Nghe tin con gái qua đời vì nhiễm Covid-19, ông Xuân hoàn toàn gục ngã. Đau đớn hơn khi người cha ấy không thể bay sang nước ngoài nhận xác con về vì... không tiền.
Nữ lao động tử vong vì...Covid-19
Ngày 26/11, tin từ sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Cà Mau, đơn vị đã có báo cáo nhanh về trường hợp lao động nữ đi làm việc nước ngoài bị tử vong tại Ả-Rập-Xê-Út do nhiễm Covid-19.
Người tử vong là chị Vũ Thị Cẩm H., 33 tuổi, ngụ ấp Thạnh Điền, xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau.
Theo báo cáo của sở LĐ-TB&XH, lao động Vũ Thị Cẩm H. làm công việc giúp việc gia đình tại Ả-Rập-Xê-Út từ đầu tháng 3/2017 do công ty cổ phần Đầu tư và Hợp tác quốc tế Nam Việt (gọi tắt là công ty Nam Việt) tuyển dụng cung ứng theo quy định.
Đến tháng 11/2020, chị H. có biểu hiện nhiễm bệnh Covid-19 nên được chủ gia đình – nơi chị này làm việc đưa tới bệnh viện Đa khoa khu vực Dawadmi (thuộc TP.Riyadh, Ả-Rập-Xê-Út) để thăm khám.
Tại đây, chị H. được kết luận đã dương tính với Covid-19 nên được cách ly tập trung để điều trị.
Ông Xuân khóc cạn nước mắt khi nghe tin con gái tử vong nơi xứ người vì bị nhiễm Covid-19.
Mặc dù lao động H. được đội ngũ y bác sĩ địa phương tận tình cứu chữa, nhưng do bệnh tình tiến triển nhanh và nặng nên chị đã chút hơi thở cuối cùng vào lúc 21h5 ngày 16/11 vừa qua.
Theo quy định hiện hành về an ninh, y tế tại Ả-Rập-Xê-Út, đối với những trường hợp lao động nước ngoài tử vong do nhiễm bệnh thì trong vòng 72 giờ nếu không hoàn tất các thủ tục pháp lý để đưa thi hài về nước thì chính quyền nước sở tại sẽ xử lý việc chôn cất theo phong tục của địa phương.
Ngày 19/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-Rập-Xê-Út có Công điện báo về cục Lãnh sự - bộ Ngoại giao và cục Quản lý lao động ngoài nước (Việt Nam).
Sau khi nhận thông tin, chính quyền xã Lý Văn Lâm đã phối hợp với trung tâm Dịch vụ việc làm Cà Mau và công ty Nam Việt trực tiếp đến gia đình lao động Vũ Thị Cẩm H. thăm hỏi, động viên, chia sẻ và tạo điều kiện thuận lợi giúp gia đình vượt qua khó khăn.
Tại buổi làm việc, đại diện công ty Nam Việt giải thích rõ các quy định của Ả-Rập-Xê-Út về các vấn đề lao động tử vong và chôn cất đối với những người bị chết do nhiễm dịch bệnh.
Đồng thời, hướng dẫn gia đình làm các giấy tờ có liên quan đến việc chôn cất lao động tại Ả-Rập-Xê-Út và giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động và gia đình.
Ngoài ra, công ty Nam Việt còn hỗ trợ cho gia đình chị H. 10 triệu đồng và cam kết phối hợp với các bên liên quan nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động và gia đình.
Đại diện công ty Nam Việt cũng hứa sẽ hỗ trợ chăm lo cho 2 con của lao động H. tiếp tục được đi học là 1 triệu/tháng trong 10 năm.
Chuyến đi không hẹn ngày về
Vốn là người có tiền sử bệnh tai biến, khi nghe chính quyền địa phương thông báo hung tin con gái qua đời, ông Xuân lại suy sụp hẳn, như người mất hồn. Đau đớn hơn khi người cha ấy không thể bay sang nước ngoài đón nhận xác con về nước vì...không có tiền.
Căn nhà thuê giá 1 triệu đồng - nơi ông Xuân cùng 2 cháu ngoại sinh sống.
Bên chiếc bàn thờ lập vội với khói nhang nghi ngút, ông Xuân buồn rầu nói: “Đau quá, bây giờ tôi không biết phải làm sao.
Cái thân già này như sụp đổ hoàn toàn, có nỗi đau nào hơn khi hay tin con gái mình qua đời ở nước ngoài mà tôi đành bất lực để người ta chôn xác nó ở xứ người. Nghèo quá, phải chạy ăn từng bữa thì tôi làm gì có tiền mà ra nước ngoài nhận xác con”.
Ngày chúng tôi đến, trong căn nhà thuê lụp xụp, tiếng kinh cầu siêu được phát ra từ chiếc radio cũ kỹ liên tục vang lên. Trên bàn thờ chẳng có thứ gì ngoài đĩa trái cây và vài bịch bánh quy. Cạnh đó, có vài ly trà đã nguội lạnh từ lâu. Dưới chân bàn thờ là một chiếc hũ bám đầy khói đen dùng để đốt giấy vàng mã cho người quá cố.
Theo lời kể của ông Xuân, chị H. là người con duy nhất của vợ chồng ông Xuân. Cách đây khoảng 10 năm, vợ ông đã qua đời vì bạo bệnh.
Hằng ngày, ông sống bằng nghề mò cua, bắt ốc để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Có lúc khỏe, ông đi làm từ lúc tờ mờ sáng đến tận chiều cũng kiếm được từ 60.000 – 70.000 đồng.
Khi được hỏi lúc chị H. quyết định đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, gia đình có can ngăn hay không?
Ông Xuân cho hay: “Tính con H. quyết là làm, khó có ai ngăn được. Nó nói đi làm ở nước ngoài vài năm để đổi đời, vì ở quê nghèo quá. Bây giờ đổi đời đâu không thấy mà con tôi phải bỏ xác ở xứ người trong hiu quạnh, lạnh lẽo khi tuổi đời còn quá trẻ. Nỗi đau này tôi làm sao chịu được”.
Người cha khốn khổ chỉnh trang lại bàn thờ của con gái mình.
Nói về cha ruột của 2 đứa trẻ, ông Xuân lắc đầu, giọng chua chát: “Năm con H. 18 tuổi, nó quen biết với một thanh niên rồi sống với nhau như vợ chồng chứ không đăng ký kết hôn.
Sau này, 2 đứa không hợp nhau nên đường ai nấy đi, con H. phải nuôi 2 đứa con. Bây giờ với thân già bệnh tật tôi không biết mình cầm cự được bao lâu. Nếu một ngày nào đó tôi nhắm mắt xuôi tay thì cháu tôi không biết sẽ như thế nào, rồi tương lai của chúng nữa”.
Trong suốt quá trình trò chuyện với chúng tôi, không ít lần ông Xuân thốt lên “Tôi không biết gì hết trơn á”.
Câu nói chứa đựng sự vô vọng, bế tắc trong tâm trí của người cha khi hay tin con mình chết ở xứ người nhưng không thể đem thi hài về chôn cất. Chúng tôi đã chạnh lòng và đồng cảm cho hoàn cảnh của “người đầu bạc khóc tiễn kẻ đầu xanh” chỉ nhìn qua di ảnh.
Liên quan đến vụ việc trên, lãnh đạo UBND xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau cho hay: “Với góc độ của chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ xem xét đỡ đầu cho 2 con chị H. học hành đến nơi đến chốn. Trong khả năng của mình, địa phương sẽ giành sự quan tâm đặc biệt, đồng thời, vận động kêu gọi mạnh thường quân trợ giúp cho gia đình này”.