Dù đã cảnh báo rất nhiều nhưng tình trạng nhiều trẻ em tử vong vì đuối nước trong mùa hè vẫn xảy ra.
Ngoài việc thời gian nghỉ hè không phải đến trường, tính cách hiếu động ở trẻ em thì việc lơ là quản lý của phụ huynh và thiếu các địa điểm vui chơi cho các em trong dịp hè cũng là những nguyên nhân.
Dù 3 con đều đã nghỉ hè (cháu đầu học lớp 7, hai cháu còn lại học lớp 5 và lớp 2), song chị Nguyễn Phương Mai (trú tại SN 110-KTT Thành Công, Đống Đa, HN) vẫn quyết định tìm lớp học hè cho con thay vì gửi con về quê, mặc cho ông bà nội ở quê liên tục gọi điện lên giục đưa cháu về thăm ông bà. Lý do mà chị Phương Mai đưa ra là nhà ông bà nội ở gần sông mà xung quanh lại nhiều ao hồ quá.
“Ông bà ở quê rất nhớ các cháu, cứ mong các cháu được nghỉ hè thì bố mẹ sẽ đưa về quê. Mọi năm vợ chồng tôi vẫn tranh thủ đưa con về quê nhưng năm nay thì có lẽ không về được. Vợ chồng tôi đều bận, chồng tôi thì đi công tác suốt, nên không có thời gian. Đưa con về quê với ông bà mà không có bố mẹ bên cạnh thì lo lắm. Ông bà thì già yếu, xung quanh thì nhiều ao hồ lại gần sông nữa, mà các con tôi tính lại rất hiếu động, trưa nắng mà chúng rủ nhau đi chơi rồi nhỡ may sơ sẩy gì xuống ao thì hối hận cả đời…”, chị Mai tâm sự.
Giải pháp thay thế được chị Mai lựa chọn cho con trong dịp nghỉ hè là cho con đi học thêm lớp tiếng Anh.
Nghỉ hè là thời gian học sinh được nghỉ ngơi sau một năm học, song vì thiếu những địa điểm vui chơi và do sự lo ngại của phụ huynh về sự an toàn cho con mà nhiều học sinh vẫn phải học thêm trong hè.
Tương tự chị Mai, chị Nguyễn Thị Lan (trú tại thôn Yên Ngưu, Thanh Trì, Hà Nội) hè năm nay cũng không đưa các con về quê nội ở Nam Định bởi lý do “sợ con ra ao, ông bà một lúc nào đó không để mắt tới được, các cháu ngã xuống ao”. Nhưng cũng vì lý do trên mà hệ quả là vợ chồng chị Lan đã bị ông bà nội ở quê gọi điện lên trách móc và giận dỗi vì nghĩ “vợ chồng nó giờ chỉ biết kiếm tiền, không còn nhớ đến quê hương bố mẹ gì nữa”.
“Cuối tuần vừa rồi, vợ chồng tôi phải đưa 2 cháu về quê chơi với ông bà 2 hôm và giải thích cho ông bà hiểu nên ông bà mới thôi giận đấy. Người già thì hay cả nghĩ, nhưng mà đúng là vợ chồng tôi không yên tâm khi con cái không có mặt bố mẹ bên cạnh”, chị Lan nói.
Những lo ngại trên của những bậc phụ huynh như chị Mai, chị Lan (cũng là nỗi lo lắng chung của nhiều bậc phụ huynh hiện nay) không phải là không có lý, bởi dù đã được các cơ quan chức năng cũng như báo chí truyền thông cảnh báo rất nhiều, song tình trạng trẻ em tử vong vì đuối nước vẫn xảy ra, đặc biệt số vụ và số trẻ em tử vong tăng cao vào mùa hè mà nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn trong quản lý con em mình từ cha mẹ.
Trong khi không dám đưa con về quê vì lo ngại ao hồ và sông ngòi thì nhiều bậc phụ huynh cũng vẫn loay hoay khi không tìm ra một địa điểm thực sự phù hợp để gửi gắm con mình trong thời gian con được nghỉ hè để bố mẹ vẫn có thể yên tâm đi làm.
Sự bất cẩn của cha mẹ cộng với tính hiếu động của trẻ em luôn luôn tiềm ẩn những tai nạn đuối nước thương tâm nơi trẻ nhỏ (Ảnh: hai đứa trẻ ở Phù Lãng - Bắc Ninh đi bắt ve sầu và đang đùa nghịch cạnh bể chứa nước của một nhà máy bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp).
Học bơi là giải pháp mà nhiều bậc phụ huynh lựa chọn cho con mình trong dịp nghỉ hè bởi vừa giúp trẻ nâng cao thể lực lại vừa giúp trẻ rèn luyện kỹ năng bơi lội – kỹ năng đặc biệt cần thiết với các em.
Tuy nhiên, không phải bậc phụ huynh nào cũng có thể cho con đi học bơi trong dịp hè bởi số lượng các cơ sở dạy học bơi ở các thành phố lớn hiện nay còn quá khiêm tốn. Ngoài ra, số lượng những cơ sở dạy học bơi cho trẻ có đủ uy tín, đảm bảo vệ sinh, dạy đúng quy trình kỹ thuật,… chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là chưa kể đến tình trạng các bể bơi không đảm bảo an toàn vệ sinh đã khiến cho người học bị lây nhiễm các bệnh ngoài da…
Theo một thống kê sơ bộ của Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2014, dù chỉ mới đầu mùa hè nhưng cả nước đã xảy ra gần 20 vụ trẻ em tử vong vì đuối nước.
Một số vụ đuối nước điển hình như giữa tháng 4/2014, một vụ tai nạn đuối nước đã khiến hai em học sinh ở Quảng Bình tử vong. Một nhóm học sinh của Trường THCS thuộc huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tổ chức đi dã ngoại ở khu vực hồ thủy lợi Rào Đá (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình).
Trong lúc cả nhóm đang tắm ở hồ thì không may 2 em tên Huy và Hùng (14 tuổi), cùng trú tại xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, trượt chân xuống vực sâu và chết đuối; hay như ngày 21/5, 14 em học sinh ở tỉnh Lào Cai đang học lớp 9, rủ nhau đi tắm suối tại khu vực suối Mường Hoa thuộc khu du lịch Cát Cát, xã San Sả Hồ. Do không biết nước suối có mức cao hơn ngày thường nên em Tống Văn Toản đã bị nước cuốn trôi mất tích trong khi tắm… Đó chỉ là hai trong số hàng chục vụ trẻ em tử vong vì đuối nước từ đầu mùa hè đến nay.
Ông Nguyễn Trọng An - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH).
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng An - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cảnh báo: “Vào mùa hè nắng nóng, lại là thời điểm học sinh các trường được nghỉ hè nên các em hay tìm ra ao hồ, sông suối để tắm. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra. Điều đáng nói là trong số các học sinh tử vong vì đuối nước, có những em biết bơi, thậm chí bơi rất giỏi. Nhưng vì các em mải vui nên bất cẩn quá. Từ đầu hè đến nay cả nước đã xảy ra không dưới 20 vụ rồi, tôi nghĩ số lượng này chưa dừng lại đâu”.
Tuy nhiên, theo ông An, nguyên nhân sâu xa vẫn là do việc nhiều bậc phụ huynh đã lơ là trong việc quản lý con cái và ở tầm vĩ mô, chúng ta đã thiếu các địa điểm vui chơi giải trí cho trẻ em trong mỗi dịp nghỉ hè. “Nguyên nhân sâu xa tôi nghĩ là do các bậc cha mẹ đã lơ là công việc chăm sóc, quản lý con cái mình, nhưng rộng hơn, chúng ta cũng thiếu các địa điểm dành cho trẻ vui chơi dịp hè”, ông An nói.
Tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất Châu Á Theo ông Nguyễn Trọng An - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), số liệu thống kê từ Cục này trong vòng 10 năm trở lại đây cho thấy, tỉ lệ trẻ em đuối nước ở Việt Nam hiện nay rất đáng báo động. Theo thống kê, ở Việt Nam vào mùa hè, bình quân mỗi ngày có khoảng 10 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước của Việt Nam hiện nay là cao nhất ở Châu Á. |