Chiều 14/5, số lượng tàu cá vỏ sắt (lượng giãn nước 100 - 150 tấn) Trung Quốc đưa ra giàn khoan trái phép Hải Dương 981 đã tăng từ 15 chiếc lên 40 chiếc.
Theo Cảnh sát biển Việt Nam, đến 15h ngày 14/5, số lượng các tàu quân sự Trung Quốc hiện diện trái phép tại Hoàng Sa gồm tàu quân sự (2 hộ vệ tên lửa, 2 tàu vận tải đổ bộ 998, 999). Riêng tàu vận tải đổ bộ có lượng giãn nước 17.000 tấn. Trên tàu được trang bị bệ 8 ống phóng tên lửa đối không, bệ pháo 76 mm, 2 bệ 4 khẩu pháo 30 mm. Đặc biệt, số lượng tàu cá vỏ sắt Trung Quốc (lượng giãn nước 100 – 150 tấn) tăng từ 15 chiếc lên 40 chiếc.
Từ 8h55 – 9h5, máy bay tuần thám (số hiệu 8321) bay 2 vòng trên đội hình biên đội tàu cảnh sát biển 8003 và tàu cảnh sát biển 4033, độ cao khoảng 300-350 mét.
Về hành động trên biển, Trung Quốc vẫn chia các lực lượng làm các tuyến bảo vệ giàn khoan trái phép như ngày 13/5, khi các tàu cảnh sát biển tổ chức tiếp cận thì Trung Quốc đồng loạt sử dụng lực lượng ngăn cản, sẵn sàng đâm va các tàu của ta.
Từ 8h27 – 12h30, các tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc thường xuyên theo sát, ngăn cản, xua đuổi việc đánh bắt hải sản của các tàu cá Việt Nam ở khu vực cách giàn khoan Hải Dương 981 từ 7 đến 10 hải lý.
Các tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc thường xuyên ngăn cản hoạt động của tàu cá Việt Nam - Ảnh: Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Về phía Việt Nam, các tàu của Cảnh sát biển và Kiểm ngư liên tục cơ động tiếp cận từ phía Tây - Tây Bắc giàn khoan để tiến hành tuyên truyền khẳng định chủ quyền, yêu cầu giàn khoan 981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc rời khỏi vùng biển Việt Nam.
Khi tiếp cận cách giàn khoan 6 - 7 hải lý, các tàu của Việt Nam đã bị các tàu hải cảnh Trung Quốc bám sát, ngăn cản, chủ động đâm va.
Hình ảnh tàu cá Việt Nam kiên cường trước sự ngăn cản, bao vây của các tàu cá vỏ sắt Trung Quốc - Ảnh: Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
Theo đó, 4 tàu Hải cảnh số hiệu 45014, 3411, 46102, 2112 tiếp cận cách tàu cảnh sát biển 8003 gần nhất 100 mét; tàu Hải cảnh 46102 chủ động đâm thẳng chính diện vào mạn phải tàu cảnh sát biển 2016. Do tàu cảnh sát biển 2016 chủ động dừng và lùi máy kịp thời, nên tàu Hải cảnh của Trung Quốc đã lao qua trước mũi tàu của ta khoảng cách 5 mét. Các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư của Việt Nam cơ động, vòng tránh kịp thời, đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, các tàu cá Việt Nam đánh bắt hải sản ở khu vực giàn khoan thường xuyên bị các tàu cá vỏ sắt Trung Quốc ngăn cản, xua đuổi, nhưng các tàu cá Việt Nam vẫn kiên cường bám trụ. Đồng thời, các tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư thường xuyên bám sát, hỗ trợ bảo đảm an toàn cho các tàu cá của Việt Nam.
Báo cáo với Đoàn công tác của Cục Tổ chức (Tổng cục Chính trị) sáng 14/5, đại tá Nguyễn Hải, Phó chính ủy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cho biết, hiện 100% cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng của thành phố đã viết đơn tình nguyện ra vùng biển Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ.
Theo đại tá Hải, đơn vị đã dự kiến một số tình huống có thể xảy ra cũng như cách ứng phó trên biển nhưng vẫn luôn động viên ngư dân kiềm chế, tránh dính phải âm mưu kích động của Trung Quốc; đồng thời xây dựng các kế hoạch, chỉ đạo các đồn biên phòng, biên phòng cửa khẩu cảng, hải đội 2 đẩy mạnh công tác tuyên truyền đặc biệt, nắm bắt tư tưởng của nhân dân khu vực biên giới.
Xem thêm tin bài Vụ Tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam: Chuyên gia bóc trần toan tính của TQ ở Biển Đông Vụ giàn khoan: “TQ đang thất thế ở Biển Đông” Tường thuật từ Hoàng Sa: Ngư dân sát cánh cùng cảnh sát biển |