Thế nhưng, có những nơi, câu trả lời cho câu hỏi này không phải là những cái gật đầu, cũng không phải là những con số…mà chỉ đơn giản là: “Đừng đưa, không là bị mắng đấy!”
Không đưa, không an tâm!
Câu chuyện chiếc phong bì dường như là chủ đề muôn thuở bên cạnh giường bệnh. Bấy lây nay, suy nghĩ buộc phải có “phong bì” thì mới được chữa trị đã ăn khá sâu vào suy nghĩ của nhiều người. Thế nên, cứ đến bệnh viện, “ngồi chưa ấm chỗ” là nhiều người nhà bệnh nhân đã buộc phải lê la đi hỏi những người cùng nằm viện xem cần “hối lộ” thế nào để người thân của mình được các y bác sỹ thực sự quan tâm?
Trên thực tế, có những bệnh viện mà chiếc phong bì hoàn toàn không có tác dụng! Chúng tôi đã tìm hiểu về những nơi được nhiều người bệnh hết lời ca ngợi này!
Các bs Viện HH Truyền máu TƯ luôn ân cần với người bệnh
Chị Nguyễn Thị Kim Huế - ở Nam Đàn – Nghệ An đang chăm sóc bố là bệnh nhân Nguyễn Quốc Thịnh tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tâm sự: “Tôi từng đi rất nhiều bệnh viện, quả thực là nhiều nơi vẫn cứ phải có “lót tay” thì người nhà mình mới được chú ý hoặc cho thuốc tốt. Tâm lý chung của ai cũng vậy, khi có người nhà đi viện thì đầu tiên đến là sự lo lắng cho sức khỏe của người thân mình và phải đi hỏi dò xem cần phải ứng xử thế nào với các y bác sỹ để họ còn chữa trị cho”.
Chính vì tâm lý ấy, lần này đưa bố ra Hà Nội trị bệnh, chị cũng tìm những người cùng nằm viện để hỏi han. Tuy nhiên, chị khá ngạc nhiên khi tất cả những người chị hỏi đều cho biết họ hoàn toàn không cần lo lót gì cho các y bác sỹ nhưng vẫn được chăm sóc tận tình. Chị Huế cho biết thêm: “Hơn 2 tháng bố tôi nằm tại viện này nhưng chưa bao giờ thấy các y, bác sỹ cáu bẳn hay tỏ thái độ không tốt với bệnh nhân. Thực sự đến đây tôi mới cảm nhận được thế nào là “lương y như từ mẫu”.
Để tìm hiểu thêm về câu chuyện “chiếc phong bì”, chúng tôi tìm gặp thêm một nhiều người nhà các bệnh nhân đang điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương và khá ngạc nhiên khi tất cả đều cho biết, họ hoàn toàn không phải lo lắng gì về việc “chạy” bác sỹ để người thân được đối xử tốt hơn. Cô Bùi Thị Loan – đang chăm sóc chồng bị suy tủy tại bệnh viện này cho biết, chồng cô bị bệnh đã 2 năm và thường xuyên phải ra nơi này để điều trị. Mỗi lần riêng tiền thuốc đã 70 -80 triệu đồng. Thế nhưng chồng cô đều được bảo hiểm chi trả. Những lần đầu ra Hà Nội, cô đã nghĩ phải có tiền đưa bác sỹ thì chồng mình mới được kê đơn thuốc tử tế. Tuy nhiên, khi đến thực tế, cô hiểu rằng điều đó hoàn toàn không tồn tại ở đây. Cô tâm sự: “Thấy họ quá tốt với mình, ai cũng xúc động, thi thoảng chúng tôi lại mua cân hoa quả để cảm ơn các y bác sỹ. Chỉ vậy thôi!”.
Những món quà trả để không phải “nợ nhau”
PGS Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cũng đã có những tâm sự đầy thuyết phục về câu chuyện chiếc phong bì. Ông cho biết, đã từ lâu, đơn vị ông đưa ra quan điểm “không phong bì”. Nếu phát hiện nhân viên y tế nào trong viện vòi vĩnh phong bì của bệnh nhân sẽ đuổi việc ngay! Và bệnh viện Tim Hà Nội vẫn luôn là lá cờ đầu trong phong trào “nói không với phong bì” trong nhiều năm qua!
PGS Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội
Để tăng thêm thu nhập cho anh em, Bệnh viện Tim Hà Nội tạo điều kiện cho các nhân viên trong viện có điều kiện làm thêm ngoài giờ chính tại bệnh viện. Vì vậy, thu nhập của họ khá cao.
Tuy nhiên, tâm sự quan điểm về chiếc phong bì của bệnh nhân, PGS Tuấn cho biết, có những chiếc phong bì là “tuyệt vời”. Đó là những chiếc phong bì mà sau khi bác sỹ đã hết lòng cứu chữa người bệnh, họ hồi phục khỏe mạnh, đến cảm ơn các bác sỹ bởi người Việt vốn không thích phải nợ nần ai cái gì. Họ muốn “trả nợ” cho bác sỹ vì đã hết lòng cứu chữa cho họ. Đó hoàn toàn là tấm lòng, tình cảm của người nhà bệnh nhân và bệnh nhân đối với cán bộ y tế.
Tâm sự về phong trào “cảm ơn người bệnh”, Thạc sỹ Nguyễn Thị Thảo – Phó khoa bệnh máu tổng hợp 1 – Viện Huyết học truyền máu Trung ương cho biết: “Quan niệm lấy bệnh nhân làm trung tâm đã được PGS Nguyễn Anh Trí – Giám đốc Viện đưa ra từ lâu. Có người bệnh thì các bác sỹ mới có lương. Ở đây, chúng tôi tuyệt đối không bao giờ có chuyện vòi vĩnh bệnh nhân hay bệnh nhân phải đưa tiền lót tay mới được khám, chữa bệnh tốt”.
Bs Thảo cho biết, Khoa bệnh máu Tổng hợp là đơn vị nhận các bệnh nhân mới vào viện. Các bác sỹ thường xuyên phải tiếp xúc với các bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân quá lo lắng và tìm mọi cách “mua chuộc” bác sỹ để được khám nhanh hơn, kết quả sớm hơn…. Theo chị Thảo, đó là tâm lý chung của những người đến bệnh viện, họ không an tâm nếu bác sỹ không nhận quà hay tiền của họ. Chị Thảo nhớ, có lần có hai vợ chồng từ Thái Bình đến chữa trị, họ rất nghèo nhưng vẫn tìm mọi cách đưa phong bì cho bác sỹ. Bị chị từ chối nhiều lần, họ đành mang một làn trứng gà đến buộc sẵn ở xe của chị! Vậy là đành nhận trong dưng dưng xúc động!
Chị Thảo cũng cho biết thêm, các bệnh nhân khi ra viện vẫn đến khoa để gặp các bác sỹ, đôi khi họ cảm ơn bằng vài trăm nghìn, có lúc là túi hoa quả, khi là một bó hoa tươi….Đó là những món quà bệnh nhân tự nguyện trong sự vui vẻ, biết ơn….mà các bác sỹ chưa bao giờ đòi hỏi hay mong chờ! Chị tâm sự: “Thu nhập của y bác sỹ tại đây khá cao nên chúng tôi rất an tâm công tác. Các bệnh nhân bị bệnh về máu khổ lắm, họ gần như sẽ phải gắn bó với bệnh viện suốt đời sau khi phát hiện bệnh. Dù có bảo hiểm thì đi lại, ăn ở…cũng đã tốn kém lắm rồi. Mình làm sao phải để cho họ an tâm mà điều trị, không có cảm giác phải sợ hãi mỗi lần nghĩ đến liệu trình điều trị tiếp theo. Giờ chúng tôi mà làm mình làm mẩy, cầm phong bì của bệnh nhân một lần hay vòi vĩnh họ thì còn mặt mũi đâu mà nhìn họ lần sau! Đó là những điều mà lương tâm chúng tôi không cho phép!”.
Những ca mổ “không lo phong bì”
Cả PGS Tuấn và bác sỹ Thảo đều cho rằng, người bệnh đã quá khổ rồi, họ không chỉ thiệt thòi về thể lực mà thời gian chữa bệnh cũng tốn kém rất nhiều. Việc vòi vĩnh bệnh nhân là những điều không thể chấp nhận được!
Trong bối cảnh ngành y còn nhiều tai tiếng với những chiếc phong bì, có lẽ những đơn vị quán triệt “nói không với phong bì” như những đơn vị kể trên xứng đáng là một tấm gương để nhiều bệnh viện noi theo!