Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ cho biết, chỉ trong 7 ngày (từ ngày 4 đến 9/8) bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu nhiều sản phụ bị tiền sản giật, trong đó có 3 ca nặng được xử trí kịp thời rất may không nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con.
Trường hợp đầu tiên đó là sản phụ T.T.K.C, 41 tuổi (ngụ tại quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) tiền sản giật trên thai 34 tuần. Sản phụ C được chuyển từ Bệnh viện quận Thốt Nốt lên với chẩn đoán theo dõi tiền sản giật nặng. Các bác sĩ lập tức tiến hành hội chẩn viện và thực hiện mổ lấy thai cho bệnh nhân nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng cả hai mẹ con. Kết quả, ca mổ bé gái sơ sinh nặng 2.000 gram khỏe mạnh được thực hiện da kề da cùng mẹ ngay khi chào đời.
Trường hợp tiếp theo là sản phụ T.T.K.H, 38 tuổi (ngụ tại quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) nhập viện vào ngày 4/8 trong tình trạng co giật, mắt mờ, phù, huyết áp cao, mạch nhanh trên thai 35 tuần. Sau khi nhập viện các bác sĩ liền xử trí để bệnh nhân an thần. Đến 15h20 phút cùng ngày, sản phụ H được ekip phẫu thuật thực hiện mổ lấy thai. Bé trai sơ sinh chào đời cân nặng 2.000 gram. Hiện tại mẹ và bé đều ổn, bé đang được theo dõi thêm tại Khoa sơ sinh.
Một trường hợp sản phụ bị tiền sản giật chuyển nặng được bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ mổ kịp thời cứu mẹ và con
Trường hợp thứ ba là sản phụ N.T.T.N, 32 tuổi (ngụ tại huyện Giá Rai, Bạc Liêu). Sản phụ N được chuyển từ một bệnh viện ở Bạc Liêu lên vào lúc 4h15 phút sáng ngày 9/8 trong tình trạng thai 38 tuần, tiền sản giật nặng tiến triển hội chứng HELLP kèm rối loạn đông máu.
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ lập tức tiến hành hội chẩn viện và quyết định thực hiện phẫu thuật ngay để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé. Trong suốt thời gian phẫu thuật, sản phụ N được gây mê và truyền tổng cộng 4 đơn vị tiểu cầu. Kết quả phẫu thuật thành công, sản phụ N sinh được một bé trai nặng 2.600 gram. Sức khỏe của mẹ và bé hiện đều ổn.
Theo bệnh viện, ngoài 3 ca bị tiền sản giật nặng thì bệnh viện cũng tiếp nhận một số ca khác trong một tuần. Bệnh viện đưa ra khuyến cáo, tiền sản giật là tình trạng bệnh vô cùng nguy hiểm xảy ra ở khoảng 5-8% số thai phụ, thường là từ tuần 20 trở lên. Tiền sản giật là nguyên nhân của nhiều tai biến sản khoa như đẻ non, thai chết lưu, nhau bong non…
Vì vậy, tất cả phụ nữ mang thai nên theo dõi tiền sản giật tại các bệnh viện uy tín trong thời kỳ mang thai. Các bác sĩ bằng cách kiểm tra huyết áp, làm xét nghiệm protein trong nước tiểu ở mỗi lần khám thai, xét nghiệm máu sẽ giúp phát hiện sớm nguy cơ tiền sản giật. Từ đó, sẽ giúp bác sĩ đưa ra các phương hướng theo dõi và điều trị thích hợp trong thai kỳ nhằm đảm bảo tính mạng của cả mẹ và con.
Theo bác sĩ Vũ Thị Nhung, bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, biểu hiện của tiền sản giật là huyết áp tăng, đi tiểu ít, có những rối loạn thị giác như mờ mắt, hoa mắt hoặc có thể mù mắt kèm theo ù tai, nhức đầu dữ dội. Có những rối loạn tiêu hoá như ói mửa, tiêu chảy, đau vùng thượng vị nên thường dễ tưởng lầm là đau dạ dày. Sản phụ thấy mệt, khó thở với những cơn ho liên tục khiến không thể nằm ngủ được. Đó là biểu hiện của tình trạng dọa phù phổi cấp. Bệnh tiến triển nặng thì có thể có biến chứng rối loạn đông máu, suy chức năng gan, vỡ gan… Nếu không được điều trị kịp thời, tiền sản giật nặng sẽ chuyển sang sản giật với những cơn co giật toàn thân, sùi bọt mép và rơi vào hôn mê. Trong và sau cơn giật có thể có những biến chứng nặng như xuất huyết não, thiếu oxy não và dẫn đến tử vong. Thai nhi cũng có thể chết khi mẹ lên cơn giật vì mẹ thiếu oxy hoặc do nhau bong non, suy tuần hoàn nhau thai. |