Người dân nơi đây còn kể rằng, xưa con gái trong làng tắm bằng nước giếng nhiều sẽ khỏe mạnh, có làn da trắng trẻo, tóc mượt và đen như gỗ mun.
Chuyện về hai giếng cổ: Đình Ba và Cổng Đồng tồn tại hàng nghìn năm ở thôn Tam Kỳ, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang, Hưng Yên) đã không còn xa lạ với nhiều người. Nhưng hễ nhắc đến việc nước giếng vẫn đầy ắp và trong vắt thì ai cũng tò mò, ngỡ ngàng. Họ không hiểu vì sao nước ở đó không thay đổi - “nhuốm màu” của thời gian…
Chiếc giếng cổ Cổng Đồng có tuổi đời 1.200 năm từng bị lấp rồi được khôi phục, bảo vệ cẩn thận. Miệng giếng rộng khoảng 1m, có gác chắn bằng các thanh sắt và đậy bằng một tấm tôn có khoét lỗ nhỏ. Đặc biệt, người dân nơi đây đã dành riêng một khu đất để quây thành khuôn viên, có tường rào, cây cảnh, ban thờ.
Cách giếng Cổng Đồng khoảng 200m là chiếc giếng cổ khác có tuổi đời hơn 1.300 năm, nằm trong khuôn viên của một gia đình và cũng được bảo vệ bằng thanh sắt, có nắp đậy. Chiếc giếng này hiện vẫn được sử dụng làm nước sinh hoạt.
Người dân Tam Kỳ đã dành riêng một khu đất để quây giếng cổ thành khuôn viên, có tường rào, cây cảnh, ban thờ...
Bí ẩn về số 7 trong lòng hai giếng cổ
Ông Đặng Xuân Chính (SN 1953) – người dân thôn Tam Kỳ đã bỏ bao công sức tìm hiểu về giếng cổ cho biết, có một điều mà ông cũng như người dân trong thôn rất tò mò, đó là những viên gạch và cối đá xếp quanh lòng giếng đều liên quan đến số 7. Gạch có chiều dày 7cm, chiều ngang 17cm và dài là 27cm; cối đá có chiều cao 17cm, đáy 27cm và miệng cối đá úp xuống là 37cm.
Ông Chính phỏng đoán: “Có lẽ ngày xưa các cụ coi số 7 là con số may mắn nên làm gạch và cối đá đều liên quan đến con số này”.
Ông Chính cho biết thêm, những viên gạch có kích thước liên quan đến số 7 còn gọi là “gạch thất”. Lúc khôi phục lại giếng, ông đã tìm hiểu và biết có một gia đình ở Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) vẫn lưu giữ khuôn đóng loại gạch này nên sang nhờ nười ta đóng, bán cho một ít về để xếp dưới giếng.
Đến giờ người dân thôn Tam Kỳ vẫn chưa “giải đáp” được ý nghĩa của số 7 trong kích thước của những viên gạch và cối đá xếp trong lòng hai giếng cổ. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, người dân nhìn thấy rõ những viên gạch, cối đá xếp so le chồng lên nhau vừa khít, chẳng cần phải vôi vữa nhưng đã trường tồn hàng nghìn năm.
Có một điều mà ông Chính cũng như người dân Tam Kỳ rất tò mò, đó là những viên gạch và cối đá xếp quanh lòng giếng đều liên quan đến số 7.
Kỳ lạ nước giếng chỉ vơi chứ không bao giờ cạn
Khi chưa có nước máy, hai giếng cổ luôn nhộn nhịp người ra kẻ đến gánh nước sinh hoạt, tắm giặt… Ông Chính từng cho biết, hồi còn nhỏ, ông cùng bạn bè đồng trang lứa hễ đi chăn trâu về mệt và khát liền vục chiếc nón xuống múc nước giếng lên uống.
“Nước ở giếng cổ ngọt và mát lắm. Dù nó là nước lã nhưng không hề khiến người uống bị đau bụng. Thậm chí ai đang mệt uống vào sẽ tỉnh táo cả người”, ông Chính nói.
Có năm khu vực Văn Giang gặp hạn hán lớn, ao hồ mọi nơi cạn kiệt, giếng khơi của nhiều nhà hết nước nhưng hai giếng cổ ở thôn Tam Kỳ vẫn đầy ắp nước. Người dân quanh vùng hay tin đã đến xin nước, xếp hàng lần lượt múc đầy các chậu, thau, thùng… mang về nhà sử dụng. “Nhiều người đến xin nhưng kỳ lạ nước giếng chỉ vơi đi chứ không bao giờ cạn kiệt”, ông Chính cho hay.
Người dân nơi đây còn kể rằng, xưa con gái trong làng tắm bằng nước giếng nhiều sẽ khỏe mạnh, có làn da trắng trẻo, tóc mượt và đen như gỗ mun. Bởi nước giếng sạch, không ô nhiễm nên dùng nước sẽ đỡ bệnh tật, da dẻ không mụn nhọt…
Nước giếng chỉ vơi chứ không bao giờ cạn và được người dân bảo vệ, giữ gìn.
Được biết, giếng cổ còn gắn với di tích Quán Dố - một ngôi miếu cổ, thờ Ma Lỗ Đại Vương. Theo lệ làng, cứ đến tháng sáu âm lịch, dân làng tổ chức lễ rước nước từ giếng ngọc về Quán Dố để cầu mưa. Khi ấy, các cụ cao niên trong làng sẽ khăn áo chỉnh tề, trai tráng thì vác kiệu, vác lọng, bê ché ra trước giếng, xin Thần giếng cho nước thiêng về thờ tại Quán Dố, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Vì thế, sau này dù có một khoảng thời gian bị vùi lấp, nước giếng không được sử dụng để ăn uống như xưa, nhưng người Tam Kỳ vẫn quý trọng giếng như bảo vật. Năm 2012, khi tôn tạo lại giếng, người góp đất, người góp công, người góp tiền giữ cho giếng một khoảng trời riêng bên cổng làng, để bảo tồn giá trị văn hóa xưa cũ.
Năm 2016, Quán Dố cũng được tôn tạo. Bắt đầu từ tháng sáu âm lịch năm 2017, dân làng đã khôi phục lại lễ rước nước, cầu mưa.