Nghe thông báo trên máy bay, Alexandria Reimold chỉ nghĩ đơn giản đó là một trường hợp có câu chuyện tương tự mình. Cô không thể ngờ rằng người đang nói trên loa chính là người đã được cô cứu sống 8 năm trước.
Ngày 14/12, Alexandria Reimold đang trên đường về nhà sau khi thăm mẹ bị đau tim ở Houston, Texas, Mỹ. Biến cố này khiến cô kiệt sức cả về tinh thần và thể chất. Trong khi chờ chuyến bay cất cánh, cô tranh thủ tải các tệp xuống máy tính để có thể làm việc trong suốt chuyến đi, cũng là một cách để đánh lạc hướng bản thân mình.
Khi cô đang cố vùi đầu vào công việc thì bỗng nghe thấy một câu chuyện của chính phi công trên loa phát thanh. Theo đó, David Whitson kể rằng 8 năm trước, anh đã trải qua ca ghép tủy xương sau khi được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu tủy và người đã hiến tặng cho anh năm đó đang ở trên chuyến bay này.
Reimold nhìn quanh. Là một người hiến tủy xương đã giúp cứu sống một mạng người, cô rất vui khi biết có người khác trên máy bay cũng có câu chuyện tương tự mình.
"Sau đó tôi nghe thấy cái tên David và tôi đã ghép các mảnh thông tin lại với nhau", cô nhớ lại khoảnh khắc nhận ra câu chuyện là về mình.
"Tôi đã quá phấn khích và nhìn ra xung quanh. Thật là một trải nghiệm rất thú vị khi biết rằng có điều gì đó đang xảy ra và những người xung quanh bạn không biết rằng đó là bạn. Vì vậy, tôi đã rất rất phấn khích khi thấy David bước xuống lối đi", cô nói.
Alexandria Reimold và David Whitson trên máy bay.
Trong một cuộc phỏng vấn với PEOPLE, David Whitson đã chia sẻ về việc anh được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu vào tháng 8 năm 2016 sau khi đến phòng cấp cứu vì đau đầu dữ dội và cúm. Cơ trưởng nhớ lại tại thời điểm chẩn đoán, các bác sĩ nói với anh rằng anh sẽ không thể sống trừ khi được ghép tủy xương.
May mắn thay, họ tìm thấy một người phù hợp là Reimold, khi đó 22 tuổi. Cô đã đăng ký hiến tủy xương từ năm 18 tuổi, khi còn là sinh viên Đại học Purdue.
"Tôi đã không suy nghĩ gì nhiều khi đăng ký. Đó có vẻ là một cơ hội thực sự tuyệt vời. Tôi không biết nó sẽ dẫn đến điều gì", cô nhớ lại.
Năm 2018, sau ca cấy ghép thành công, Reimold và Whitson lần đầu tiên liên lạc khi cả hai đều nhận được một email hỏi xem liệu họ có muốn trao đổi thông tin liên lạc hay không. Ngay sau khi nhận được email, họ bắt đầu nhắn tin.
Không lâu sau khi kết nối trực tuyến, hai người gặp nhau lần đầu tiên tại Trung tâm Y tế Đại học Baylor ở Dallas trong một cuộc hội ngộ giữa người hiến tặng và người nhận. Họ trò chuyện và trao nhau cái ôm đầy xúc động. Khi ôm Reimold, Whitson đã thì thầm vào tai cô rằng: "Cảm ơn em đã cứu mạng anh".
Kể từ đó, Reimold và Whitson vẫn giữ liên lạc với nhau. Whitson thậm chí còn thêm Reimold vào quyền lợi của mình tại United Airlines như một cách để cảm ơn cô. Vì vậy, khi gần đây anh thấy rằng các chuyến bay của hai người trùng nhau tại cùng một sân bay, anh quyết định làm một việc đặc biệt.
"Tôi vừa bay đến và đang chạy đua để kịp chuyến bay của cô ấy. Tôi chỉ có khoảng 40 phút trước khi cô ấy rời đi, vì vậy sau khi hạ cánh, tôi đã liên lạc với cơ trưởng điều khiển máy bay vào ngày hôm trước và hỏi xem anh ấy có phiền nếu tôi làm điều này không. Tôi đã được sự cho phép để thực hiện điều đó. Tôi đã nói đôi lời với hành khách, cho họ biết tôi là ai và chuyện gì đang xảy ra”, anh nói.
Nhưng điều bất ngờ là một hành khách trên máy bay đã ghi lại khoảnh khắc đặc biệt này bằng camera và sau đó đăng lên TikTok. Đoạn video nhanh chóng trở nên viral, thu hút hơn 600.000 lượt xem.
Alexandria Reimold và David Whitson đứng ở sân bay.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có người sẽ tung thứ này lên Internet và nó lại lan truyền khắp thế giới như vậy. Ca ghép tủy của tôi sẽ tròn 8 năm vào ngày 21/12 tới. Thời điểm này 8 năm trước, tôi đang ở trong bệnh viện để hóa trị liều cao. Vì vậy, đây cũng là thời điểm của những phép màu”, Whitson nói.
Khi câu chuyện của họ chạm đến trái tim nhiều người, Reimold và Whitson đều hy vọng có thể sử dụng cơ hội này để khuyến khích mọi người cân nhắc việc trở thành người hiến tủy, có thể cứu sống một mạng người.
"Tôi rất vui mừng khi thấy mọi người quan tâm đến điều này. Nhiều khi nói về tủy xương, tôi thấy mọi người thường cảm thấy hơi khó chịu hoặc hơi sợ hãi. Nhưng với tư cách là một người hiến tặng và đã hiến 2 lần, tôi có thể nói rằng nó không đáng sợ như vẻ ngoài. Bằng cách dành một ngày để ở trong bệnh viện và tán gẫu với một số y tá, bạn có thể tiếp tục cứu mạng người”, Reimold nói.