Dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn, những người Chukchi ở cực đông nước Nga vẫn luôn rộng lòng giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, số phận của tộc người hào phóng này lại vô cùng bất định.
Nằm đối diện với Alaska, phía bên kia eo biển Bering, vùng Chukotka có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhất tại nước Nga nhưng vẫn luôn hỗ trợ các cộng đồng nhỏ. Để đến Anadyr, trung tâm hành chính của khu vực Chukotka, bạn cần bay hơn 6.400km từ phía đông Moscow. Ở đây, nằm ở cực đông của nước Nga, đối diện Alaska, trong khu vực băng giá và có gió thổi lên từ Bắc Băng Dương cùng biển Bering, nhiệt độ vào mùa đông có thể xuống tới -50C.
Anadyr là thị trấn lớn nhất Chukotka. Khu vực này có khoảng 50.000 dân trong đó có 15.000 người là người Chukchi. Bầu trời thị trấn trông như một hộp kẹo nhiều màu sắc, những ngôi nhà được sơn rực rỡ. Anadyr, với một trường học, một bệnh viện, một cảng, một thư viện là nơi phát triển nhất tại Chukotka. Ở những khu định cư khác, các điều kiện sống kém hơn rất nhiều và bạn chỉ có thể đến đó bằng xe địa hình và tuần lộc.
Người Chukchi sống trong điều kiện lạnh giá quanh năm.
Những người chân chính nhất thế giới
Người Chukchi xuất hiện tại vùng lãnh nguyên này trước thời Kito giáo và tự gọi mình là Luoraveti - "người chân chính". Trước đây, những người Chukchi lang thang trên bán đảo với hàng nghìn con nai, săn cá voi và sống trong một yaranga - chiếc lều di động được làm từ da hươu.
Tuy nhiên, cuộc sống truyền thống đối với người Chukchi khó khăn đến nỗi họ còn không coi cái chết là thảm kịch. Nhà dân tộc học người Nga Vladimir Bogoraz đã viết về hiện tượng "chết tình nguyện" của người Chukchi. Theo đó, người già sẽ tự sát hoặc nhờ bạn bè, người thân làm vậy. Lý do người già tình nguyện chết không phải vì họ hàng không đối xử với họ tử tế mà vì hoàn cảnh sống quá khó khăn.
Những chiếc lều được làm từ da hươu và da tuần lộc.
Khó khăn là vậy nhưng những điều đó lại không ngăn người Chukchi trở thành những chiến binh xuất sắc và là những người duy nhất ở Chukotka không phục tùng Nga ở thế kỷ 17. Đồng thời, người Chukchi đánh giá cao nhất là lòng hiếu khách và sự hào phóng. Họ không từ chối bất cứ ai, đặc biệt là trẻ mồ côi, góa phụ và người nghèo. Dù khó khăn nhưng khi bạn cần chỗ trú chân hay thức ăn, gia đình người Chukchi luôn mở rộng cửa. Họ không bao giờ từ chối bất cứ lời đề nghị giúp đỡ này và coi việc từ chối là điều cấm kỵ. Do đó, người Chukchi được gọi là "tộc người chân chính nhất thế giới".
Với sự ra đời của Liên Xô và các chính sách hỗ trợ từ đất liền, cuộc sống của người Chukchi đã thay đổi hoàn toàn. Họ học cách viết và tiếp nhận nền giáo dục, tuổi thọ tăng lên, tỷ lệ tử vong giảm. Thật không may, sau khi Liên Xô sụp đổ, khu vực này bước vào thời kỳ suy thoái. Các trang trại nuôi tuần lộc và nhà máy sản xuất lông thú đóng cửa vì không còn phù hợp với tình hình mới. Ở đó không còn công việc nào khác.
Chăn tuần lộc đã từng là nghề kiếm sống chính của người Chukchi.
Hầu hết người Chukchi ngày nay không sống trong những yaranga mà ở trong những tòa nhà cố định và làm việc trong lĩnh vực dịch vụ. Tuy nhiên, cuộc sống tại Chukotka vẫn khó khăn. Hầu hết các loại hàng hóa đều đắt đỏ do phải nhập khẩu và lương hàng tháng vẫn thấp (khoảng 20.000 rúp, tương đương hơn 7 triệu đồng). Vì vậy, người trẻ nơi đây đã di chuyển tới các khu vực khác của Nga để kiếm sống. Những sinh kế truyền thống như chăn tuần lộc và săn động vật biển đang suy giảm. Vào năm 2015, nơi đây còn chưa tới 1.000 người chăn tuần lộc.
"Trước đây, nghề này là nghề điển hình trong khu vực. Vấn đề bắt đầu vào những năm 1990. Và sau giữa những năm 2000, khi tỷ phú Roman Abramovich không còn là thống đốc Chukotka, nghề chăn hươu bị thua lỗ. Thịt hươu có giá cao hơn thịt từ Nga mang tới nên nó đã không phát triển trên thị trường", người chăn tuần lộc Vladimir Puya chia sẻ.
Người Chukchi vô cùng thân thiện và không bao giờ từ chối giúp đỡ người khác.
Những người canh giữ truyền thống
Bất chấp cuộc sống khó khăn, vẫn có những người Chukchi đang cố gắng giữ gìn truyền thống của họ. Ví dụ, cư dân tại khu định cư Lorino, nằm trên bờ biển Barents vẫn đi săn cá voi.
Vài năm trước, một bộ phim tài liệu về những người này đã nhận được giải thưởng Russian TEFI uy tín. Câu chuyện trong phim có liên quan đến Yevgeny Kaipanau, một người Chukchi 36 tuổi lớn lên ở Lorino và hiện làm biên đạo múa cho đoàn nhạc dân gian Chukchi ở Moscow. Anh liên tục liên lạc với người thân ở quê nhà.
Ngày càng ít người Chukchi tiếp tục công việc chăn tuần lộc.
"Kể từ khi tôi sinh ra tôi đã biết cách săn hải mã và cá voi, cách câu cá và đi săn ở vùng lãnh nguyên", Yevgeny nói. Anh cho biết những người trẻ ở Chukotka muốn giữ gìn truyền thống của họ: "Họ học tiếng Chukchi, tham gia vào các lễ kỷ niệm quốc gia và sống bằng nghề săn cá voi".
Tuy nhiên, số phần của những người Chukchi trong tương lai là không rõ ràng. Ngày càng có nhiều người Chukchi buộc phải rời bỏ làng và định cư tại các thị trấn để tìm việc làm, nhà ở. Do đó, lối sống truyền thống bị mất đi. Và do khí hậu khắc nghiệt, hệ thống y tế yếu kém và mức sống xã hội thấp nên tuổi thọ trugn bình của người Chukchi vẫn chỉ khoảng 45 năm.