Nữ tài xế hai con mắc bệnh bị kỳ thị 16 năm không dám về quê

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 08/12/2020 23:58 PM (GMT+7)

Dù bản thân không dám về quê hương do mắc HIV nhưng 16 năm qua cuộc sống của chị Huyền vẫn vui vẻ cùng các con nhờ luôn có sự đồng hành của các bác sĩ.

Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) hiện đang chăm sóc, điều trị cho hàng nghìn người nhiễm HIV, có những người vẫn sống khỏe sau 30 năm phát hiện ra căn bệnh này tại Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - cho biết mỗi người điều trị tại trung tâm là một câu chuyện, trong đó có người tìm lại được chính mình, có người phải giấu đi câu chuyện đó.

Chị Nguyễn Thị Huyền (ở Hà Nam) năm nay mới hơn 40 tuổi nhưng đã mắc căn bệnh HIV đến 16 năm. Chị kể lại, 16 năm qua chị chịu đựng bao nỗi đau, sự dằn vặt, thậm chí là đau khổ khi không được gần anh em, bạn bè vì mắc căn bệnh này.

Cách đây 16 năm, khi biết chồng ốm liên miên, chị đưa chồng đi nhiều viện nhưng khám không ra bệnh, chỉ đến khi vào Bệnh viện Bạch Mai các bác sĩ mới thông báo chồng chị mắc HIV. “Khi đó tôi chết lặng, chồng tôi sau đó phải chuyển về Bệnh viện Đống Đa nơi chuyên điều trị cho người nhiễm HIV để theo dõi, điều trị”, chị Huyền cho hay.

Nữ tài xế hai con mắc bệnh bị kỳ thị 16 năm không dám về quê - 1

Chị Huyền chia sẻ chị không sợ chết chỉ sợ bị kỳ thị

Khi đó với chị HIV hay “Sida” cũng đồng nghĩa là chết, không chỉ có chị mà tất cả mọi người đều nghĩ như vậy. Sau tất cả, chị đi xét nghiệm và cũng nhận tin sét đánh khi bản thân cũng mắc HIV. Hai vợ chồng ròng rã đi chữa bệnh nhiều nơi ở Hà Nội, rồi lại về Hà Nam, khi đó cả gia đình nhà chồng cấm cửa vợ chồng chị và 2 con.

Sau 2 năm mắc HIV, chồng chị Huyền qua đời. Ngày chồng mất không ai đến viếng vì sợ lây bệnh. Rồi sau đó, chị Huyền và 2 con bị đuổi ra khỏi nhà với căn bệnh không thuốc chữa trong người.

Trước sự kỳ thị và những nỗi đau trong lòng, chị Huyền ra Hà Nội làm mọi công việc để kiếm sống, rồi bám riết luôn ở mảnh đất này đến nay đã 16 năm. “Đến nay đã 16 năm, con đã lớn nhưng tôi không dám một lần trở về quê nội”, chị Huyền nói.

16 năm ở Hà Nội cũng là chừng ấy thời gian chị Huyền tới khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) để điều trị, nơi này trở nên quen thuộc khi chị vừa điều trị vừa tìm thấy những niềm vui với những người cùng cảnh ngộ. Vài năm trở lại đây, chị Huyền bén duyên với nghề tài xế xe ôm, nghề này giúp chị nuôi các con nên người nhưng chị phải giấu nhẹm căn bệnh mình mắc phải, chỉ bác sĩ là người biết chị mắc bệnh.

"Hồi tháng 3 khi Bệnh viện Bạch Mai bị đóng cửa vì COVID-19, tôi vẫn quyết không về quê lĩnh thuốc dù là đúng tuyến. Tôi sợ bị kỳ thị dù mọi thứ hiện tại tôi đã ổn định", chị Huyền kể. Ở quê không một ai dám chơi cùng, nói chuyện cùng khi họ biết chị Huyền mang căn bệnh HIV.

Câu chuyện của chị Huyền cũng giống như hàng ngàn người phụ nữ không may mắc HIV vì bất cứ ly do nào, tất cả họ đều mong được sống không bị kỳ thị, được góp sức cho đời vì HIV giờ đây không phải đồng nghĩa với cái chết.

Nữ tài xế hai con mắc bệnh bị kỳ thị 16 năm không dám về quê - 2

PGS Cường cho biết, việc điều trị đúng phác đồ, có tâm lý ổn định người nhiễm HIV vẫn phát triển bình thường.

PGS.TS Nguyễn Duy Cường cho biết từ một căn bệnh tưởng chừng như "bản án tử hình", người bệnh hoang mang không còn niềm tin vào cuộc sống, ngày nay HIV/AIDS là một bệnh mạn tính điều trị duy trì như những căn bệnh mạn tính khác. Hiện ca bệnh HIV/AIDS đầu tiên của Việt Nam vẫn sống khỏe mạnh sau 30 năm phát hiện, các loại thuốc mới, các phác đồ điều trị tân tiến giúp cho bệnh nhân mắc HIV hạn chế tới mức thấp nhất những ảnh hưởng tới sức khỏe.

Tuy nhiên, theo BS Cường, để xóa bỏ những kỳ thị thì cần có sự chung tay của cả cộng đồng; đặc biệt là những nhân viên y tế với tư cách là người biết rõ về tình trạng bệnh nhân, quản lý bệnh nhân cần phải xóa bỏ sự phân biệt đối xử.

BS Cường cũng cho biết các nhân viên y tế phải coi người mang virus HIV là một người có bệnh mãn tính chứ không phải bệnh chết người, thì người có "H" mới được đối xử công bằng, điều trị như bệnh khác. Còn bệnh nhân HIV/AIDS cần hiểu đây là bệnh mạn tính, phải uống thuốc lâu dài, tuân thủ tốt điều trị; đồng thời phải có lối sống lành mạnh và hành vi an toàn, không để lây truyền HIV cho người khác.

Nơi từng có nhiều người nhiễm HIV nhất nước giờ ra sao?
Xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình từng "nổi tiếng" một cách bất đắc dĩ vì là xã có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao nhất cả nước.
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động