nay nhà phun thuốc muỗi nên tụi nhỏ sang bên ngoại chơi. “Mấy nay, các cháu bị muỗi chích khắp tay chân khiến mưng mủ hoặc gãi chảy máu. Vì vậy con tôi tranh thủ cuối tuần gọi thợ đến xịt thuốc đã đưa chúng về thăm ngoại”, bà nói.
Theo sự chỉ dẫn của bà, chúng tôi cũng đến được nhà ngoại của 3 đứa trẻ. Khi ấy cả 3 bé đều đang say sưa ngủ trưa.
Sau chuyến du lịch Nha Trang, chị Biển thấy cơ thể có nhiều thay đổi đã mua que về thử thai rồi phát hiện 2 vạch, một rõ một mờ. Chị tự chạy xe xuống thị trấn siêu âm và được chẩn đoán mang thai đôi 6 tuần tuổi.
“Suốt quãng đường từ viện về nhà, tôi sợ hãi đến tột cùng. Tôi không biết mình có thể “nuôi dưỡng” cái thai phát triển hay không (?) trong khi bản thân chỉ nặng 39kg.
Sau đó, ông xã và gia đình động viên rất nhiều thì tôi bình tĩnh, chấp nhận hiện thực. Anh bảo “con cái là lộc trời cho” nên chuyện tôi mang thai đôi là phúc lớn của hai bên nội ngoại”, chị nhớ lại.
Thời điểm mang thai cũng là lúc chị Biển bận ôn thi công chức. Chị dành mọi thời gian vào việc học tập và ăn uống bồi bổ sức khỏe với hi vọng các con phát triển bình thường.
Nghe tiếng 3 con khóc, tôi thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng cũng “mẹ tròn con vuông”. Các con đều chào đời khỏe mạnh, hai cu lớn nặng 1.9gram, bé út được 1.8 gram
- Anh Phúc -
”Thai 9 tuần, vợ chồng chị Biển lên bệnh viện tỉnh thăm khám. Bác sĩ kết luận chị mang tam thai chứ không phải thai đôi như lần siêu âm đầu. Chị choáng váng đầu óc, bật khóc ngay tại phòng khám, còn anh Phúc (35 tuổi) – chồng chị vui thì ít mà lo lắng thì nhiều. Anh sợ thai 3 sẽ gặp nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến tính mạng của vợ mình.
“Hôm sau, vợ chồng tôi bắt xe đò lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội kiểm tra lại. Bác sĩ vừa siêu âm xong đã nói lớn: “Tại sao chị không đi khám sớm để bỏ bớt 1 bào thai? Chị có biết giờ thai to như vậy rất nguy hiểm hay không?”.
Tôi chết điếng người nhưng cổ tỏ ra bình tĩnh hỏi bác sĩ liệu mình bé như vậy có thể mang tam thai. Họ gật đầu rồi tư vấn về cách chăm sóc cũng như uống các loại thuốc để đảm bảo cho thai nhi phát triển đều”, chị Biển tâm sự.
Khi thai 28 tuần, chị ra nhiều máu nên chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương nằm giữ thai và theo dõi hơn tháng trời. Đầu tháng 2/2017, chị có dấu hiệu trở dạ và sinh 3 bé trai kháu khỉnh bằng phương pháp mổ.
Vợ chồng chị Biển đặt tên các con lần lượt là Nguyễn Duy Nam, Nguyễn Duy Hưng và Nguyễn Duy Thái nhưng gia đình hay nhẫm lần giữa các bé. Vì vậy chị để nguyên dây buộc ở chân, sau đó do vướng víu đã tháo ra và thay bằng cách: mỗi lần cho ăn thường đội mũ để dễ phân biệt.
Với những gia đình sinh một đứa, họ chỉ cần 1-2 người chăm sóc cho cả mẹ và bé. Còn chị Biển sinh 3 bé cùng lúc đã phải “tổng huy động” hai bên nội – ngoại dồn sức cùng nhau nuôi dưỡng.
“Tôi đã từng rơi vào trạng thái khủng hoảng sau sinh suốt thời gian dài. Đêm nào cũng vậy, các con thay phiên nhau khóc đòi sữa khiến tôi chỉ dám chợp mắt một chút rồi thức dậy trông. Sợ nhất là cảnh một đứa bị bệnh lây sang 2 đứa còn lại", chị nghẹn ngào.
Nhìn các con lớn lên từng ngày, vợ chồng tôi chấp nhận cực khổ để lòng mình được hạnh phúc
- Chị Biển -
”Hiện tại, chị Biển đã hết chế độ thai sản và trở về với công việc giảng dạy tại trường. Anh chị bàn bạc bà nội sẽ coi chừng 1 bé, nhờ ông ngoại sang trông giúp 1 bé và thuê thêm bác giúp việc chăm sóc bé còn lại.
4h15 sáng, chị phải dậy chuẩn bị cơm nước, cháo bột cho gia đình và các con. Khi chúng dậy, chị đưa từng bé đi vệ sinh cá nhân, thay bỉm rồi cùng chồng đút ăn. Xong xuôi, chị nhờ mẹ chồng coi giúp để đi giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa và đi chợ mua thức ăn.
6h30 sáng, chị chuẩn bị cặp sách đến trường cho kịp giờ lên lớp. Lũ trẻ ở nhà cùng bà nội, ông ngoại và bác giúp việc. Đến trưa chị tranh thủ về cho các con ăn rồi chiều lại đi dạy. Xế chiều, chị tan làm về nhà tắm rửa, cho con ăn uống,… Công việc cứ xoay vòng cho đến đêm.
“Từ hồi sinh đến tận bây giờ - khi lũ trẻ 18 tháng tuổi, vợ tôi cứ luôn chân luôn tay. Cô ấy chẳng có một chút thời gian để nghỉ ngơi hay làm công việc mình yêu thích”, anh Phúc nói.
Anh vừa dứt lời, bé Hưng từ trong phòng ngủ chạy ra mếu máo rồi chỉ tay về phía em út. “Thái lại cắn anh đúng không? Con ra đây ba xem nào”, anh quát .
Thái biết lỗi nên ngồi im lặng một góc nhà. Lúc sau, 2 anh lớn chạy tới vỗ về và “rủ” bé ra chơi trò nhẩy cao ở trên giường.
“Khi các con chưa biết đi, gia đình tôi trông nhàn hơn rất nhiều. Giờ chúng đã biết giành đồ chơi rồi cùng nhau nghịch phá mọi đồ đạc trong nhà. Hễ tôi không để ý là một trong 3 đứa sẽ chạy lại gần khu vực có nhiều dây điện rồi cố gắng dứt nó ra. Thậm chí khi không có bố mẹ ở nhà, chúng còn vào hùa bắt bạt ông bà”, chị Biển cho hay.
3 bé Nam, Hưng và Thái rất đáng yêu và biết tranh giành đồ chơi của nhau
Con càng lớn, vợ chồng chị Biển phải chịu gánh nặng kinh tế gấp nhiều lần trước. Mọi chi phí từ ăn uống, tã bỉm, quần áo,…lúc nào cũng phải nhân 3 nhân 4. Dù vậy người mẹ ấy chỉ cần các con yêu thương, đùm bóc lẫn nhau thì mọi mệt mỏi, khó khăn bỗng tan biến thành động lực cố gắng.
Cô con gái đầu và cậu út của vợ chồng chị Biển
Bé Hưng được ba cho uống sữa khi vừa ngủ dậy
Sau đó, bé bị em út cắn nên mếu máo ra ngoài ngồi chơi một mình
Nhiều lúc, anh Phúc không biết phải làm sao để có thể cùng lúc bế các con