Cô gái sinh năm 1995 nhưng đã có “kinh nghiệm” hơn 6 năm trong nghề tiếp viên nhà hàng không kìm được những giọt nước mắt khi nghĩ tới những biến cố trong cuộc đời mình.
Tai nạn ập xuống
Hà Hương Lan, cô gái dân tộc Thái sinh ra và lớn lên tại miền núi nghèo tỉnh Nghệ An. Khi vừa tốt nghiệp cấp II, vì nhà nghèo nên Lan tự nguyện ra Hà Nội tìm việc làm để kiếm tiền học phí vào cấp III. Vì Lan còn nhỏ và chỉ mong muốn làm việc trong thời gian ngắn nên người chị họ dẫn Lan tới xin việc vào một cơ sở làm hạt nhựa ở Như Quỳnh, Hưng Yên. Do chưa quen việc, sức khỏe yếu vì những bữa ăn thiếu chất, làm được gần một tháng thì Lan bị tai nạn nghiêm trọng.
Tay phải của Lan bị cuốn vào máy tạo hạt nhựa khiến cả cánh tay bị dập phải đi viện cấp cứu. Người chủ xưởng từ chối mọi trách nhiệm với lý do Lan với họ không có hợp đồng lao động ràng buộc. Vậy là, bố mẹ Lan ở quê phải đi vay nợ lãi các nơi để có hơn trăm triệu ra Hà Nội chữa trị cho con.
Sau hơn nửa năm điều trị, Lan được xuất viện với cánh tay phải gần như bị liệt và gia đình nợ nần chồng chất. Từ đó, Lan đành nuốt nước mắt từ bỏ ý nghĩ được đi học lại.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Quê Lan vốn chỉ có nghề làm ruộng rẫy nên Lan trở thành gánh nặng cho gia đình vốn đã khó khăn. Người chị họ áy náy vì thương tật của em gái nên cố công tìm cho Lan một việc làm mới phù hợp.
Lan kể lại: “Chị họ về đón em ra Hà Nội bảo đi làm giúp việc cho một quán nước. Công việc khá nhẹ nhàng, em chỉ phải lau bàn ghế, quét nhà và thu dọn khăn trải bàn. Thời gian đầu, em được làm đúng như vậy, bà chủ còn hay quan tâm thường mua nhiều đồ ăn ngon về bồi dưỡng cho em”.
Bị ép đi tiếp khách
Không bao lâu sau bà chủ gọi Lan ra nói chuyện. Lúc đầu bà còn nhỏ nhẹ khuyên bảo. Bà bảo Lan có nhan sắc mà không có sức khỏe nên làm công việc nhẹ nhàng lại có thu nhập cao. Thấy Lan tỏ ra không đồng ý, bà chủ nói thẳng thừng rằng bà đã bỏ tiền ra “đắp” vào Lan bao nhiêu thứ mới được như vậy. Nếu Lan không làm theo ý bà, một là phải trả lại toàn bộ số tiền bà phải bỏ ra, đồng thời Lan sẽ không đi đâu thoát khỏi tay bà.
Lúc đó, Lan mới là cô gái gần 16 tuổi, nghe những lời dụ dỗ, dọa nạt của bà chủ cô đã rất sợ hãi và phải tuân theo. Thế là cuộc đời cô bước sang một trang mới với nghề làm tiếp viên đầy nước mắt tủi nhục.
Mặc dù Lan bị một cánh tay tàn phế nhưng nhờ có nhan sắc và bản tính thật thà nên cô nhanh chóng được khách hàng quý mến. Trong số đó có một cậu thanh niên hơn Lan 5 tuổi, thường xuyên gọi Lan đi phục vụ. Sau đó, Lan và cậu thanh niên này đã nảy sinh tình cảm rồi tự đi đăng ký kết hôn bất chấp sự phản đối quyết liệt của nhà trai.
Nhà chồng Lan là một gia đình gia giáo, có kinh tế trong khi chồng Lan là một cậu thanh niên mải chơi, bỏ học và chỉ biết đi tụ tập rượu chè. Lấy chồng rồi, Lan phải nai lưng đi “tiếp khách” nhiều hơn để nuôi chồng.
Quyết tâm đổi nghề
Lan tâm sự: “Chồng em lấy vợ xong vẫn không bỏ thói quen ăn chơi nên tiền em làm ra bao nhiêu cũng không đủ. Cả năm em không dám về thăm bố mẹ ở quê được một lần vì xấu hổ. Ở quê người ta cũng đồn thổi em đi làm công việc không tốt đẹp. Bố mẹ em nghe được nhưng không trách mắng em lời nào vì ông bà rất hiểu và thương em”.
Nghĩ đến bố mẹ và các em ở quê chịu nhiều điều tiếng vì mình, Lan tìm cách để bỏ nghề tiếp viên. Cô vay thêm tiền của người chị họ thuê một cửa hàng nhỏ bán quần áo. Gia đình chồng đối với cô bớt căng thẳng hơn.
Cách đây hơn 2 năm, chồng Lan bị kết án tù vì tham gia vào một vụ đánh nhau. Cùng lúc đó Lan mang bầu. Gia đình nhà chồng từ chối giúp đỡ vì họ đã không chấp nhận cô từ đầu. Không còn cách nào khác, cô đành quay lại với nghề cũ để có tiền tiếp tế cho chồng và nuôi con.
Cho đến nay, Lan đã làm nghề tiếp viên nhà hàng được hơn 6 năm trong khi các bạn bằng tuổi cô vẫn đang còn đi học. Cô gái nhỏ nhắn với gương mặt khả ái luôn tỏ ra day dứt vì công việc mình đã làm.
Lan cho biết: “Em đã gửi con về ông bà ngoại ở Nghệ An. Hơn một tháng nay em theo một chị bạn đi buôn hoa quả. Chị ấy có ô tô chở hàng và rất thương em nên tạo điều kiện cho em đổi nghề. Giá mà em gặp được chị ấy sớm thì có lẽ cuộc đời em đã sang một hướng khác”.