Phải trả mặt bằng kinh doanh công ty về du lịch bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên thời gian qua chị Bình vẫn có nguồn thu nhập ổn định từ công việc “tay trái” của mình.
Chị Tú Bình tại quận 6, TP HCM cho biết, công ty về dịch vụ du lịch được thành lập hơn chục năm của chị cũng không ngoại lệ khi nguồn thu sụt giảm mạnh trong mỗi lần dịch bùng phát. Nửa cuối năm 2020, chị quyết định chuyển đổi mô hình kinh doanh bằng việc hoàn trả mặt bằng chuyển doanh nghiệp của mình lên kinh doanh trên nền tảng online.
Thời gian đầu, công việc kinh doanh của chị cũng gặp nhiều khó khăn nhưng dần dần khách hàng cũng chấp nhận với loại hình kinh doanh mới. Do đó, dù lĩnh vực dịch vụ lữ hành trong nước dừng hoạt động hoàn toàn, nhưng các dịch vụ khác như dịch vụ visa, vé máy bay quốc tế vẫn duy trì doanh thu ổn định.
Chị Bình cho biết dịch vụ đi chợ hộ của shipper giúp những người kinh doanh trên nền tảng online như mình có cơ hội phát triển mạnh
Trước những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đầu năm 2021, bên cạnh việc duy trì công ty dịch vụ du lịch trên nền tảng online, chị một lần nữa trở lại với nghề “tay trái” kinh doanh thêm thực phẩm, rau xanh, hàng tiêu dùng thiết yếu trên nền tảng mạng xã hội và các kênh online.
Chia sẻ về quyết định của mình, chị Bình kể trước khi bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị cũng có thời gian dài vừa làm du lịch vừa mở kênh siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi truyền thống do đó có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm các đầu mối cung ứng hàng hóa. Có thời điểm, hệ thống bán hàng mở rộng cả chục điểm với vài chục nhân viên.
Tuy nhiên, do bận rộn với lĩnh vực chính là du lịch, lữ hành nên không quản lý được mọi mặt khiến kết quả kinh doanh ngày càng lao dốc. Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và lữ hành không bù đắp chi phí cho kênh siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Cuối năm 2019, chị đã lần lượt đóng các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và còn mang thêm một số nợ lớn.
Trước việc TP HCM thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 từ đầu tháng 5/2021, kênh bán bàng thực phẩm qua kênh online, mạng xã hội được chị xây dựng từ trước đó có lượng khách tăng đột biến bởi yếu tố khan hiếm thực phẩm.
Chị Bình chia sẻ để thuận tiện cho công việc “đi chợ” online của người dân, giá bán các mặt hàng thực phẩm, rau xanh, đồ tươi sống luôn được bên chị niêm yết công khai. Nhờ đó, có những ngày hệ thống chốt đơn bên chị nhận được tới 500 đơn đặt hàng. Giá trị mỗi đơn hàng từ 100.000đ đến cả triệu đồng trong đó, chi phí vận chuyển được chị thuê riêng với giá 35.000đ/đơn.
Tuy nhiên, do yếu tố về nhân lực và khó khăn trong công tác vận chuyển hàng hóa nên cơ sở kinh doanh thực phẩm online của chị chỉ đáp ứng được từ 80 đến 120 đơn hàng mỗi ngày.
Chị Bình cho biết dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế. Tuy nhiên, dịch bệnh thời gian qua đã thúc đẩy nền kinh tế số, kinh doanh trên các nền tảng công nghệ phát triển mạnh mẽ.
Nữ giám đốc công ty lữ hành từng có hàng chục nhân viên chỉ ra rằng, khi chuyển sang nền tảng kinh doanh online, một người có thể làm việc thay cho nhiều người. Theo đó, để vận hành cửa hàng thực phẩm online chỉ cần từ 3-5 người là có thể làm việc hiệu quả thay vì phải thuê từ 10 đến 20 người như việc kinh doanh theo phương thức truyền thống trước đây.
Những năm trước đây, kinh tế số, bán hàng online gặp khó khăn bởi thói quen mua hàng trực tiếp của người dân. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến nhiều người thay đổi thói quen tiêu dùng của mình, đặt niềm tin vào các cửa hàng kinh doanh online nhiều hơn.
Chị cũng cho rằng trong hoàn cảnh mới, những doanh nghiệp vẫn giữ nguyên tắc kinh doanh với yêu cầu mặt bằng rộng, giá thuê cao sẽ gặp nhiều khó khăn bởi yếu tố dịch bệnh. Trong khi đó, những doanh nghiệp chú trọng đến kênh phân phối trên nền tảng trực tuyến thì đây là cơ hội để bứt phá.
Hiện TP HCM đã lên kế hoạch mở cửa trở lại một số hoạt động kinh doanh, nữ giám đốc doanh nghiệp du lịch và lữ hành cũng hy vọng thời gian tới hoạt động du lịch, lữ hành cả nước sẽ sớm phục hồi trở lại sau những khó khăn trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, việc mở cửa lại các hoạt động kinh doanh cũng sẽ giúp người dân dễ dàng hơn trong việc mua thực phẩm thiết yếu hàng ngày phục vụ cuộc sống gia đình.