Theo TS Lâm Quốc Hùng, qua kết quả kiểm nghiệm, những mẫu rau ở ngoại thành cũng nhiễm hóa chất tương đương so với những mẫu rau ở nội thành.
Liên quan đến vấn đề kết quả khảo sát lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ở các loại rau ngót, rau muống, rau mùng tơi vượt ngưỡng giới hạn cho phép mới được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố cuối tuần qua. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Lâm Quốc Hùng – Trưởng phòng Giám sát Ngộ độc thực phẩm (Cục Y tế) xung quan vấn đề này.
Theo ông Hùng, mục đích của việc khảo sát là nhằm đánh giá lượng tồn dư của hai loại hóa chất là Carbofuran (thuốc sâu hữu cơ, độc với con người) và Cypermethrin (thuốc trừ sâu diệt ruồi, muỗi, kiến gián, có hại với sức khỏe con người) trên 3 loại rau lá đó là: rau muống, rau mùng tơi và rau ngót.
“Đây là nghiên cứu được chúng tôi phối hợp với Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia để tổ chức điều tra, mục tiêu là để nắm được tình hình buôn bán các loại rau lá trên địa bàn Hà Nội hiện nay như thế nào? Và để biết được nguồn gốc của rau, độ an toàn và nhận thức của người dân khi đi mua rau”, ông Hùng cho biết.
Sau quá trình lấy mẫu và kiểm nghiệm, trong 3 loại rau được lấy mẫu đều có sự ô nhiễm của hai hóa chất nói trên và vượt ngưỡng cho phép từ 2,5 đến 10,5% tùy theo loại rau. Theo ông Hùng, đây là những mẫu rau được lấy tại các sạp kinh doanh, chưa hề qua sơ chế, chế biến gì để đánh giá sự tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật.
Tỷ lệ nhiễm hóa chất giữa rau ở ngoại thành và nội thành là như nhau.
Ngoài ra, qua nghiên cứu này, ông Hùng đã chính thức lên tiếng phủ nhận các quan niệm đồn thổi cho rằng, rau ở nội thành thường bẩn và bị ô nhiễm nhiều hơn ở ngoại thành và các tỉnh khác (?!).
“Thực tế mẫu lấy để khiểm nghiệm chưa được nhiều, nhưng bước đầu cho thấy quan niệm về rau sạch ở ngoại ô và các tỉnh là không đúng. Bởi các nghiên cứu cho thấy, các mẫu rau được lấy mẫu ở ngoại thành có tỷ lệ nhiễm hóa chất như nhau so với các loại rau ở trong nội thành”, ông Hùng nói.
Đồng thời, qua quá trình điều tra ông Hùng cho biết, vai trò của các chủ cửa hàng bán rau là vô cùng quan trọng trong việc đưa ra thị trường những loại rau không hoặc ít nhiễm chất tồn dư bảo vệ thực vật. Bởi, những chủ cửa hàng này nếu dùng cảm quan của mình để chọn rau như: mùi vị, màu sắc …thì lượng tồn dư hóa chất ở trong rau lá sẽ ít hơn so với những người chỉ nhập về mà không có sự lựa chọn.
“Điều này cho thấy, vai trò của người phân phối ra thị trường là rất quan trọng. Nếu họ sử dụng cảm quan để chọn rau ngon, rau tốt thì sẽ hạn chế được lượng tồn dư rất nhiều”, ông Hùng khẳng định.
Trả lời phóng viên về câu hỏi những loại hóa chất tồn dư trên có ảnh hưởng như thế nào nếu người tiêu dùng sử dụng phải? Ông Hùng cho biết, nếu người dân sử dụng các loại rau nhiểm hóa chất thì nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa và ngộ độc …rất có thể xảy ra.
“Bởi vậy, sau kết quả nghiên cứu này, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền người dân không nên chủ quan, đặc biệt là phải sơ chế, chế biến kỹ càng trước khi sử dụng như: rửa dưới vòi, ngâm trước khi sử dụng…để loại bỏ tạp chất, hóa chất bám trên bề mặt rau xanh”, ông Hùng khuyến cáo.
PGS Nguyễn Duy Thịnh: "Hậu quả của việc người dân sử dụng rau nhiễm hóa chất vượt ngưỡng cho phép là ngộ độc tức thời hoặc tích tụ lại trong cơ thể gây ra rối loạn thần kinh trung ương".
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Chuyên gia về an toàn sinh học và Thực phẩm) cho biết, hậu quả của việc người dân sử dụng rau nhiễm hóa chất vượt ngưỡng cho phép là ngộ độc tức thời hoặc tích tụ lại trong cơ thể gây ra rối loạn thần kinh trung ương, nhức đầu, nôn mửa, mất ngủ, giảm trí nhớ, ở mức độ nặng hơn có thể tổn thương thần kinh ngoại biên dẫn tới liệt, trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong.
Đặc biệt, việc sử dụng phải rau củ nhiễm hóa chất sẽ rất nguy hiểm với các nhóm đối tượng như trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, người mới ốm dậy, người mắc các bệnh mạn tính...
Cuối cùng PGS Thịnh khuyến cáo: “Khi chế biến rau, người dân nên rửa rau dưới vòi nước sạch nhiều lần, như vậy vòi nước sẽ bào mòn, tẩy rửa những tồn dư hóa chất bám vào bề mặt rau. Sau đó người dân nên ngâm rau, củ bằng nước sạch pha chút muối loãng nhằm làm bão hòa lượng hóa chất (nếu có) còn tồn dư trong rau củ”.