Niềm vui ngắn chẳng tày gang khi ngưỡng cửa vào Học viện Hậu cần của cậu học trò nghèo mồ côi Bùi Đình Sơn (xóm 1, xã Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An) bị khép lại do kết quả kiểm tra sức khỏe cho thấy em thiếu một quả thận.
Để nuôi giấc mơ và làm theo lời trăng trối của người cha quá cố, em đã viết tâm thư gửi Bộ Quốc phòng với niềm hy vọng vào một điều kỳ diệu.
Nghị lực phi thường của cậu bé nghèo
Trái ngược với những niềm vui, sự hân hoan khi cầm trên tay giấy báo nhập học thì nay nam sinh Bùi Đình Sơn lại thất vọng tràn trề khi phải khăn gói rút hồ sơ nhập học khỏi ngôi trường mà bấy lâu nay em vẫn hằng mơ ước. Trong ngôi nhà xập xệ mà hai chị em Sơn sống nương tựa với bà nội nhuốm bầu không khí nặng nề, lo lắng. Cũng chính nơi đây, chỉ mới mấy ngày trước đây thôi, ba bà cháu còn hoan hỷ trong tiếng chúc mừng của bà con lối xóm khi biết cậu học trò nghèo, hiếu thảo đỗ đại học. Giờ đây, lặng lẽ ngồi xếp vội mấy bộ đồ để Sơn kịp ra Hà Nội rút hồ sơ học, lau vội những giọt nước mắt lăn dài trên mặt, bà nội Sơn tên là Nguyễn Thị Hồng vừa nấc nghẹn vừa nói “giờ bà cũng không biết an ủi các cháu như thế nào nữa” rồi òa khóc rưng rức như đứa trẻ lên ba trước sự bất hạnh của đứa cháu ngoan.
Sơn không dám tin vào sức khỏe của mình dù đã trải qua hai lần khám.
Năm 2006, mẹ Sơn đột ngột qua đời, ít năm sau thì bố cậu cũng bỏ hai chị em mà đi khiến mọi thứ như đổ vỡ tất cả đối với chị em Sơn. Bà nội là chỗ dựa lớn nhất để hai chị em vượt qua cú sốc khi tuổi đời còn thơ dại. Nay bà nội đã ngoài 80 tuổi, bị khối u lớn sau lưng hành hạ mỗi ngày khiến cho sức khỏe ngày một yếu đi. Từ đó tới nay, mọi việc lớn bé trong nhà đều do Sơn gánh vác. “Bố mẹ nó mất, tôi cứ sợ hai chị em thằng Sơn sẽ không vượt qua được cú sốc này nhưng không ngờ là càng khó khăn đến đâu thì Sơn nó càng kiên trì và mạnh mẽ vượt qua để quyết tâm thực hiện bằng được giấc mơ của người cha đã mất. Ấy vậy mà đến giờ…”, bà Hồng nghẹn ngào cho biết.
Bà Hồng nghẹn ngào khi biết ước mơ của đứa cháu nội không thành.
Vì hoàn cảnh khó khăn, bà nội già cả, bị bệnh tật hành hạ nên ngoài những công việc đồng áng Sơn còn tranh thủ những buổi nghỉ học đi khắp nơi kiếm việc làm thêm để kiếm tiền trang trải việc học cho hai chị em. Dù cho thiếu đi sự quan tâm, khích lệ của bố mẹ lại phải lăn lộn vừa học vừa làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống nhưng Sơn chưa bao giờ bỏ bê việc học hành của mình. Suốt 3 năm THPT em luôn đạt danh hiệu Học sinh giỏi toàn diện, năm học lớp 12, Sơn còn vinh dự là một trong ba học sinh của trường nơi em học vinh dự được kết nạp vào Đảng.
Thương vội vàng trở về nhà để động viên em trai khi biết tin về sức khỏe của Sơn. Ảnh: HH
“Thương em nhưng thân gái cũng không biết làm sao được cả. Học hết 12, em định nghỉ học đi làm thêm kiếm tiền để cho bà chữa bệnh và để Sơn nó đỡ vất vả, có thời gian học hành nhưng nó nhất quyết không đồng ý. Nó bảo nếu chị mà nghỉ học vì em thì thà để em nghỉ học đi làm kiếm tiền nuôi chị...”, Bùi Thị Thương ứa lệ khi nói về em trai mình. Không còn cách nào khác, Thương phải tiếp tục học để Sơn vui lòng. “Sau khi đậu vào Đại học Vinh, em cũng vừa đi làm thêm vừa phấn đấu giành học bổng của trường để có thể tự lo lắng cho bản thân của mình phần nào. Ngày vui mới đó, nào ngờ đâu giờ Sơn lại phải gặp phải nỗi đau này”, Thương tâm sự.
Nam sinh viết tâm thư cầu cứu Bộ Quốc phòng
Đơn “ cầu cứu” của Sơn gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Theo bà con lối xóm nơi Sơn ở, từ khi biết mình mất cơ hội vào học tại ngôi trường quân sự mà mình lựa chọn, Sơn dường như ít nói hẳn. Ấy vậy nhưng Sơn không hề than phiền, nhất là trước mặt chị gái và bà nội, bởi Sơn biết nếu em buồn, bà và chị sẽ đau lòng. Sơn kể, trước khi hấp hối, bố cầm tay em thật chặt rồi trăn trối mong rằng Sơn phải học giỏi, vào được một ngôi trường quân đội để có thể cống hiến cho đất nước, bởi bố mẹ không còn nữa, nếu Sơn được học tập và rèn luyện trong môi trường quân đội, bố cũng yên tâm mà nhắm mắt. Hơn nữa, nếu được vào học trường quân đội thì không phải lo về chi phí học tập cũng như việc làm khi ra trường.
Suốt những năm tháng ấy, Sơn luôn xem lời trăn trối cuối cùng của bố là một lời động viên và cũng là mục tiêu để cậu phấn đấu để như một món quà báo hiếu cho bố mẹ quá cố của mình. Với 27 điểm khối A trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa qua (Toán, Lý, Hóa đều được 9 điểm), cộng với việc Sơn được Thành đội Vinh kết luận đủ tiêu chuẩn, điều kiện sức khỏe để đăng kí xét tuyển vào trường quân sự tại kỳ sơ tuyển, khám sức khỏe. “Ngày em nhận được giấy báo nhập học của Học viện Hậu cần trong niềm hạnh phúc, vui sướng của mọi người. Hôm đó, bà nội còn thắp hương lên bàn thờ cho bố mẹ, giọng bà run run trong tiếng khóc khiến cả hai chị em Sơn cũng khóc theo”, Sơn nhớ lại.
Trước lúc vào nhập học, nhà trường tổ chức kiểm tra sức khỏe. Kết quả kiểm tra cho thấy, Sơn chỉ có một quả thận trái do vậy Sơn không thể theo học trong môi trường quân đội. “Em không dám tin nhưng dù khám lại một lần nữa thì kết quả vẫn vậy. Không được học ở trường mà bố và em mong muốn, giờ em cũng không còn kịp nộp hồ sơ vào các trường khác nữa rồi. Em quẫn bách quá chị ơi!” - Sơn nói trong nhạt nhòa nước mắt và người nghe cũng không cầm được lệ trước hoàn cảnh éo le này. Sơn cho biết thêm, trong lúc tuyệt vọng, lấy hết can đảm, Sơn viết đơn cầu cứu gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Văn phòng tuyển sinh của Bộ Quốc phòng với một niềm hi vọng, dù mong manh. Ngày 21/9, từ Nghệ An Sơn đã lặn lội mang theo bức tâm thư ra Hà Nội như một tia hy vọng cuối cùng cho mình. Cầu mong điều tốt đẹp, may mắn có thể đến với em.
“Từ nhỏ đến lớn, sức khỏe cháu rất tốt, thể lực rất tốt, không hề có tiền sử bệnh gì. Cháu biết và cũng đã tìm hiểu môi trường huấn luyện ở trường quân sự những tháng đầu là rất vất vả, nhưng cháu biết cháu sẽ vượt qua được. Giờ đây nếu không được ở lại trường quân sự tiếp tục học tập, thì có nghĩa cháu đã mất đi nguyện vọng 1 đã trúng tuyển và mất các nguyện vọng khác. Đó là một điều quá thiệt thòi cho đứa trẻ mồ côi như cháu. Cháu đã cố gắng phấn đấu trong 18 năm qua, vượt lên hoàn cảnh của mình, với ước mơ khát khao mặc áo lính và phục vụ quân đội. Cháu kính mong các bác, các cô chú lãnh đạo Bộ và cơ quan chức năng xem xét trường hợp của cháu” – Sơn nói. |