“Nói thẳng, giáo viên mầm non lương chỉ khoảng 4-7 triệu đồng/tháng, làm việc từ 7h30 đến 17h30 mới hết ca, trưa ngủ được một chút nhưng cường độ làm việc rất căng thẳng. Vì thế tôi thiết nghĩ phụ huynh nên quan tâm hơn vào những ngày này", cô giáo H. chia sẻ.
Trước thềm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11), nhóm bạn tôi – đều là phụ huynh có con học từ mầm non đến cấp I tám chuyện xoay quanh chủ đề “Tặng quà gì cho thầy cô giáo?”. Một người có con 2 tuổi bày tỏ quan điểm: “Mình cứ đi phong bì cho tiện, vừa gọn nhẹ vừa thiết thực. Cô giáo muốn sử dụng vào việc gì cũng được”. Người khác lại phản bác, cho rằng như thế không tế nhị, không thể hiện rõ tấm chân tình, sự quý trọng dành cho giáo viên.
Thế rồi, nhóm bạn chia làm 2 phe: phong bì và hiện vật (gồm hoa, sữa tắm, dầu gội, mỹ phẩm…). Tôi không nghiêng hẳn về phe nào, đành xin ý kiến của người trong cuộc – tham khảo ý kiến của cô giáo từng dạy dỗ tôi, và các bạn bè theo nghề giáo…
Cô H. – giáo viên một trường THPT trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) – từng dạy tôi 3 năm cấp III khi nghe câu hỏi: “Cô mong muốn điều gì trong ngày 20/11?” liền mắng vốn tôi. Cô bảo hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục thường xuyên nghe được câu hỏi ấy. Đương nhiên cô tùy theo độ thân quen mới trả lời, còn lại xin được từ chối vì đó là quyền riêng tư của cá nhân.
“Tôi chở bao chuyến đò cập bến tương lai, có học sinh trở thành “ông nọ bà kia” và quay trở về tri ân trong Ngày Nhà giáo Việt Nam. Các em ấy có dành tặng bó hoa tươi thắm, thêm chiếc phong bì hoặc quà có giá trị. Tôi nói về thăm cô là được rồi, quà cáp làm chi nhưng chúng nói đây là tấm lòng thể hiện sự thành kính, biết ơn khi đã kiếm được nhiều tiền.
Đương nhiên tôi đồng ý nhận cho chúng vui, đồng thời coi đó là một sự thành công của bản thân trong sự nghiệp trồng người. Còn chuyện có nhận phong bì của học sinh hiện tại hay không, tôi xin phép trả lời rằng: Không!”, cô H. thẳng thắn.
Cô H. giải thích rằng giáo viên cấp III có mức thu nhập cao hơn các thầy cô giáo ở cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Hơn cả theo thông lệ, vào dịp này hội ban phụ huynh sẽ có món quà nhỏ dành tặng thầy cô giáo. Như vậy cô đã thấy quá đủ, vừa chứa đựng tình cảm của phụ huynh – học sinh dành tặng đến cô, vừa thể hiện sự tri ân hợp lý.
“Trong dịp này, nhà trường cũng có một món quà nho nhỏ dành tặng các thầy cô. Tôi thiết nghĩ như vậy đã quá đủ hạnh phúc và sự vui vẻ của người làm thầy trong ngày của riêng mình.
Tôi tin rằng các thầy cô giáo làm nghề như tôi cũng có chung suy nghĩ như thế. Vì vậy phụ huynh không cần quá đặt nặng vấn đề tặng quà gì cho thầy cô cấp III để rồi phải suy tính, cân đối thu chi trong tháng”, cô H. bày tỏ.
Song cô giáo cũng đưa ra lời khuyên phụ huynh có con học mầm non nên tặng quà cho cô giáo là phong bì. Bởi giáo viên mầm non làm việc vất vả, đồng lương ít ỏi, trong khi nhiều người phải gánh vác cả gia đình. Như vậy các cô sẽ có thêm thu nhập để lo toan cho cuộc sống dù không nhiều.
“Nói thẳng, giáo viên mầm non lương chỉ khoảng 4-7 triệu đồng/tháng, làm việc từ 7h30 đến 5h30 mới hết ca, trưa ngủ được một chút nhưng cường độ làm việc rất căng thẳng. Vì thế tôi thiết nghĩ phụ huynh nên quan tâm hơn vào những ngày này. Đó không phải là trách nhiệm với suy nghĩ làm như vậy các cô mới nhẹ nhàng, chăm sóc chu đáo con trẻ. Đó là sự cảm thông, lời cảm ơn của phụ huynh sau bao tháng ngày các giáo viên mầm non đằng đẵng ở bên vỗ về, dạy dỗ con mình”, cô H. chia sẻ.
Cô Th. - quản lý của một trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: "Phong bì trong ngày 20/11 là chủ đề được phụ huynh bàn tán từ năm này qua năm khác. Thậm chí nó trở thành vấn đề rất trăn trở của nhiều bậc phụ huynh khi ngày này cận kề.
Năm xưa - hồi còn dạy học tại một trường quốc tế, tôi rất mong chờ đến ngày này. Bản thân chúng tôi không hề đòi hỏi gì nhưng phụ huynh luôn lịch sự và tôn trọng, từ cách giao tiếp đến hành động tri ân trong Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Chúng tôi nhận được rất nhiều món quà từ phụ huynh và học sinh: lời chúc mừng, cái khăn, hộp mỹ phẩm và cả phong bì có chứa tiền bên trong. Tôi luôn trân trọng tất cả vì nó không chỉ đơn thuần là vật chất mà còn chứa đựng tình cảm, sự quan tâm của phụ huynh dành gửi cho cô giáo. Từ đó chúng tôi có thêm động lực tiếp tục cống hiến với nghề đầy cơ cực và nhiều áp lực".
Sau khi trở thành quản lý, cô Th. có những suy nghĩ khác về nghề cũng như "quà của phụ huynh" trong Ngày nhà giáo Việt Nam. Cô không còn háo hức chờ đợi như xưa, thay vào đó luôn đau đáu chuyện hằng ngày phụ huynh có thể cảm thông với nhà trường, thấu hiểu nỗi vất vả của người "chăm sóc" trẻ nhỏ.
Cô bộc bạch: "Xưa tôi được nhận quà thì vui lắm! Còn giờ chỉ mong phụ huynh không ý kiến, hạch sách là may lắm rồi. Năm ngoái, đúng dịp 20/11 tôi gặp một phụ huynh xúc phạm mình đến phát khóc. Hôm đó, hai cô giáo cho học sinh ăn trưa, có bé lớn nhất lớp đã ăn xong, ngồi chơi đợi các bạn xong bữa.
Tôi không hiểu bố của bé xem camera thấy gì mà gọi điện quát lớn: "Cô là quản lý trường à? Tại sao con tôi ăn xong rồi mà các cô không tiếp tục xúc?". Trong khi đó mẹ bé thường nhờ các cô rèn con tự xúc cho tự lập.
Tôi vội vàng giải thích con đã ăn xong bữa, các cô cũng muốn con tự lập nên để con tự xúc. Họ gạt đi và khẳng định vì ngày 20/11 chưa đi quà nên các cô giáo làm vậy. Thậm chí còn hỏi tôi: "Cô xem có phải quà cáp gì thì bảo" rồi tắt máy.
Tôi nghe xong không biết bản thân và các cô đã làm gì sai với học sinh đó. Sau đó tôi động viên các cô giáo đừng buồn, cứ tiếp tục làm đúng trách nhiệm và lương tâm vì không phải phụ huynh nào cũng cư xử lỗ mãng như vậy".
Trong khi đó, cô L. - một giáo tiểu học tại quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ, các bậc phụ huynh nếu đang phân vân tặng quà hiện vật hay phong bì cho các thầy cô, thì theo cô, nên tặng phong bì. Nó vừa thực tế vừa động viên các thầy cô giáo cố gắng với nghề, bởi vì tặng quà đôi khi không đúng nhu cầu sử dụng của người được tặng thì sẽ thành lãng phí. Phụ huynh chỉ nên tặng khi điều kiện kinh tế lẫn tâm lý thoải mái, thực sự muốn tri ân thầy cô của con mình. Không nên coi chuyện này là bắt buộc hay giữ quan điểm "phải có quà cáp thì thầy cô mới chăm sóc tốt cho con mình".
"Lương giáo viên mầm non và tiểu học rất thấp, có thể không bằng lương của công nhân nhà máy. Trong khi đó, họ rất vất vả, không chỉ dạy con kiến thức mà còn phải dạy dỗ, chăm sóc ân cần, chẳng dám quát tháo dù học sinh có lỗi.
Thậm chí họ chịu bao áp lực: xã hội, cấp trên, phụ huynh và học sinh. Họ cũng chẳng thể kiếm thêm thu nhập bởi công việc ở trường đã kín thời gian.
Một năm họ chỉ được tôn vinh vào đúng một ngày nên chuyện mong có quà là hết sức bình thường và dễ hiểu. Tôi mong mọi người hãy có cái nhìn tích cực, đừng bàn tán hay dè bỉu chuyện này", cô L. tâm sự.