Ca ghép tạng xuyên Việt, lần đầu tiên mang thai hộ thành công, đổi mới phong cách phục vụ, ký cam kết bệnh nhân không nằm ghép… là những thành tựu nổi bật của ngành y tế Việt Nam năm 2015.
Đối với ngành y tế, năm 2015 đã chứng kiến một bước “chuyển mình” vượt bậc với nhiều thành tựu trước nay chưa từng có, ví dụ như: ca ghép tạng xuyên Việt thành công, vắc xin Việt Nam lần đầu tiên đạt chuẩn quốc tế để xuất khẩu hay thực hiện hóa mục tiêu chăm sóc sức khỏe bằng cách ký các cam kết thay đổi thay đổi thái độ phục vụ làm hài lòng người bệnh…
Vận chuyển và ghép tạng xuyên Việt
Một trong những thành tự đầu tiên chúng tôi muốn đề cập đến đó chính là ca vận chuyển tạng xuyên Việt và ghép thành công cho hai bệnh nhân mắc bệnh tim và gan. Thực tế, vấn đề ghép tạng nói chung và ghép gan, ghép tim nói riêng ở Việt Nam không phải là vấn đề mới, bởi chúng ta đã làm chủ và thực hiện được hàng trăm ca ghép tạng từ trước đến nay.
Bệnh nhân ghép gan hôm 5/9.
Tuy nhiên, điều mà dư luận và nhân dân cả nước muốn gửi lời tri ân và cảm ơn đến các bác sĩ đó là việc luôn chủ động, sáng tạo, nỗ lực hết mình để vận chuyển tạng xuyên Việt trong điều kiện không mấy thuận lợi nhằm cứu sống bệnh nhân. Sự kiện này không chỉ là lần đầu tiên có ở Việt Nam mà ngay cả y học thế giới cũng chưa từng ghi nhận (trên thế giới vận chuyển tạng phải bằng máy bay, xe chuyên dụng –p/v).
Công bố hai ca mang thai hộ thành công
Thành tựu tiếp theo không chỉ thể hiện “tay nghề” của các bác sĩ Việt Nam không thua kém các nước phát triển trên thế giới, mà thành tựu này còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc đối với những người dân không có cơ hội làm mẹ tự nhiên.
Thành công của hai ca mang thai hộ đầu tiên tại Bệnh viện Từ Dũ thắp lên niềm hi vọng cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Ảnh minh họa
Đó chính là việc công bố hai ca mang thai hộ đầu tiên ở Việt Nam thành công. Theo đó, hồi tháng 9/2015 Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) đã chính thức công bố hai ca mang thai hộ đã thành công. Thông báo này được đưa ra khi thai nhi được 7 tuần tuổi các kết quả xét nghiệm bình thường và siêu âm có tim, đáng mừng hơn một trường hợp (ở Khánh Hòa – P/V) mang song thai.Thành tựu này là một tín hiệu đáng mừng đối với hàng ngàn trường hợp đang mong muốn có con ở Việt Nam, nhưng do bệnh lý mà không thể mang thai được.
Vắc xin Việt Nam đạt chuẩn xuất khẩu ra thế giới
Ngoài những thành tựu về ngoại khoa, sản khoa trong năm vừa qua ngành y tế dự phòng cũng đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Có lẽ điều đầu tiên phải kể đến đó chính là việc Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin (NRA) của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn của WHO, đồng nghĩa với đó là việc những loại vắc xin do Việt Nam sản xuất đã được xuất khẩu ra thế giới.
Được biết, với thành tựu trên Việt Nam là một trong 39 quốc gia trên thế giới đạt tiêu chuẩn của WHO và được thế giới công nhận về chất lượng vắc xin. Hiện tại, Việt Nam đã chính thức xuất khẩu được vắc xin sởi, vắc xin tả và vắc xin viêm gan B,C ra các nước.
Ngăn chặn nhiều dịch bệnh nguy hiểm
Song hành với những thành tựu về vắc xin, trong năm qua ngành y tế đã triển khai thành công các biện pháp phòng chống dịch, điều này đã được cả xã hội ghi nhận qua việc triển khai các biện pháp ngăn chặn nhiều dịch bệnh nguy hiểm mà cả thế giới “khiếp sợ” như Ebola, MERS CoV hay H7N9…
Việt Nam ngăn chặn thành công dịch MERS CoV
Ngoài những loại dịch bệnh trên, so với năm 2014 việc ngăn chặn được dịch sởi bùng phát trong năm 2015 cũng thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành y tế, đặc biệt là công tác tuyên truyền vận động nhân dân đưa trẻ đi tiêm phòng sởi đúng lịch, đủ mũi.
Ký cam kết bệnh nhân không nằm ghép
Một vấn đề mà ngành y tế đã khiến nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phải “thầm cảm ơn”, đó là việc hàng loạt các bệnh viện thực hiện ký cam kết bệnh nhân không nằm ghép, trong đó có những bệnh viện “nổi tiếng” về quá tải như: Việt Đức, Nhi Trung ương, Lão khoa, Bệnh viện E…
Việc các bệnh viện cam kết không để bệnh nhân nằm ghép không chỉ đã giải tỏa được tâm lý khi đi điều trị của các bệnh nhân, mà qua đây còn giúp các bác sĩ, cơ sở y tế chăm sóc và điều trị bệnh nhân được tốt hơn. Đặc biệt là đối với những bệnh nhi, hoặc những bệnh truyền nhiễm sẽ làm giảm tỷ lệ lây nhiễm chéo.
Giảm quá tải bệnh viện bằng bệnh viện vệ tinh
Để các bệnh viện ký được cam kết bệnh nhân không nằm ghép, Bộ Y tế đã phải triển khai trước đó nhiều năm về Đề án Bệnh viện Vệ tinh tại các tỉnh, và trong năm 2015 Đề án này đã phát huy tác dụng khi giúp các bệnh viện tuyến cuối giảm quá tải rất nhiều.
Theo đó, nhờ hoạt động của 48 bệnh viện vệ tinh khá hiệu quả, dưới sự trợ lực của 14 bệnh viện hạt nhân trong lĩnh vực ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi, rất nhiều bệnh nhân đã được thụ hưởng những dịch vụ y tế ngay tại tuyến tỉnh mà không phải chuyển lên tuyến trên.
Theo đó, tỉ lệ chuyển tuyến năm 2015 so với năm 2014 và 2013 đã giảm rõ rệt. Nhiều kỹ thuật phức tạp như can thiệp tim mạch, mổ tim hở… đã trở thành thường quy của nhiều bệnh viện tuyến dưới.
Đổi mới phong cách phục vụ, nhằm hài lòng người bệnh
Thành tựu cuối cùng chúng tôi muốn đề cập đến trong năm 2015, đó là Bộ Y tế đã để lại dấu ấn quan trọng trong đổi mới từ quan điểm đến hành động của ngành, đó là việc xác định “lấy người bệnh làm trung tâm” trong điều trị và chăm sóc. Nhiều giải pháp cụ thể được triển khai, nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Theo đó, ngành y tế đang tích cực triển khai kế hoạch “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, để mỗi cá nhân, nhân viên y tế xây dựng chân dung, hình ảnh người thầy thuốc tận tâm vì công việc.
Đến nay, việc ký cam kết và triển khai “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” được thực hiện nhiều bệnh viện ở các vùng, miền cả nước, đem lại những hiệu quả tích cực đáng khích lệ. Có thể nói, việc ký cam kết là áp lực, nhưng cũng là động lực để mỗi cán bộ y tế phải sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng tới sự hài lòng của người bệnh nhiều hơn.