Cán bộ y tế không chỉ phát thuốc mà còn phải theo dõi cả việc uống thuốc của bệnh nhân để đảm bảo bệnh nhân điều trị đúng yêu cầu của bác sỹ.
Những ngày gần đây, tỉnh Quảng Nam đã phân công cán bộ y tế về tận nhà các bệnh nhân bị bệnh bạch hầu ở xã Phước Lộc (Phước Sơn, Quảng Nam) để điều trị cho họ khỏi bệnh, đồng thời theo dõi, ngăn chặn bệnh này lây lan, tái phát.
Sinh hoạt của người dân ở vùng dịch thuộc xã Phước Lộc đã dần trở lại bình thường, tuy nhiên nhiều người vẫn phải mang khẩu trang.
Mê tín chết người ở ổ dịch
Nằm cách trung tâm xã Phước Lộc khoảng 3 cây số, hai thôn 8A và 8B (nơi phát bệnh dịch bạch hầu) là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Bh’Noong.
Chúng tôi đến nhà anh Hồ Văn Thiêng (thôn 8B, xã Phước Lộc) - nơi suốt ngày cửa đóng kể từ khi bệnh bạch hầu xuất hiện. Bất cứ ai đến đây chỉ được đứng bên ngoài, kể cả cán bộ y tế đến để cấp phát thuốc. Từ khi, con gái anh Thiêng là cháu Hồ Thị Đẫy (SN 2012) bị đau ở vùng cổ như nhiều người dân khác trong làng, gia đình anh cuống cuồng chạy vạy, vay mượn tiền của bà con, chòm xóm để mua trâu về cúng bái, nguyện con gái mình khỏi bệnh.
Phải thật kiên trì, chúng tôi mới thuyết phục anh Thiêng mở cửa. Ngồi một lúc lâu, anh mới nói: “Con tôi bị đau giống như những người khác vừa chết nên tôi sợ lắm! Tôi sang làng bên mua con trâu hơn 20 triệu đồng về cúng tế. Tất cả chi phí mua sắm gần 25 triệu đồng. Vì kiêng cữ nên trong vòng 10 ngày nên tôi không cho bất cứ ai vào nhà”.
Kế bên nhà anh Thiêng là nhà nạn nhân Hồ Thị Nẩy – bệnh nhân tử vong vào ngày 7.7 sau khi có dấu hiệu đau, sưng ở cổ. Nhiều người dân cho biết, trước khi Nẩy chết đã có ít nhất 3 người chết do bị đau ở cổ, trong đó có Hồ Thị Min. Sau khi Min chết, Nẩy cùng Hồ Thị Viên, Hồ Văn Quý đến uống rượu, ăn cỗ tại đám ma. Sau đó, Nẩy, Viên và Quý lần lượt tử vong chỉ sau khi phát bệnh trong vòng 3-4 ngày.
Theo ông Nguyễn Đức Toàn - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, đời sống của đồng bào hai thôn còn khó khăn. Nhiều hủ tục vẫn còn tồn tại nơi đây. Khi bị bệnh, thay vì đến đến bệnh viện để chữa trị thì người dân lại vay mượn tiền để mua lễ vật về cúng thần linh.
Ông Toàn cũng cho hay, sau khi hay tin có nhiều người bị bệnh, địa phương đã lên tận nơi để tuyên truyền rồi… cưỡng chế đi chữa bệnh bằng cách dùng xe máy bắt buộc bệnh nhân ngồi lên để đưa đi trạm xá. Nhưng dù cương quyết đến đâu, đồng bào cũng không đi. Thậm chí có trường hợp là giết chết con chứ không để đưa con đi chữa bệnh. Đấy là trường hợp cháu Hồ Thị Đẩy. Khi cháu bị bệnh, cán bộ xã xuống vận động thì gia đình nhất quyết không cho mang đi và dọa nếu dùng biện pháp cưỡng chế đưa cháu đi thì gia đình sẽ đâm chết luôn con gái. “Hủ tục đã ăn sâu trong tiềm thức của đồng bào, rất khó vận động họ đi chữa bệnh. Hiện nay, xã phát thuốc và giám sát việc uống thuốc của bệnh nhân, nếu không thì thuốc cũng chẳng có ý nghĩa gì” - ông Toàn thở dài ngao ngán.
Cấp phát thuốc tận nhà
Tại ổ dịch xã Phước Lộc, tình trạng người dân có những triệu chứng của bệnh bạch hầu xảy ra tập trung chủ yếu tại thôn 8B. Thôn này chỉ vỏn vẹn 18 hộ với hơn 100 nhân khẩu. Nơi đây nhiều mái nhà tạm bợ, cũ nát.
Cuộc sống người dân xã Phước Lộc còn nhiều lạc hậu
Ông Nguyễn Thế Thuận - cán bộ xã Phước Lộc, cho hay “Những ngày gần đây, địa phương tập trung công tác an dân. Bên cạnh đó, cấp thuốc, sữa, mang nước uống đến tận nơi để bà con yên tâm chữa bệnh”.
Chiều 16.7, 6 bệnh nhân nghi mắc bệnh bạch hầu đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn đòi về nhà cho bằng được. “Bệnh viện chưa cho về nhưng mình buồn quá nên xin về. Hết bệnh rồi, ở lại làm chi nữa” - bệnh nhân Hồ Văn Xếu cho biết.
Theo ông Huỳnh Tấn Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, những bệnh nhân này được trị tại bệnh viện 7 ngày, đáng lẽ 10 ngày mới xuất viện nhưng họ không đồng ý nên trung tâm đành điều xe đưa về vì nếu không đưa về, họ nhất quyết đi bộ. “Hiện bệnh lý của các bệnh nhân đang tiến triển tốt và chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi điều trị tại địa phương. Nếu có tình huống xấu xảy ra, trung tâm sẽ có biện pháp để điều trị kịp thời” - ông Dũng khẳng định.
Ngày 17.7, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho biết: “Đối với 6 bệnh nhân sau khi điều trị 7 ngày kết quả tương đối ổn định. Người dân khỏe và về lại địa phương. Chúng tôi có kế hoạch theo dõi và điều trị tại nhà khi họ về. Chúng tôi có đội ngũ y tế ở 24/24 tại thôn để theo dõi”.