Máy bay Nga số hiệu 9268 gặp nạn ở Ai Cập ngày 31/10 khiến 224 người thiệt mạng là vụ tai nạn máy bay thảm khốc nhất thế giới trong năm nay.
Máy bay Đài Loan TransAsia Airways bị rơi xuống sông, 43 người chết
Chiếc máy bay ATR-72 mang số hiệu GE235 của hãng TransAsia Airways (Đài Loan) chở theo 58 người đã rơi xuống một con sông ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan vào ngày 4.2. Trong số 58 người trên máy bay, 43 người đã thiệt mạng.
Ngày 7/2, các điều tra viên Đài Loan cho hay các phi công trên chiếc máy bay ATR-72 đâm xuống sông có thể đã tắt nhầm động cơ sau khi nghe tín hiệu báo động động cơ ngừng hoạt động trong buồng lái.
Với một động cơ bị hỏng và một động cơ bị tắt nhầm, chiếc máy bay hai động cơ này đã mất kiểm soát, chao đảo giữa những tòa nhà cao tầng và cuối cùng đâm xuống sông Cơ Long chỉ vài phút sau khi cất cánh.
Thân máy bay đã được vớt lên
Cơ trưởng Liao Chien-tsung là một người có gần 5000 giờ bay, trong đó có 3.400 giờ lái máy bay ATR-72, trong khi cơ phó Liu Tse-chung cũng là một người rất giàu kinh nghiệm với gần 7.000 giờ bay.
Sau vụ tai nạn, người dân Đài Loan đã ca ngợi phi công của chiếc máy bay này như những anh hùng khi họ đã tìm cách đưa máy bay tránh những tòa nhà cao tầng và chọn địa điểm rơi là sông Cơ Long để hạn chế thương vong.
Máy bay Đức Airbus A320 rơi tại Pháp, 150 hành khách tử nạn
Chuyến bay 4U 9525 của hãng hàng không giá rẻ Đức Germanwings gặp nạn khi đang trên đường bay từ thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, tới thành phố Duesseldorf, Đức. Vị trí máy bay rơi xuống là vùng núi Alps, đông nam Pháp.
Những mảnh vỡ của chiếc máy bay được tìm thấy tại hiện trường
Hiện trường thảm kịch Airbus A320
Cơ phó tử thần Andreas Lubitz, người bị cáo buộc đã cố tình đâm máy bay vào núi để tự sát đã cố gắng cứu chiếc phi cơ vào phút chót.
Trước đó, trong một báo cáo trước đó, BEA cho biết, cơ phó Lubitz đã liên tục hạ độ cao và sau đó lại nâng lại độ cao của một chuyến bay khác cũng có lộ trình từ Dusseldorf đến Barcelona vào buổi sáng trước khi lái chiếc Airbus A320 vào núi. Đây được cho là hành động “tập luyện” cho nỗ lực tự sát của cơ phó này cùng ngày hôm đó trên chuyến bay mang số hiệu 4U9525.
Các công tố viên Đức cho biết, cơ phó Lubitz đã bị chẩn đoán là người có xu hướng tự sát cách đây vài năm, trước khi anh ta trở thành phi công.
Chân dung cơ phó Lubitz.
Lufthansa, công ty mẹ của hãng hàng không Germanwings đã thừa nhận rằng trong khi tham gia khóa đào tạo phi công vào năm 2009, Lubitz đã thông báo với nhà trường rằng anh ta từng bị “trầm cảm nghiêm trọng”. Tuy nhiên, sau đó anh ta vẫn được cấp chứng chỉ phi công sau khi vượt qua các bài sát hạch.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Pháp Alain Vidalies tuyên bố "không có người sống sót" trong tai nạn. Tổng cục hàng không dân dụng Pháp cho biết chiếc máy bay đã không phát tín hiệu cấp cứu mà chính nhân viên kỹ thuật trực đã phát tín hiệu khẩn cấp sau khi mất liên lạc với chiếc máy bay và nhận thấy chiếc máy bay đi chệch hướng và mất độ cao.
Lúc gặp nạn, trên chiếc máy bay có 150 người gồm 144 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn.
Rơi máy bay Indonesia, 141 người thiệt mạng
Ngày 30/6, Chiếc máy bay Lockheed C130-B Hercules của Không quân Indonesia bị rơi ở Medan, Indonesia khi đang đi từ Medan tới Tanjung Pinang, Sumatra khiến toàn bộ 122 người trên máy bay cùng 19 người trên mặt đất thiệt mạng.
Chiếc máy bay bị rơi sau 2 phút cất cánh.
Trước đó, phi công trên máy bay đã liên lạc yêu cầu quay về do trục trặc kỹ thuật. Các nhân chứng cho biết, máy bay đã quay vòng trên bầu trời trước khi lao xuống khu dân cư.
Thành phố Medan cũng chứng kiến một vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng sau khi chiếc Boeing 737 của Mandala Airlines cất cánh từ sân bay thành phố đã đâm vào khu dân cư cách đây 10 năm. Tai nạn khiến 143 người thiệt mạng, gồm 30 nạn nhân ở mặt đất.
Lockheed C-130 Hercules là máy bay vận tải hạng trung 4 động cơ có thể sử dụng ngay cả trên đường băng thô sơ khi cất và hạ cánh. Đây là loại máy bay không vận chiến lược của hơn 60 quốc gia trên thế giớ với 40 mô hình khác nhau.
Máy bay Nga số hiệu 9268 gặp nạn ở Ai Cập khiến 224 người thiệt mạng
Chiếc máy bay Airbus A321 của Nga, cất cánh từ sân bay Sharm el-Sheikh đi St. Peterburg vào ngày 31-10, đã phát nổ và rơi tại bán đảo Sinai (Ai Cập) làm toàn bộ 224 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) ngày 17/11 xác nhận nguyên nhân vụ rơi máy bay A321 tại Ai Cập hôm 31/10 là do “hành động khủng bố”.
Mảnh vỡ của máy bay A321.
Theo đó, sau khi phân tích hành lý của hành khách cũng như các bộ phận của máy bay, các nhà điều tra đã phát hiện thấy dấu vết nổ trên xác máy bay, cho thấy nó đã bị tấn công khủng bố.
Đây không phải là lần đầu tiên nước Nga đối mặt với những tội ác khủng bố man rợ, thường không rõ lý do, như từng xảy ra trong vụ nổ tại nhà ga đường sắt Volgograd, cuối năm 2013", ông Aleksandr Bortnikov nói thêm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin lệnh cho các cơ quan an ninh Nga phải tìm ra bằng được và trừng trị những kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công máy bay tại Sinai.
Máy bay Nga rơi ở Nam Sudan, 41người thiệt mạng
Ngày 4/11/2015 một chiếc máy bay vận tải AN-12 do Nga sản xuất, thuộc sở hữu của công ty Allied Services Limited bị rơi tại Nam Sudan, khiến hơn 41 người thiệt mạng.
Trong đó, Đại sứ quán Armenia tại Ai Cập xác nhận 5 thành viên phi hành đoàn là công dân nước này và họ đều nằm trong số các nạn nhân thiệt mạng.
Chiếc Antonov An-12 gặp nạn khi vừa cất cánh ở thủ đô Juba – Nam Sudan hôm 4-11, sau đó lao xuống một hòn đảo trên sông Nile Trắng, nơi các ngư dân đang làm việc. Thân máy bay rúc sâu vào rừng, còn một phần đuôi và các bộ phận khác nằm rải rác trên bờ sông.