Singapore lên tiếng vụ Indonesia AirAsia bị nghi “bay chui“

Ngày 04/01/2015 14:13 PM (GMT+7)

Cục Hàng không Dân dụng Singapore (CAAS) và sân bay Changi Group (CAG) cho biết, họ đã cấp phép cho hãng hàng không Indonesia AirAsia bay tuyến đường Surabaya-Singapore sau khi Jakarta tuyên bố mở cuộc điều tra lịch trình bay của hãng hàng không giá rẻ này.

Trước khi một hãng hàng không mở một chặng bay, họ cần phải được các quan chức hàng không dân dụng tương ứng ở mỗi điểm cất cánh và hạ cánh trong chặng bay đó cấp phép.

Indonesia đã tuyên bố chỉ cấp phép cho AirAsia bay chặng bay Surabaya-Singapore vào các ngày thứ Hai, thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy nhưng hãng hàng không giá rẻ này vẫn tiến hành bay vào Chủ nhật, ngày xảy ra thảm kịch QZ8501. Do đó, AirAsia bị nghi ngờ đã "bay chui".

Trong một tuyên bố hôm qua, Jakarta thông báo sẽ kiểm tra toàn bộ lịch trình bay của AirAsia Indonesia từ thứ Hai (ngày 5.1) tới. Cuộc điều tra ban đầu sẽ chỉ tập trung vào các lịch trình, chưa xem xét đến giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, giới chức trách Indonesia không loại trừ khả năng tước giấy phép hoạt động tại Indonesia của AirAsia.

Singapore lên tiếng vụ Indonesia AirAsia bị nghi “bay chui“ - 1 

Máy bay của hãng hàng không giá rẻ AirAsia đậu tại sân bay.

Liên quan đến vụ "bay chui", hai cơ quan có liên quan là Cục Hàng không Dân dụng Singapore (CAAS) và sân bay Changi Group (CAG), Singapore - trong hai tuyên bố riêng biệt hôm qua khẳng định, họ đã cấp phép cho AirAsia được bay chặng bay Surabaya-Singapore. 

Với chặng bay Surabaya-Singapore, tại điểm dừng Singapore, Indonesia AirAsia đã xin cấp phép để mở chuyến bay hàng ngày, hạ cánh tại sân bay Changi lúc 8h30 và cất cánh về Surabaya lúc 14h10 kể từ ngày 26.10.2014 đến ngày 28.3.2015.

Theo đó, phía Singapore đã cấp phép cho các chuyến bay của Indonesia AirAsia được hoạt động 4 lần một tuần vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và Chủ Nhật. Hãng hàng không giá rẻ có thể điều chỉnh tần số các chuyến bay của họ để phù hợp với nhu cầu đi lại của hành khách hoặc các hoạt động của hãng.  

Về phần mình, trần tình về cáo buộc "bay chui", ông Sunu Widyatmoko, Giám đốc Điều hành của Indonesia AirAsia tuyên bố, hãng này sẽ hợp tác với các nhà chức trách trong quá trình điều tra liên quan đến chặng bay Surabaya - Singapore. Tuy nhiên, ông này không giải đáp thêm về vụ việc.

Trong khi đó, khi được hỏi về nghi vấn "bay chui" của AirAsia, cựu Tư lệnh Không quân Indonesia Chappy Hakim cho hay, ông không hiểu tại sao Bộ giao thông vận tải lại quyết định đình chỉ tuyến đường bay từ Surabaya đến Singapore của hãng hàng không AirAsia khi phát hiện hãng này vi phạm các điều khoản bay.

"Nếu họ cho rằng AirAsia vi phạm các điều khoản bay khi khởi hành chuyến bay QZ8501  vào ngày Chủ Nhật dù không được phép, thì tại sao ngay từ đầu lịch trình bay lại được duyệt. Thật kỳ cục nếu một chuyến bay có thể cất cánh nếu không được cho phép", tờ Jakarta dẫn lời ông Hakim.

Nghi vấn "bay chui" của Indonesia AirAsia nổi lên khi chính phủ Indonesia quyết tâm điều tra toàn diện về thảm kịch hàng không liên quan đến máy bay QZ8501 của hãng hàng không giá rẻ này. Máy bay QZ8501 bị rơi xuống biển Java hôm 28.12.2014 vừa qua khiến 162 người thiệt mạng.

Trong ngày 4.1 - 8 ngày kể từ khi chuyến bay QZ8501 gặp nạn - khoảng 60 thợ lặn Indonesia đang bắt đầu tìm kiếm thân máy bay của hãng AirAsia. Cơ quan cứu nạn Indonesia đã khoanh vùng tìm xác máy bay tại những nơi có độ sâu khoảng 30 mét. Họ đã phát hiện 4 mảnh vỡ lớn từ thân máy bay trong ngày 3.1, mảnh lớn nhất có thể tích 18 m x 5,4 m x 2,2 m. Các số liệu cho thấy chúng có thể là bộ phận của đuôi máy bay.

Singapore lên tiếng vụ Indonesia AirAsia bị nghi “bay chui“ - 2 

Bản đồ khoanh vùng tìm kiếm máy bay QZ8501 trong ngày 4.1. Khu vực được khoanh màu đỏ là nơi được cho là nhiều khả năng sẽ tìm thấy xác máy bay bị chìm.

Theo giới chức trách Indonesia, điều kiện thời tiết hôm nay có thể khá hơn, tạo thuận lợi cho công tác tìm kiếm. Trước đó, tính đến ngày 3.1, đội tìm kiếm đã trục vớt được 30 thi thể nạn nhân (trong tổng số 162 hành khách và thành viên phi hành đoàn).

Các phương tiện truyền thông ngày 4.1 dẫn một báo cáo của Cơ quan khí tượng Indonesia nhận định, thời tiết xấu là "yếu tố đầu tiên" gây ra vụ tai nạn của chuyến bay QZ8501.

Cơ quan khí tượng Indonesia cho rằng, QZ8501 có thể đã bay vào giữa một đám mây vũ tích.

"Hiện tượng thời tiết có nhiều khả năng nhất là nhiệt độ thấp dẫn đến quá trình đóng băng trên máy bay gây hư hại đến động cơ. Đây chỉ là một trong những khả năng có thể xảy ra dựa trên những dữ liệu khí tượng hiện tại", cơ quan này cho biết.

Theo Phương Đăng (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Máy bay MH370