Tại vùng đất này, mỗi phụ nữ đều bắt buộc phải kết hôn 3 lần trong đời nhưng điều kỳ lạ chỉ có một lần trong số đó là kết hôn với một người đàn ông.
Bất cứ người phụ nữ nào cũng đều mong muốn tìm được bến đỗ hạnh phúc của đời mình và không phải "ba chìm bảy nổi" qua nhiều cuộc hôn nhân. Thế nhưng có một nơi tại đất nước Nepal, mỗi người phụ nữ đều bắt buộc phải kết hôn ít nhất 3 lần trong cuộc đời.
Nghi lễ này thuộc về những người thuộc bộ tộc Newar, sinh sống chủ yếu tại thủ đô Kathmandu, Nepal. Hiện tại, bộ tộc này có khoảng 100.000 người. Suốt từ thời cổ đại đến ngày nay, bộ tộc Newar không có bất cứ một góa phụ nào. Cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng trọt và buôn bán hàng hóa với Tây Tạng.
Nghi lễ "lấy chồng ba lần" của người Newar có tên là "Ehee, ihi or Bel Bibah". Một cô gái sẽ phải kết hôn 3 lần nhưng không phải với 3 người đàn ông. Đối tượng kết hôn lần đầu của họ là quả Bael, thứ hai là Mặt trời và cuối cùng mới là người đàn ông mà họ muốn lấy làm chồng.
Một cô gái người Newar phải trải qua 3 cuộc hôn nhân trong đời.
Trong cuộc hôn nhân đầu tiên, cô gái sẽ phải kết hôn với quả Bael. Đây là một loại trái cây có vỏ ngoài cứng nhưng bên trong rất mềm và thơm, mọc trên cây ba kích. Người Newar tin rằng quả Bael là biểu tượng của Chúa Vishnu, cũng có người tin rằng loại quả này tượng trưng cho Suvama Kumar, con trai của Chúa Shiva. Ngoài ra, do quả Bael có vỏ cứng nên người Newar cũng tin rằng nó tượng trưng cho "hôn nhân vĩnh cửu".
Bibek Shrestha, 19 tuổi, một cô gái người Newar nói rằng việc một cô gái kết hôn với quả Bael thì ngay cả khi chồng của cô ấy qua đời, cô ấy vẫn không bị coi là góa phụ bởi Chúa là bất tử. Do đó, bất cứ cô gái này đã kết hôn với quả Bael đều có thể tái hôn nếu chẳng may mất chồng. Trong nghi lễ này, quả Bael đẹp nhất sẽ được lựa chọn để tiến hành nghi thức kết hôn với cô gái.
Người Newar dùng quả Bael để làm đối tượng kết hôn lần đầu tiên.
Khoảng 12 ngày sau "đám cưới" với quả Bael, cô gái sẽ tiếp tục trải qua cuộc hôn nhân thứ hai, đó là kết hôn với Mặt trời. Các cô gái sẽ được đưa vào hang động tối om trong vòng 11 ngày, không được phép gặp gỡ bất cứ ai mà đặc biệt là đàn ông. Đồ ăn và nước uống sẽ được một người phụ nữ cao tuổi trong nhà đem vào tiếp tế. Điều quan trọng nhất trong nghi lễ này là cô gái không được phép có kinh nguyệt. Tới ngày thứ 12, cô gái này sẽ trải qua một buổi lễ kỷ niệm để đánh dấu sự kết thúc. Vì Mặt trời là vĩnh cửu nên việc kết hôn với Mặt trời cũng có ý nghĩa tương tự như kết hôn với quả Bael.
Những cô gái người Newar thường trải qua cuộc hôn nhân thứ nhất và thứ hai từ rất sớm. Cuộc hôn nhân với quả Bael có thể bắt đầu khi họ chỉ mới là những bé gái 5-10 tuổi nhưng thường là 8 tuổi, cuộc hôn nhân với Mặt trời sẽ trong khoảng 10-15 tuổi. Họ sẽ quyết định dựa trên sự phát triển về thể chất của cô gái. Trước 2 cuộc kết hôn này, các cô gái được gọi là "Kumaris" và sau đó, họ được gọi là "Parvati".
Sau khi trải qua 2 cuộc hôn nhân trên, cô gái mới được phép kết hôn với một người đàn ông bình thường, có thể là người mà cô ấy yêu hoặc đối tượng do gia đình sắp đặt.
Những cô gái người Newar.
Trong đám cưới thật sự này, chú rể có thể không cần xuất hiện bởi người Newar quan niệm cô gái đã kết hôn 2 lần nên sự xuất hiện của người chồng không còn quan trọng. Ngoài ra, nếu cảm thấy không hạnh phúc trong cuộc hôn nhân của mình, một cô gái Newar hoàn toàn tự do bỏ chồng mà không bị coi là ly hôn. Nếu người chồng đột ngột qua đời vì bệnh tật hoặc tai nạn, cô gái chỉ cần đặt quả Bael bên cạnh mộ chồng là có thể tái hôn nếu muốn.
Người Newar cho rằng nhờ có phong tục này, phụ nữ sẽ sống hạnh phúc bởi không có áp lực về hôn nhân, cũng như không có sự kỳ thị xã hội về những phụ nữ góa chồng.