Phụ huynh đừng ép con em mình tìm đến cái chết

Ngày 06/07/2014 03:53 AM (GMT+7)

Các chuyên gia cho biết, trong các kì thi, các thí sinh đã có áp lực của riêng mình, phụ huynh đừng tạo thêm sức ép cho con cái mình. Đây cũng chính là cách để cho con em mình sống tốt hơn.

Từ trước đến nay, với nhiều bậc phụ huynh, việc nuôi con ăn học đồng nghĩa với việc mong muốn sẽ đậu vào một trường đại học để làm rạng rỡ công danh cho gia đình, đồng thời sẽ là “lá bài” tốt đẹp cho tương lai. Cũng vì điều này, áp lực mỗi kỳ thi đại học không chỉ đè nặng lên các thí sinh mà ngay cả người thân cũng cùng cảnh ngộ. Điều đáng nói, không ít học sinh phải nhập viện, thậm chí nhiều trường hợp không chịu đựng nỗi áp lực của kì thi đại học đã tìm đến cái chết để “giải thoát”.

Kỳ 4: Phụ huynh đừng ép con em mình tìm đến cái chết

Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, phó trưởng khoa Tâm lý tâm thần trẻ em (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) tỏ ra tiếc nuối vì cứ đến các kỳ thi quan trọng lại có nhiều học sinh phải đến bệnh viện khám hoặc nhập viện. Theo lý giải của bác sĩ thì hầu hết những trường hợp học sinh tìm đến bệnh viện tâm thần là vì áp lực từ chính mình và người thân về việc thi cử. Chính những áp lực vô hình về việc đỗ đạt cao đã khiến các học sinh rơi vào bệnh tật.

Bác sĩ Minh chia sẻ, học sinh bị các bệnh tâm lý liên quan đến tâm thần có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là từ áp lực học tập, gia đình. Trong đó, có nhiều trường hợp, các em bị bệnh liên quan đến tâm thần nhưng phụ huynh không để ý, do đó, khi phát hiện, được đưa đến bệnh viện thì bệnh tình đã trở nặng. Phụ huynh nên quan tâm, tâm sự với con em mình nhiều hơn để giúp con giải tỏa được áp lực tâm lý. Nếu phát hiện con có các dấu hiệu như ít nói, chân tay run rẩy, không ngủ được, ít biểu hiện cảm xúc… nên đưa đến phòng khám chuyên về tâm thần để khám.

Phụ huynh đừng ép con em mình tìm đến cái chết - 1

Bác sĩ Minh luôn trăn trở về việc học sinh bị chứng rối loạn tâm thần

Bác sĩ Lâm Hữu Tài (Trưởng phòng khám Tâm thần, Phó phòng Liên chuyên khoa tâm thần, quận 1) cho biết, hiện nay, việc học sinh bị áp lực thi cử trở nên bị trầm cảm, rối loạn tâm thần đã trở thành một vấn nạn. Cứ 100 học sinh thì có khoảng 1 đến 2 em bị chứng rối loạn tâm thần. Những học sinh bị chứng rối loạn tâm thần không chỉ bị thiếu ngủ, không ăn được… mà khi áp lực quá nhiều, đặc biệt đến các kỳ thi quan trọng, bị ức chế nhiều có thể nghĩ đến chuyện tự tử. Đây cũng chính là lý do mà vào các kỳ thi tốt nghiệp, đại học, cao đẳng hàng năm luôn xuất hiện thông tin có các vụ học sinh tự tử.

Bác sĩ Tài lý giải, đối với những học sinh tìm đến tự tử do áp lực thi cử thì có không ít em bị áp lực lớn từ gia đình, người thân. Các bậc phụ huynh yêu cầu, đặt mục tiêu cho con em mình phải đậu đại học. Bằng nhiều cách, phụ huynh nhồi nhét ý nghĩ này vào đầu con. Trong khi đó, các em có thể cảm nhận mình không đủ sức để thực hiện ý nguyện của cha mẹ. Các em cố gắng học nhưng vẫn không thể thỏa được ý nguyện. Càng học thì càng bị áp lực mà vẫn cảm thấy không thỏa mãn, chưa học tốt, chưa đủ, chưa thể đậu. Thời gian ngày thi đến gần, bản thân học sinh đó cảm thấy bối rối không biết phải xử lý như thế nào nên cuối cùng tìm đến phương thức tự tử với ý định chết là hết.

PGS. TS. BS Nguyễn Văn Thọ (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương II) cho rằng, với môi trường giáo dục ở Việt Nam, học sinh bị stress là điều bình thường. Đặc biệt, đến các kỳ thi lớn, áp lực lại càng tăng lên gấp bội, nếu không đạt kết quả như mong đợi thì sẽ là nỗi nhục nhã của gia đình, tương lai sụp đổ. Trong cuộc sống, áp lực luôn khiến con người cố gắng hơn. Tuy nhiên, khi có quá nhiều áp lực, con người ta sẽ bị yếm thế, tìm đến cách xử lý không tốt. Ở trường hợp các học sinh thì có thể dẫn đến trầm cảm, hoặc nặng hơn là tìm đến cái chết.

Các bậc phụ huynhh cần xác định được lực học của con em mình để không tạo ra áp lực quá lớn. Trong các kỳ thi, chính các em cũng đã có những áp lực từ chính mình, phụ huynh đừng nên tạo sức ép thêm. Phụ huynh cũng cần tỉnh táo nhận thấy sức học của con em mình để khích lệ, động viên nâng đỡ các em có kết quả thi tốt nhất. Khi phụ huynh không tạo áp lực cho các em cũng chính là cách để con mình có cơ hội thi tốt hơn.

Phụ huynh không nên tạo áp lực quá lớn đối với con cái của mình trong các kỳ thi. Phụ huynh cần xác định, thi trượt là chuyện bình thường. Bởi, có nhiều người học lực rất tốt nhưng khi thi, có nhiều điều tác động vẫn có thể bị trượt, không đạt kết quả như mong muốn. Khi xác định được điều này, phụ huynh sẽ không biểu hiện căng thẳng, giúp con cái thoải mái, nhẹ nhõm hơn giúp con làm bài thi tốt hơn.

Phụ huynh đừng ép con em mình tìm đến cái chết - 2

Hy vọng rằng, những nụ cười như thế sẽ còn mãi sau các kì thi

Trong khi đó, nhà tâm lý học của một tổng đài tư vấn cho biết, thời gian gần thi đại học, mỗi ngày nhận được hàng trăm cuộc gọi của các thí sinh. Các em luôn có cùng nỗi niềm chung là sợ không thi đậu đại học sẽ làm xấu bộ mặt gia đình cũng như đạp đổ tương lai. Bên cạnh đó, không ít các em chia sẻ, áp lực lớn nhất không phải là việc thi đậu hay không mà chính là phía gia đình.

Nhà tâm lý này cũng cho hay, hàng năm, cứ sau kỳ thi đại học, cao đẳng, số lượng thí sinh gọi điện đến xin tư vấn cũng đông không kém. Các em lo sợ sẽ không đỗ đại học và sợ những tiếng la mắng của cha mẹ. Đặc biệt, không ít em khi nhận được kết quả thi không như mong đợi thì lại càng rơi vào bí bách, sợ hãi hơn. Lúc này, các bậc phụ huynh không nên tạo áp lực cho con em mình mà nên nhỏ nhẹ, xoa dịu. Bởi, lúc này, các em rất buồn bã, nếu gia đình gây áp lực thì các em có thể bị bệnh về tâm thần hoặc tìm đến cái chết.

Nhật Huân
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot