"Số phận" siêu doanh nghiệp vốn điều lệ hàng trăm nghìn tỷ của những "vị đại gia bí ẩn" bây giờ ra sao?

Ngày 24/08/2021 22:00 PM (GMT+7)

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp mới được thành lập với vốn điều lệ đăng ký lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng khiến nhiều người kinh ngạc.

Những "siêu doanh nghiệp" với số vốn hàng trăm nghìn tỷ gây xôn xao

Dư luận những ngày qua không khỏi xôn xao trước thông tin một doanh nghiệp "không tên tuổi" có tổng tài sản trên sổ sách ghi nhận tới 127.902 tỷ đồng (5,5 tỷ USD) tại thời điểm cuối năm 2020.

Không có bất cứ thông tin nào về Công ty cổ phần tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu tại số 143 Trích Sài. (Ảnh: Người Lao Động).

Không có bất cứ thông tin nào về Công ty cổ phần tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu tại số 143 Trích Sài. (Ảnh: Người Lao Động). 

Đó là Công ty cổ phần tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu (gọi tắt Công ty Toàn Cầu) được thành lập ngày 9/11/2018, đăng ký trụ sở chính tại 143 Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội.

Mặc dù đăng ký trụ sở tại địa chỉ số 143 Trích Sài (Hà Nội). Tuy nhiên, trên thực tế, địa chỉ này không có Công ty Toàn Cầu nào.

Theo tin trên Người Lao Động, tại địa chỉ số 143 Trích Sài chỉ có gắn biển dịch vụ "rửa ô tô, xe máy ngày đêm" ở cổng, không có bất cứ thông tin biển hiệu gì về siêu doanh nghiệp trăm nghìn tỷ Toàn Cầu. Bên trong là một căn nhà cấp 4 khóa kín cửa.

Người dân sống tại khu vực cho biết, hoạt động rửa ô tô, xe máy ở đây cũng đã dừng từ lâu, hiện căn nhà cấp 4 bên trong không có người ở.

Trước đó, theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Toàn Cầu do ông Bùi Văn Việt (SN 1953, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.

Ông Bùi Văn Việt còn đại diện cho Công ty TNHH Liên doanh Việt Pháp (Hà Giang) và Xí nghiệp Mây tre lá của Thương binh và Người tàn tật (Hà Nội).

Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty Toàn Cầu là xây dựng nhà không để ở (dịch vụ xây dựng nhà xưởng, bệnh viện, trường học, nhà làm việc, khách sạn, cửa hàng, nhà hàng, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe). Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có các ngành nghề khác như: Lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống sưởi và điều hoà không khí, sản xuất kim loại quý và kim loại màu, dịch vụ phục vụ đồ uống, thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu hàng hóa....

Theo tìm hiểu, ban đầu thành lập Công ty Toàn Cầu có vốn điều lệ 132 tỷ đồng, với 5 cổ đông sáng lập. Theo Vietnamfinance, tháng 6/2019, Công ty Toàn Cầu thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Đồng thời xuất hiện cổ đông nước ngoài có địa chỉ tại Mỹ với tỷ lệ sở hữu 40% cổ phần (tương đương 52,8 tỷ đồng).

Công ty sau đó tiếp tục công bố thông tin tăng vốn điều lệ lên 127.902 tỷ đồng (tương đương 5,5 tỷ USD, tăng gấp 969 lần) và duy trì cho đến nay. Trong đó, vốn nước ngoài chiếm 51.161 tỷ đồng, vốn trong nước là 76.741 tỷ đồng.

Ông Việt hiện đang cư trú tại xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Theo thông tin từ Dân trí, đại diện Công an xã Trường Yên cho biết: "Ông này là người bình thường, có phải đại gia, doanh nhân gì đâu. Nếu có chính quyền biết ngay, ông này hiện chỉ ở nhà, xe ô tô không có...

Ngôi nhà của ông Việt ở quê

Ngôi nhà của ông Việt ở quê

Qua tìm hiểu từ cán bộ địa phương, ông Việt là người kinh doanh tạp hóa bình thường, thông tin ông này góp vốn hàng chục đến hàng chục nghìn tỷ đồng cho một doanh nghiệp tại Hà Nội là chuyện hết sức bất ngờ".

Ngôi nhà ông Việt đang sống là căn nhà cấp 4 khoảng 50 m2, nằm sâu tận trong ngõ của thôn Yên Trường 2, xã Trường Yên. Người dân sống quanh nhà ông Việt lại khẳng định: "Ông ấy làm gì có nhiều tiền đến thế mà làm tổng giám đốc "siêu" công ty, đến tiền xây nhà, mua xe còn không có…".

Mới đây, ông Việt đã chính thức lên tiếng về "siêu doanh nghiệp" cũng như hoạt động của doanh nghiệp này. Cụ thể, trên tờ Dân Việt, ông Việt cho biết: "Tôi chính là Tổng Giám đốc của Công ty CP Tập đoàn đầu tư và thương mại Toàn Cầu trụ sở tại số 143 Trích Sài. Hiện nay công ty có số vốn điều lệ gần 128 nghìn tỷ đồng và tôi đang nắm giữ 18% số vốn, nhưng chỉ là trên đăng ký giấy tờ...

Năm 2018 tôi cùng 4 người khác thành lập ra Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư và thương mại Toàn Cầu với vốn điều lệ ban đầu là 132 tỷ đồng. Đến năm 2019, ông D.A.P Việt Kiều Mỹ tham gia vào công ty và nâng vốn điều lệ của công ty lên gần 12.000 tỷ đồng và nắm giữ 40% cổ phần và là Chủ tịch HĐQT.

Theo kế hoạch, sau khi góp vốn các cổ đông sẽ bằng cách nào đó để nhường lại 1 số cổ phần cho ông D.A.P, để ông ấy nắm giữ 60% vốn, phần còn lại là chúng tôi nắm giữ. Tuy nhiên, vốn điều lệ gần 128 nghìn tỷ chỉ là đăng ký, ông D.A.P chưa "đổ" tiền về... Nếu các cổ đông không có tiền góp vốn thì vay hoặc D.A.P sẽ đóng hộ", ông Việt thông tin.

Căn nhà ở thành phố Thủ Đức nơi ông Nguyễn Vũ Quốc Anh sinh sống và đặt trụ sở một số công ty của mình

Căn nhà ở thành phố Thủ Đức nơi ông Nguyễn Vũ Quốc Anh sinh sống và đặt trụ sở một số công ty của mình

Trước đó, vào hồi cuối tháng 5/2021, công chúng được dịp xôn xao trước thông tin một 8x lập siêu công ty, đăng ký góp vốn... 525.000 tỷ đồng. Đó là CTCP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group) có trụ sở chính tại tầng 46, toà nhà Bitexco Financial Tower vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng; và CTCP Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn Cầu (GAB Group) vốn điều lệ 25.000 tỷ đồng, trụ sở tại tầng 72, toà nhà Landmark 81. Cả hai công ty cùng được thành lập trong ngày 20/5/2021. Theo thông tin đăng ký, người dự kiến góp 99,99% cổ phần vào các công ty mang tên Nguyễn Vũ Quốc Anh.

Sau đó, Nguyễn Vũ Quốc Anh tiếp tục gây chú ý với truyền thông bằng việc thường xuyên đăng tải thông tin tuyển dụng, họp báo công bố kế hoạch doanh nghiệp. Trong buổi livestream trên YouTube trước đó, Nguyễn Vũ Quốc Anh còn tự tin tuyên bố: "Mọi người mong chờ sau 3 tháng trong tài khoản ngân hàng của công ty tôi có 21,7 tỷ USD hoặc hơn. Dĩ nhiên tôi có rất nhiều nguồn, nhiều cái mang về dòng tiền. Chúng tôi không phải đi tìm khách hàng, mà sẽ có một "đám khách" luôn. Vài triệu khách hàng về một lúc luôn. Con số đó là đã ra số tiền rồi đấy".

Khi tìm hiểu về nhà ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, vị CEO này đang sinh sống tại căn nhà cấp 4 giản dị tọa lạc ở một khu dân cư phường Phước Bình, thành phố Thủ Đức, TPHCM.

Bên ngoài ngôi nhà có gắn biển của một công ty nhân sự. Doanh nghiệp được thành lập ngày 27/4, có vốn điều lệ 1 tỷ đồng, khiêm tốn nhất trong "hệ sinh thái" 17 công ty của CEO 35 tuổi theo chính chia sẻ của ông.

Một số hàng xóm xác nhận ông Quốc Anh cùng gia đình đã sống tại khu vực này từ lâu. Tuy nhiên, họ hoàn toàn bất ngờ trước thông tin cá nhân này vừa lập một công ty vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Đến sáng ngày 18/8 – hạn cuối để góp vốn theo quy định pháp luật, doanh nghiệp của Nguyễn Vũ Quốc Anh vẫn chưa hề có động thái gì.

Theo Dân trí, nguồn tin từ Sở KH&ĐT cho biết: "Chúng tôi sẽ chờ hết ngày để nhận thông tin góp vốn như hồ sơ đăng ký. Nếu hết ngày mà doanh nghiệp không thực hiện, chúng tôi thông báo cho người đại diện doanh nghiệp biết để thực hiện các nghĩa vụ về điều chỉnh vốn. Hiện nay, vẫn chưa có động thái gì cả".

Siêu doanh nghiệp trăm nghìn tỷ: Đừng mang pháp luật ra đùa

Liên quan đến việc đăng ký góp vốn khi thành lập doanh nghiệp, trên CafeF, luật sư Nguyễn Đăng Tư cho biết Luật Doanh nghiệp quy định các cổ đông khi đăng ký góp vốn không bắt buộc phải góp vốn ngay, không bắt buộc phải chứng minh có khả năng tài chính để thực hiện việc góp vốn. Đây là các quy định nhằm khuyến khích quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Do không quy định bắt buộc ngày góp vốn cụ thể mà chỉ quy định góp đủ trong vòng 90 ngày, nên điểm d, khoản 3, Điều 113 Luật Doanh nghiệp quy định thêm là trong thời hạn 30 ngày tiếp theo, nếu không góp đủ thì doanh nghiệp phải đăng ký giảm vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp. Sau 60 ngày tiếp theo, nếu không có động thái góp đủ vốn, doanh nghiệp phải làm thủ tục hủy đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. Bước cuối cùng, nếu doanh nghiệp, cá nhân, pháp nhân không thực hiện các quyền được pháp luật cho phép sẽ bị xử lý phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Đây chính là kẽ hở để thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp đã đăng ký vốn điều lệ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng trong khi khả năng tài chính thực sự không đủ.

"Doanh nghiệp thoải mái đăng ký mà không vi phạm quy định của pháp luật, chỉ cần kết thúc thời gian góp vốn đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, nếu không góp đủ thì đăng ký giảm vốn điều lệ là xong", luật sư cho hay.

Tuy nhiên, Luật quy định các cổ đông phải góp đủ vốn điều lệ theo đăng ký trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Theo điểm d khoản 3, Điều 113 Luật Doanh nghiệp quy định thêm là trong thời hạn 30 ngày tiếp theo, nếu không góp đủ thì doanh nghiệp phải đăng ký giảm vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp. 

Sau 60 ngày tiếp theo, nếu không có động thái góp đủ vốn, doanh nghiệp phải làm thủ tục hủy đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. Bước cuối cùng, nếu doanh nghiệp, cá nhân, pháp nhân không thực hiện các quyền được pháp luật cho phép sẽ bị xử lý phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng (theo Khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP).

"Hiện nay, có không ít doanh nghiệp tùy tiện trong việc đăng ký số vốn điều lệ, việc đăng ký vốn điều lệ đôi khi như để "lòe" thiên hạ thay vì phản ánh đúng năng lực tài chính của doanh nghiệp. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải giám sát chặt chẽ việc góp vốn của doanh nghiệp xem họ có thực sự góp đủ vốn theo đăng ký hay không? Ngoài ra, cũng cần phải nâng cao mức xử phạt nếu doanh nghiệp không làm thủ tục giảm vốn điều lệ, mức phạt từ 10 – 20 triệu hiện nay đang áp dụng là quá thấp, rất dễ dẫn đến việc doanh nghiệp "nhờn" luật", một vị luật sư nêu quan điểm.

Đại gia Việt dự đoán 10 ngành nghề phát triển thần tốc sau dịch COVID-19, CĐM vỗ tay tán thưởng
Mặc dù dự đoán của doanh nhân Nguyễn Trương Tuyến chỉ mang tính chất cá nhân, có chút hài hước vui vẻ nhưng lại thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng...

Đại gia tỷ phú

Theo K.N
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h