Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Do đó, rất nhiều người sẽ “vung tay quá trán”, lạm phát chi tiêu vì mua sắm quá đà.
Đã thành thông lệ, Tết Nguyên Đán là thời điểm người dân sẽ phải chi tiêu một khoản rất lớn cho việc mua sắm, trang hoàng nhà cửa, thực phẩm, quà tết và cả thời trang… Rất nhiều người đã phải “than trời” vì mất kiểm soát trong chi tiêu. Tuy nhiên, nếu áp dụng một số mẹo sau đây, bạn sẽ có một cái Tết đủ đầy mà vẫn tiết kiệm.
1. Dự trù các khoản cần chi tiêu
Tết đến xuân về sẽ có hàng trăm khoản mà bạn muốn chi tiêu, mua sắm. Đây cũng là thời điểm nguồn tiền tích lũy trong năm sẵn có, cộng thêm các khoản thưởng dẫn đến nhiều bà nội trợ “rủng rỉnh” tiền bạc. Bởi vậy, sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng lạm phát trong chi tiêu. Để khắc phục điều này, bạn nên dành thời gian để lên danh sách các khoản sẽ chi tiêu trong dịp tết bao gồm: Quà lễ Tết biếu người thân, họ hàng, bạn bè, mua sắm trang trí, vật dụng trong nhà, thực phẩm…
Sau khi chốt được những thứ cần phải mua, bạn dự tính khoản tiền vừa đủ cho tất cả. Cách cân đối này sẽ tránh cho bạn việc luôn thấy trong hầu bao của mình nhiều tiền và mua mà không tiếc tay.
2. Kiểm tra đồ dùng và lập ngay danh sách cần mua
Không những chỉ trong dịp Tết mà trong cuộc sống thường ngày các chị em hay mắc phải tình trạng đi mua sắm theo sở thích mà không lập danh sách những món đồ dùng cần mua trước khi ra chợ. Việc này sẽ làm cho những bà nội trợ đôi khi mua thừa, mua thiếu hoặc mua những món đồ dùng không cần dùng đến.
Vì thế, trước khi ra chợ, các chị em nên kiểm tra lại đồ đạc trong gia đình, tận dụng những món đồ có thể sử dụng được từ năm ngoái (như hộp đựng bánh mứt, đồ trang trí Tết, nĩa muỗng…) và lập ngay một danh sách những đồ dùng cần mua để tiết kiệm được thời gian lựa chọn cũng như tránh khỏi việc mua phải những món đồ không cần thiết.
Tuyệt đối tránh việc mua hàng theo ngẫu hứng hoặc "tiện tay" trong những ngày Tết bởi nó sẽ là thủ phạm vô hình làm tiền trong túi bay ra vèo vèo không kiểm soát được. Khi đi sắm Tết, bạn cần” bám chặt” cái danh sách đồ cần mua mà bạn đã lập từ trước, tuyệt đối không để những mặt hàng không nằm trong danh sách “quyến rũ” để rồi khi về đến nhà, bạn lại xót xa cho túi tiền của mình.
3. Sắm dần từ sớm, không đợi tới Tết cấp tập mới đi mua
Nhiều người chia sẻ rằng, không khí mua sắm những ngày cận Tết là một trong những điều thật thú vị hàng năm. Thế nhưng, mua hàng thời điểm quá sát ngày Tết sẽ khiến bạn rơi vào 1 trong 2 nguy cơ: Giá thành đội lên cao, chất lượng không đảm bảo…
Tại sao phải đợi tới sát Tết mới mua sắm trong khi bạn hoàn toàn có thể nhàn nhã chuẩn bị một số thứ từ trước đó để tránh cảnh chen lấn, xô đẩy. Càng gần Tết, khi người dân được nghỉ, có các khoản tiền lớn nhỏ, dòng người đổ đi mua sắm sẽ rất đông. Một số mặt hàng rất dễ bị “cháy hàng” hoặc trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Chưa kể, giá thành càng sát ngày cuối năm càng tăng cao.
Do đó, từ khoảng đầu tháng Chạp bạn đã có thể mua dần những thứ dùng cho dịp Tết với điều kiện đảm bảo về thời hạn sử dụng. Những đồ bạn mua sớm có thể kể đến như trang trí nhà cửa, đồ gia dụng, tranh ảnh treo tường, bình hoa lụa, hoa giấy… Lưu ý, bạn không nên mua thực phẩm quá sớm vì dù không hết hạn thì việc tích trữ lâu trong tủ đồ ăn cũng không còn ngon nữa.
4. “Săn” khuyến mại nhưng đừng quá đà
Thời gian gần Tết, hầu hết các cửa hàng, siêu thị đều có những chương trình khuyến mại, giảm giá hấp hẫn cho các mặt hàng. Đây sẽ là dịp tốt để chị em mua sắm một cách tiết kiệm. Thế nhưng, cũng đừng vì quá ham đồ rẻ, đồ tặng kèm mà mua sắm quá tay nhé các chị em.
Với danh sách các đồ dùng cần mua và số lượng cụ thể, chị em nên tỉnh táo “cân đo đong đếm” xem thực tế khuyến mại trị giá là bao nhiêu, có sử dụng được hay không, từ đó chọn mua cho mình những mặt hàng phù hợp.
5. Tham khảo và so sánh giá trước khi mua
Việc mua sắm sớm sẽ cho bạn thêm nhiều thời gian để lựa chọn những đồ dùng cần thiết. Vì thế, chị em nên dành một chút thời gian để lên internet tra tìm những cửa hàng kinh doanh sản phẩm cần mua, so sánh giá và chọn mua ở nơi có giá bán tốt nhất.
6. Không tích trữ quá nhiều thực phẩm trong dịp Tết
Theo truyền thống của người Việt những ngày đầu năm mới, cả gia đình sẽ cùng tụ họp, quây quần, thế nên phần thực phẩm cho những ngày này cũng cần nhiều hơn. Trước đây, vào những ngày mồng 1, mồng 2, mồng 3 Tết, hàng quán còn chưa mở bán nhiều nên đa phần từ trong năm, các nhà sẽ tích thật nhiều đồ ăn: giò, chả, thịt gà, bánh chưng… Nhưng giờ đây, điều đó không còn cần thiết nữa.
Từ mùng 2 Tết bạn đã có thể đi chợ để mua đồ nên bạn không cần phải tích trữ quá nhiều thực phẩm (Ảnh minh họa)
Hiện tại, với các ngành dịch vụ phát triển, chỉ từ mồng 2, thậm chí là chiều mồng 1, rất nhiều cửa hàng đã mở và bạn hoàn toàn có thể mua được đồ ăn tươi ngon cho cả nhà thay vì việc phải cất trữ tới vài ngày như vậy. Việc mua quá nhiều đồ ăn sẽ dẫn đến việc chứa thức ăn trong tủ gặp khó khăn, đồ không còn tươi ngon thậm chí là bỏ đi lãng phí do không sử dụng hết. Hãy mua vừa phải, đủ dùng từ ngày 30, mồng 1 Tết. Từ mồng 2, bạn có thể đi chợ và lựa những món ăn mới cho cả nhà.
6. Đơn giản hóa dịp Tết
Chúng ta nên hiểu rằng Tết là dịp để gia đình đoàn tụ, sum vầy chứ không phải chỉ để “trưng diện” và “ăn chơi tẹt ga”. Chị em nên mua sắm vừa đủ nhu cầu sử dụng, tránh tình trạng sẵn sàng chi bất cứ giá nào để phô trương mà quên đi ý nghĩa dịp Tết.
Và nếu gia đình bạn muốn sửa sang nhà cửa hoặc mua sắm những món hàng đắt tiền thì cũng nên mua trước Tết để được phục vụ chu đáo mà giá thành lại ổn định.
Dĩ nhiên, Tết là lúc chúng ta đều muốn mọi thứ phải thật đẹp đẽ. Tuy nhiên, để tránh lãng phí, có những vật dụng hoàn toàn có thể sử dụng lại được. Ví dụ như chậu cây để trồng hoa, đèn nháy, đồ trang trí cây đào, ngày tết… Đây là những thứ hoàn toàn không lỗi mốt và có thể sử dụng trong nhiều năm nếu cất giữ, bảo quản sạch sẽ.
Mặc dù chỉ là những món đồ nhỏ nhưng nó sẽ tiết kiệm cho bạn được khá khá số tiền và không lãng phí vật dụng trong nhà.