Sai lầm khi cúng tất niên cuối năm nhiều gia đình gặp phải, chỉ có một ngày duy nhất để thực hiện nghi lễ này

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 06/02/2024 12:00 PM (GMT+7)

Hiện nay rất nhiều người thực hiện nghi lễ cúng tất niên sớm để tiện cho mọi người trong nhà, tuy nhiên việc làm này là không hợp lý bởi mâm cúng tất niên cần phải làm vào đúng ngày cuối cùng của năm.

Bữa cơm tất niên là khoảnh khắc thiêng liêng của mọi gia đình. Là bữa cơm đoàn viên, gắn kết mọi thành viên, các thế hệ trong gia đình. Theo quan niệm xưa, gia đình nào càng đông đủ các thế hệ cùng dự bữa tất niên chứng tỏ gia đình đó “phúc lộc đề đa”, càng có nhiều may mắn.

Hiện nay điều kiện con cháu đi làm ăn xa, lấy chồng, cưới vợ mỗi người một nơi nên nhiều gia đình “tiện đâu làm tất niên đó”. Theo đó, nếu các thành viên gia đình về đông đủ thì gia chủ có thể sẽ làm tất niên từ ngày 23 tháng Chạp, hoặc có thể cách ngày cuối cùng của năm mới 5-7 ngày.

Theo các chuyên gia phong thủy, không phải ngày nào cũng cúng được tất niên, việc mọi người tập trung ăn uống chỉ gọi là gặp mặt, tổng kết mọi việc trong gia đình trong một năm chứ không được gọi là cúng tất niên.

Cúng tất niên phải được thực hiện vào ngày cuối cùng của năm cũ, việc thực hiện cúng trước không được gọi là cúng tất niên. Ảnh minh họa.

Cúng tất niên phải được thực hiện vào ngày cuối cùng của năm cũ, việc thực hiện cúng trước không được gọi là cúng tất niên. Ảnh minh họa.

Chuyên gia phong thủy Phùng Phương cho biết, theo quan niệm trong dân gian, việc cúng tất niên là phong tục truyền thống lâu đời và mang nét đẹp văn hóa, bản sắc truyền thống của người Việt Nam. Đây là một nghi thức được diễn ra với ý nghĩa ghi nhận hoàn tất các công việc năm cũ và chào đón năm mới tốt lành.

Lễ cúng tất niên được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm tính theo lịch âm lịch, tức ngày 30/12 âm lịch hoặc năm thiếu là 29/12 âm lịch. Theo đó, năm 2024, lễ cúng tất niên sẽ được tổ chức vào ngày 30/12 âm lịch, rơi vào thứ Sáu, ngày 09/02/2024 dương lịch.

Ông Phương cho biết, thông thường các gia đình sẽ cúng tất niên vào chiều 30 Tết. Một số gia đình cúng trưa hoặc tối muộn, tùy vào hoàn cảnh và điều kiện riêng. Trong lễ cúng chỉ cần chuẩn bị tươm tất, có lòng thành tâm, bày tỏ sự tri ân đất trời, thần linh, tổ tiên ông bà, người đã khuất, đã phù hộ gia đạo bình an trong một năm qua là được.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Trọng Tuệ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kiến trúc và Văn hóa phương Đông cũng cho rằng, ngay từ “tất niên” đã nói lên tất cả, tức là phải được cúng vào ngày cuối cùng của năm cũ âm lịch. Theo ông Tuệ, “tất niên” có nghĩa là hết là hoàn thành, kết thúc. Như vậy, cúng tất niên hay mâm cơm tất niên là bữa cơm, lễ cúng để hoàn tất, kết thúc một năm qua đi.

Trong ngày cuối cùng năm mới, gia chủ có thể đi đến mộ phần, thắp nén tâm nhang để mời tổ tiên, những người đã khuất về tại tư gia để ăn Tết cùng gia đình. Ảnh minh họa.

Trong ngày cuối cùng năm mới, gia chủ có thể đi đến mộ phần, thắp nén tâm nhang để mời tổ tiên, những người đã khuất về tại tư gia để ăn Tết cùng gia đình. Ảnh minh họa. 

Nhiều người vẫn hay làm mâm cơm tất niên vào những ngày cận Tết để mời bạn bè, họ hàng… điều đó không sai, nhưng mâm cúng tất niên thì nhiều người đang hiểu chưa đúng. Theo đó, mâm cơm cúng tất niên phải được thực hiện vào ngày cuối cùng của năm”, ông Tuệ nói.

Về thủ tục cúng tất niên, các chuyên gia cho rằng việc làm lễ cúng này để cầu tài lộc, bình an chứ không quá phức tạp. Trong ngày cuối cùng của năm, trước khi cúng tất niên ở gia tiên mọi người cũng có thể đi quét dọn mộ phần, thắp hương mời tổ tiên về để ngự tại tư gia trong những ngày Tết. Còn đối với mâm cơm cúng, tùy điều kiện gia đình sẽ chuẩn bị làm sao cho thật thành tâm để dâng lên các đấng thần linh, tổ tiên.

Theo ông Tuệ, mâm cúng tất niên chỉ là những gì chúng ta ăn uống hàng ngày, nhưng được chuẩn bị đầy đặn, tươm tất hơn để kính dâng lên tổ tiên. Không cần thiết phải chuẩn bị những vật phẩm, đồ ăn quá xa hoa, đắt tiền, đặc biệt những thứ hoa mỹ, phi thực tế thì không nên dâng cúng.

Văn khấn lễ, bài cúng tất niên (Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin):

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)

- Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

- Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy ngài Kim niên Đương cai Thái Tuế chí đức tôn thần.

- Con kính lạy các ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương.

- Con kính lạy ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa tôn thần.

- Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ Thổ, Long mạch, Tài thần, Bản gia Táo quân, cùng tất cả các vị thần linh cai quản trong xứ này.

- Con kính lạy chư gia Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Tiên linh nội ngoại họ ...

Hôm nay là ngày … tháng Chạp năm ...

Tín chủ (chúng) con là: ...

Ngụ tại...

Trước án kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới.

Chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh thịnh soạn, sửa lễ tất niên, dâng cúng Thiên Địa tôn thần, phụng hiến Tổ tiên, truy niệm chư linh.

Theo như thường lệ tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị tôn thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền hậu chư vị hương linh giáng lâm án toạ, phủ thuỳ chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng, bách sự như ý, vạn sự tốt lành, luôn luôn mạnh khoẻ, gia đình hoà thuận.

Thành tâm bái thỉnh, cúi xin chư vị tôn thần và gia tiên nội ngoại chứng giám phù hộ độ trì.

Nam Mô A-di-đà Phật (3 lần, 3 lạy).

Mâm cơm tất niên nhà nào cũng có, nhưng không phải ai cũng biết hết ý nghĩa của nó
Càng gần đến những ngày cuối năm thì người dân lại tất bật chuẩn bị cho các phong tục truyền thống để đón Tết, trong đó có việc làm mâm cơm tất niên. Vậy tất niên có ý nghĩa gì, tại sao lại cần phải thực hiện?

Tết Nguyên Đán 2023 - Khắc ghi từng giây phút yêu thương

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phong thủy năm mới