Trước thềm năm học mới, PGS Văn Như Cương đã có những chia sẻ rất đáng suy ngẫm về sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo.
Là người nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục, PGS Văn Như Cương đã rất nhiều cống hiến được ghi nhận. Hiện tại, tuy tuổi đã cao và sức khỏe không được tốt, thầy vẫn rất tâm huyết với sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo. Nhân dịp đầu năm học mới, PGS đã có những chia sẻ về công cuộc đổi mới giáo dục rất đáng để suy ngẫm.
- Thưa thầy, trước thềm năm học mới, thầy có những chia sẻ, mong muốn, kì vọng gì với nền giáo dục nước nhà?
Theo như các nhà lãnh đạo cũng như Bộ Giáo dục, năm học 2014 – 2015 được xem như năm mở đầu cho cuộc đổi mới căn bản và toàn diện. Có một số điểm được nhấn mạnh như: Tiến tới viết lại sách giáo khoa, thay đổi thi cử, chuyển biến việc học, truyền thụ trí thức bằng cách chú ý tới năng lực và phẩm chất của học sinh,... Điều đó có thể cho chúng ta một chút hi vọng nào đó về sự đổi mới. Vì nền giáo dục cho đến nay nói chung vẫn nằm trong trạng thái rất bất cập.
Bất cập ở chỗ không đáp ứng được yêu cầu xây dựng đất nước về mặt kinh tế cũng như về mặt xã hội. Đặc biệt là các bộ phận Đại học, lao động tốt nghiệp đại học không đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, tức là không có việc làm hoặc tốt nghiệp ra nhưng không làm được việc. Điều đó cho thấy việc đào tạo không sát với thực tế.
Đó là với bậc Đại học, còn với bậc phổ thông: Chúng ta đang nhồi nhét quá nhiều kiến thức toàn diện một cách cứng nhắc mà không có phân hóa để học sinh có thể đi theo khả năng của mình. Tình trạng học nhồi nhét, học lý thuyết mà thiếu thực hành, học thêm, học tủ,… đang diễn ra, cho thấy chúng ta chủ yếu tập trung vào học chữ để đi thi mà ít quan tâm tới việc học làm người, học nghề để đi làm,…
Tất cả những bất cập đó chúng ta đều thấy rõ. Nên tôi hi vọng rằng năm nay, bước vào đổi mới thì sẽ có những thay đổi đáng kể.
Tuy nhiên, theo tôi nhận thấy, thay đổi năm nay chưa có gì là nhiều, bởi chưa có một lộ trình nào để thay đổi. Mọi người đang chờ trong thời gian tới, Bộ trưởng sẽ có một thay đổi khá lớn đó là quyết định kì thi năm 2014 sẽ thi theo kiểu gì, thi theo phương án nào.
Là một người làm công tác giáo dục lâu năm, tôi băn khoăn rằng: hầu như tiến độ thay đổi của chúng ta rất chậm chạp và có phần không quyết đoán. Chậm chạp thì thấy rồi, Nghị quyết TW về đổi mới đưa ra bao lâu nhưng vẫn chưa làm được dự án, chưa trình ra được một đề án, 1 quyết định để quốc hội thông qua. Do đó, tôi rất lấy làm lo lắng.
Thầy Văn Như Cương phát biểu tại buổi lễ khai giảng tại trường Lương Thế Vinh (Hà Nội)
Đó cũng là những tâm tư đầu năm học của tôi. Tôi cũng mong muốn rằng, Ban lãnh đạo chỉ đạo việc đổi mới sẽ sâu sát hơn, thực tế hơn, quyết đoán hơn và không thay đổi quá nhiều những quyết định của mình.
- Quan điểm của thầy về phương án chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia, lấy điểm xét đại học?
Theo tôi, chúng ta tiến tới thực hiện 1 kì thi quốc gia là đúng, là nên làm vì có thể kết hợp làm hai việc một lúc: vừa xác định người được công nhận tốt nghiệp, vừa là cơ sở tương đối đúng trọng lượng để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng,…
Tuy nhiên, nếu thực hiện ngay vào năm 2015 thì không nên bởi vì chưa kiểm định. Nhất là theo như Bộ nói về điều kiện môn thi với bài thi: Môn thi là thi Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh,…; còn bài thi là có nhiều môn tích hợp: Chẳng hạn, Toán - hóa - sinh thi một bài, khoa học xã hội thi một bài. Vấn đề ở chỗ, trên cơ sở sách giáo khoa và chương trình hiện nay, vấn đề tích hợp đưa ra chưa được rõ ràng.
Hiện nay chỉ có bậc tiểu học là mới tích hợp các môn, còn bậc trung học thì chưa tích hợp. Do đó, chương trình chưa tích hợp, sách giáo khoa chưa tích hợp mà thi theo kiểu tích hợp thì không hợp lý. Việc đổi mới thi cử một cách mạnh mẽ mà không dựa trên sự đổi mới của sách giáo khoa, chương trình thì theo tôi đó là bất cập.
- Trong buổi lễ khai giảng tại trường, mọi người rất xúc động trước bài phát biểu cũng như khi thấy hình ảnh của thầy và các em học sinh với áo đỏ sao vàng. Thông điệp của thầy là gì?
Khi giàn khoan của Trung Quốc lấn chiếm biển Đông, ta mới thấy rằng ý thức của dân mình nói chung và thanh niên nói riêng thể hiện lòng yêu nước rất rõ ràng. Tinh thần yêu nước đó rất đáng quý trọng và cần phát huy. Khi hòa bình, chúng ta có thể ít đề cập tới điều đó, nhưng khi đất nước xảy ra vấn đề thì cần thúc đẩy tinh thần đó lên cao.
Trong bài phát biểu nhân dịp đầu năm học mới của mình, tôi muốn nêu cao tinh thần yêu nước, yêu dân. Tình yêu đó là động lực thúc đẩy cho chúng ta ý thức học tập tốt về mọi mặt. Bởi yêu nước có nghĩa là bản thân mỗi người, mỗi học sinh phải làm tốt vai trò, công việc của mình, không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim của mình. Tôi muốn các em ý thức được điều đó, để học tập có mục đích và tự giác hơn.
Tôi cũng rất vui vì thấy học sinh tiếp nhận được thông điệp đó.
- Thầy đã có những đóng góp rất lớn cho nền giáo dục nước nhà. Vậy khi tuổi đã khá cao như bây giờ, thầy đã có ý định nghỉ ngơi hay vẫn muốn tiếp tục gắn bó và cống hiến?
Hiện tại, tôi đã chuẩn bị cho việc nghỉ ngơi của mình rồi. Tôi chỉ tham gia định hướng và giữ vai trò là người sáng lập trường. Tuy nhiên, điều tôi vẫn luôn tâm huyết từ khi thành lập trường đến giờ, là làm sao xây dựng một nền giáo dục chất lượng cao, với chi phí (học phí) thấp. Nếu còn sức, tôi vẫn sẽ tiếp tục đóng góp để xây dựng một môi trường học tập tốt nhất cho các em học sinh.
Cảm ơn thầy về những chia sẻ của mình. Kính chúc thầy sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho nền giáo dục nước nhà!