Đến phủ Dầy những ngày này không khó nhìn thấy tiền lẻ rải khắp nơi, từ phủ trong ra phủ ngoài, từ sân vào nhà, trong hòm công đức lẫn trên ban thờ.
Những ngày đầu xuân Ất Mùi, Phủ Dầy (Nam Định) đang đón dòng du khách đông nườm nượp đổ về cầu may. Đặc biệt đang vào thời điểm chợ Viềng diễn ra, lượng khách về đây càng tăng vọt.
Tuy nhiên, hòa với nhang hương khói đèn và tiếng hầu đồng, ca xướng cùng những tiếng rì rầm khấn vái, Phủ Dầy cũng đang chứng kiến cảnh tượng khối lượng tiền lẻ nhiều được rải khắp nơi. Đi từ Phủ trong đến Phủ ngoài, sân vào nhà, trên xuống dưới, đâu đâu cũng thấy tiền lẻ ngồn ngộn.
Người đi lễ cứ tiện đâu thả tiền lẻ ở đấy. Dâng sớ kèm cả tiền. Hết thả tiền vào hòm công đức, người ta lại để tiền lên ban thờ, kệ tủ, nải chuối, cành hoa, đầu tay vai thánh...
Không biết vô tình hay hữu ý mà Ban tổ chức, quản lý di tích Phủ Dầy cũng đặt dày đặc hòm công đức để con nhang đệ tử bày tỏ lòng hảo tâm, sùng kính. Tại phủ Công Đồng, chỉ trong khuôn viên lễ bái rộng chừng mấy trăm mét vuông, chúng tôi đếm sơ sơ từ trong nhà ra ngoài sân dễ đến hơn hai chục hòm công đức.
Thậm chí, cách nhau không chỉ mấy bước chân mà có đến 3 - 4 hòm đựng tiền công đức. Tuy nhiên không hẳn tất cả đều có tên là hòm công đức. Người ta gọi nhiều hòm là "Két dầu nhang" để con nhang đệ tử thả tiền vào. Có hòm chẳng ghi gì, chỉ để tượng một tiểu hầu đồng hoặc ai đó. Người đi lễ cứ thế thả tiền vào.
Tại Phủ Vân Cát, có thời điểm chúng tôi ghi nhận, tiền lẻ chất cao đến nỗi trùm gần hết cả thân tượng. Tượng chỉ còn ló ra khuôn mặt không biểu cảm. "Hòm công đức" thôi chưa đủ, người ta còn bố trí thêm cả "Bàn công đức" với một vài người túc trực, viết giấy để ghi nhận lòng hảo tâm của du khách.
Quần thể di tích Phủ Dầy gồm nhiều phủ lớn nhỏ, trong ngoài. Du khách cứ đi lễ bái hết phủ này sang phủ khác. Kèm theo đó là dòng tiền lẻ cứ thế tuôn ra. Trong các Phủ, người ta đặt biển cấm đổi tiền lẻ. Nhưng du khách vẫn có nhiều cách để sở hữu hàng tập tiền lẻ và sẵn sàng vãi lộc.
Trả lời chúng tôi, ông Phạm Đình Mậu (Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản) cho biết, từ trước Ban quản lý di tích Phủ Dầy đã có quy chế hoạt động và kế hoạch đón du khách trong dịp lễ hội mùa xuân. Trong đó, Ban quan lý quy định cả việc đặt hòm công đứng, dầu nhang.
Tuy nhiên, thông tin như phóng viên nêu thì ông Mậu nói rằng chưa biết. Ông Phó Chủ tịch huyện cho hay, sẽ yêu cầu kiểm tra lại, nếu có chỗ nào sai phạm hoặc chưa phù hợp, sẽ chỉ đạo điều chỉnh, xử lý.
Hình ảnh phóng viên ghi nhận được tại Phủ Dầy:
Tại Phủ Công Đồng, trước sân và cửa bố trí hòm công đức, két dầu nhang dày đặc.
Ban thờ Mẫu ở Đền Trình nhem nhuốc vì tiền lẻ và đồ vật ngổn ngang
Đến nơi hóa vàng cũng có người đứng hóa giúp và sẵn sàng xin tiền
Hình ảnh Két dầu nhang để con nhan đệ tử thả tiền.
Hòm công đức không cần ghi tên, chỉ cần đặt tượng thần tài và chú tiểu hầu đồng
Bàn công đức với người túc trực đang hút thuốc lá, hướng dẫn bỏ tiền và viết phiếu ghi nhận.
Ngay phía sau lư hương không phải là mẫu hay thánh mà là... két dầu nhang, hòm công đức
Con nhang có thể đặt tiền khắp nơi trên bàn thờ
Quy trình bỏ tiền và ghi công đức khá tiện lợi