Chỉ vì những quan niệm cổ hủ về tâm linh, người dân nơi đây đã đem những cô gái và trẻ em gái còn trinh tới đền thờ để làm vật tế, vô tình biến họ thành nô lệ tình dục và nô lệ lao động.
Bộ lạc Ewe ở Tây Phi đến nay vẫn còn duy trì một hủ tục được gọi là Trokosi. Không rõ hệ thống Trokosi bắt đầu từ khi nào nhưng nó là một truyền thống cổ xưa. Từ Trokosi xuất phát từ ngôn ngữ Ewe, cộng đồng được tìm thấy ở Benin, Togo và Ghana - những quốc gia ở Tây Phi. Đó là sự kết hợp của 2 từ Ewe là "tro" và "kosi". "Tro" nghĩa là thần linh và "kosi" nghĩa là nô lệ. Do đó, Trokosi có nghĩa là "nô lệ của thần linh".
Hầu hết những người sống ở khu vực miền nam Volta của Ghana, nam Togo và nam Benin đều tin và thực hành hệ thống Trokosi. Vào những năm 1990, một chiến dịch giải phóng các Trokosi được thực hiện và đến năm 2002 đã có 4.000 phụ nữ, trẻ em từ 52 đền thờ được giải phóng.
Trokosi là một hệ thống truyền thống mà các bé gái còn trinh, có khi chỉ mới 6 tuổi đã được gửi vào các đền thờ Troxovi (đền thờ các vị thần) để làm nô lệ sửa chữa cho sai lầm của người nhà. Cho đến khi hệ thống Trokosi thu hút sự chú ý của công chúng vào những năm 1990, những bé gái được gửi đến các đền thờ đã phải ở đó suốt đời. Sau thập niên 90, một số thầy tế và người lớn tuổi đã để các cô gái trở về nhà một vài năm, vài tháng nhưng phải trở lại bất cứ khi nào bị gửi đi. Khi họ chết, gia đình phải đưa một cô gái còn trinh khác đến thay thế. Điều đó có nghĩa là gia đình sẽ phải chuộc tội bằng một cô gái mãi mãi.
Hệ thống Trokosi dựa trên niềm tin là các vị thần có quyền tìm kiếm những kẻ sai trái và trừng phạt họ. Những người cảm thấy có sự bất công sẽ đến đền thờ và đặt một lời nguyền lên kẻ phạm tội để họ bị thần linh trừng phạt. Lời nguyền sẽ có rất nhiều dạng, từ những căn bệnh lạ, những cái chết không lời giải thích, bệnh nan y hoặc việc người trong một nhà chết liên tiếp.
Khi những cô gái trẻ được gửi đến đền thờ, họ trở thành "vợ của thần linh" và bị thầy tế cũng như người lớn tuổi trong đền lạm dụng tình dục. Thầy tế là người đứng đầu nhà thờ về mặt tâm linh và được thần linh ủy nhiệm. Những bé gái buộc phải làm việc tùy theo khả năng được thầy tế và những người lớn tuổi phân công. Các Trokosi sẽ là nô lệ phải phục dịch ở đền thờ cả đời.
Nếu các cô gái này có con với thầy tế và các vị trưởng lão nói trên, những đứa trẻ sẽ được đưa về cho gia đình cô gái chăm sóc. Những cô gái Trokosi luôn sống trong cảnh đói khát, thiếu thốn và nghèo khổ.
Phép vua thua lệ làng
Năm 1998, chính phủ Ghana đã thông qua một đạo luật hình sự hóa việc thực hiện Trokosi. Tuy nhiên, nó vẫn tiếp tục diễn ra vì các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm thực thi luật pháp không đủ can đảm bắt giữ các gia đình, những thầy tế hay chủ đền thờ. Hệ thống này gợi nên nỗi kinh hãi trong lòng hầu hết mọi người, kể cả người thực thi pháp luật.
Các cộng đồng thực hành Trokosi tin tưởng mạnh mẽ rằng sức mạnh của thần linh có thể gây tai họa cho các gia đình. Những thầy tế Trokosi luôn khắc sâu điều đó vào tâm trí họ bằng việc đưa ra cảnh báo, để các gia đình phải đưa những cô gái còn trinh đến làm vật đền tội.
Việc thực hành hệ thống cũng phát triển mạnh vì có một nhóm người tuân theo chủ nghĩa truyền thống, chủ yếu là nam giới. Họ tin tưởng mạnh mẽ rằng Trokosi là một phần của di sản văn hóa Ewe và phải được bảo tồn. Do đó, họ phải đối đầu với mọi nỗ lực ngăn chặn hủ tục này.
Trong 2 thập kỷ qua, ủy ban nhân quyền Ghana và nhiều tổ chức phi chính phủ khác đã áp dụng những biện pháp can thiệp khác nhau để chấm dứt hủ tục này. Những chiến lược có hiệu quả nhất gồm: Các chiến dịch phối hợp giữa ủy ban nhân quyền Ghana và các tổ chức phi chính phủ. Họ khuyến khích các thầy tế Trokosi và người lớn tuổi chấp nhận những đối tượng bồi thường khác thay vì con người. Ví dụ, một vài đền thờ đã hiện đại hóa hủ tục bằng việc thay thế những cô gái trinh bằng những con bò. Trong khi phụ nữ Trokosi vẫn bị bắt làm nô lệ, họ có thể được cung cấp những kỹ năng nghề. Nhờ các kỹ năng cần thiết này, họ sẽ tạo được thu nhập và hỗ trợ con cái trong tương lai.
Cuối cùng, vì đây là vấn đề vi phạm nhân quyền chống lại phụ nữ và trẻ em nên Cộng đồng quốc tế đã gây áp lực lên chính phủ cũng như người dân Ghana để thực thi đạo luật năm 1998, đưa tục Trokosi thành tội hình sự. Nếu áp lực do các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi, ECOWAS, EU... đưa ra thì hủ tục Trokosi ở Tây Phi có thể sớm chấm dứt nhanh chóng, xóa bỏ cơn ác mộng của phụ nữ và trẻ em gái nơi đây.