Thứ trưởng Ngoại giao Anh Hugo Swire xác nhận việc người lao động nước ngoài bị ép buộc làm việc trong các trại cần sa tại Anh, trong đó có nhiều lao động Việt Nam.
Trong chuyến thăm Việt Nam đồng chủ trì Đối thoại chiến lược Việt Nam - Anh lần thứ tư, Quốc vụ khanh (Thứ trưởng) Bộ Ngoại giao Anh phụ trách châu Á, ông Hugo Swire đã có buổi gặp gỡ báo chí vào chiều nay 27-2.
Trao đổi với báo chí, ông Hugo Swire xác nhận việc người lao động nước ngoài bị ép buộc làm việc trong các trại cần sa tại Anh, trong đó có nhiều lao động Việt Nam. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Anh, buôn người là một vấn nạn nhức nhối tại Anh trong một thời gian dài.
Trong năm 2014, Anh đã phải trục xuất đến 3.000 người có dính líu đến các đường dây tội phạm hay buôn bán cần sa. Không chỉ người Việt Nam mà người từ rất nhiều nước trong khu vực châu Á và châu Phi được đưa vào Anh bằng các biện pháp trái phép lên đến hàng ngàn, hàng chục ngàn người. "Đây là một vấn nạn nghiêm trọng tồn tại đã lâu và nay chúng tôi đang thảo luận một dự luật để ngăn chặn nạn buôn người" - ông Swire nói.
Ông Hugo Swire (trái) cho biết dự luật chống buôn người sẽ được trình lên Quốc hội phê duyệt ngay trong năm 2015
Ông Hugo Swire cho biết dự luật chống buôn người sẽ được trình lên Quốc hội Anh phê duyệt ngay trong năm nay. Việc ngăn chặn nạn buôn người hiện là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu ở Anh.
"Những người Việt Nam sang đây không có hộ chiếu, phải sống trong những điều kiện khổ cực, họ bị đẩy vào con đường nghiện ngập, bị lợi dụng trồng và buôn bán ma túy, cần sa. Họ không phải là tội phạm mà là nạn nhân của các tổ chức tội phạm tinh vi. Vì vậy, chúng tôi luôn có những giải pháp nhân đạo đối với họ. Còn bọn tội phạm buôn người làm giàu trên sự đau khổ của người khác, chúng sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật" - Thứ trưởng Ngoại giao Anh nhấn mạnh.
Trước đó, trong buổi Đối thoại chiến lược Việt Nam - Anh diễn ra sáng cùng ngày, hai bên hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực ưu tiên trong việc phòng chống tội phạm có tổ chức, cam kết sẽ tiếp tục hợp tác hoạt động hiệu quả, xây dựng năng lực và chia sẻ thông tin về tội phạm như vấn đề nô lệ hiện đại, tội phạm mạng, rửa tiền, bóc lột trẻ em, nhập cư bất hợp pháp và các mối đe dọa tội phạm nhập cư có tổ chức như buôn bán và buôn lậu người.
Swire cho biết Việt Nam và Anh đang hợp tác sát sao để triệt phá các đường dây tội phạm, đồng thời triển khai những biện pháp tuyên truyền, giáo dục đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để người dân Việt Nam hiểu rõ sự nguy hiểm từ những lời hứa hẹn của bọn buôn người.
Cũng theo Thứ trưởng Ngoại giao Anh, việc trục xuất những người có dính díu đến hoạt động tội phạm và ma túy về nước hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc xin thị thực đi Anh của công dân Việt Nam.