Sốc nhiệt dễ bị tổn thương não, tim …và tử vong

Ngày 05/06/2016 11:55 AM (GMT+7)

Theo các bác sĩ, nếu nạn nhân bị sốc nhiệt mà không được phát hiện, cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, thậm chí là tử vong.

Sốc nhiệt gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Trong những ngày vừa qua, miền Bắc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đang trải qua đợt nắng nóng đỉnh điểm và kéo dài với nhiệt độ ngoài trời có thời điểm lên đến trên 40 độ C. Với điều kiện thời tiết như vậy, những người thường xuyên phải di chuyển hoặc làm việc dưới ánh nắng mặt trời rất dễ bị sốc nhiệt. Nếu không được phát hiện và phát hiện kịp thời, sốc nhiệt sẽ để lại những biến chứng và hậu quả nặng nề.

Theo Ths.BS Lương Quốc Chính – Khoa Cấp cứu (A9), Bệnh viện Bạch Mai, sốc nhiệt là tình trạng gây ra bởi cơ thể quá nóng, thường do tiếp xúc kéo dài hoặc gắng sức ở nhiệt độ cao. Đây là hình thái tổn thương do nhiệt nghiêm trọng nhất, sốc nhiệt có thể xảy ra nếu nhiệt độ cơ thể tăng lên đến 40 độ C hoặc cao hơn.

Sốc nhiệt cần được điều trị cấp cứu, nếu bị sốc nhiệt mà không được điều trị có thể nhanh chóng gây tổn thương não, tim, thận và cơ. Tổn thương càng nặng nếu điều trị càng muộn, làm tăng nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng và tử vong.

Sốc nhiệt dễ bị tổn thương não, tim …và tử vong - 1

(Ảnh minh họa)

Theo BS Chính, dấu hiệu chính của sốc nhiệt là nhiệt độ cơ thể lớn hơn hoặc bằng 400C. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như thấy da nóng và khô khi chạm vào, trong trường hợp sốc nhiệt do gắng sức, bạn sẽ cảm thấy da ẩm ướt. Thậm chí có người còn cảm thấy khó chịu, bồn nôn, da ửng đỏ…

Nói về nguyên nhân bị sốc nhiệt, BS Chính cho biết, bất cứ ai cũng có thể bị sốc nhiệt và những yếu tố nguy cơ bao gồm tuổi tác. Theo đó, khả năng đối phó với nhiệt độ khắc nghiệt phụ thuộc vào sức chịu đựng của hệ thần kinh trung ương.

Ở trẻ em, hệ thần kinh trung ương phát triển chưa đầy đủ, và ở người lớn trên 65 tuổi, hệ thần kinh trung ương bắt đầu bị thoái hóa khiến cho cơ thể không đủ khả năng đối phó với sự thay đổi nhiệt độ cơ thể. Cả hai nhóm tuổi này thường gặp khó khăn trong việc giữ nước cũng đã khiến làm tăng nguy cơ sốc nhiệt.

Một số yếu tốc nguy cơ khác là việc gắng sức trong thời tiết nóng, đột ngột tiếp xúc với thời tiết nắng nóng, thiếu điều hòa không khí và những người mắc một số bệnh lý mãn tính như bệnh tim hoặc bệnh phổi, có thể làm tăng nguy cơ sốc nhiệt. Một số tình trạng khác như béo phì, ít vận động và có tiền sử sốc nhiệt trước đây cũng có thể làm tăng nguy cơ sốc nhiệt.

Phải làm gì khi bị sốc nhiệt?

Khi phát hiện thấy người bị sốc nhiệt, BS Chính cho biết cần phải gọi cấp cứu ngay lập tức, đồng thời làm mát cho nạn nhân trong thời gian đợi cấp cứu. Theo đó, việc cần làm ngay đó là: Đưa nạn nhân vào bóng râm hoặc vào trong nhà; Cởi bỏ bớt quần áo cho nạn nhân; Làm mát cho nạn nhân bằng bất cứ phương tiện nào có sẵn như: đặt nạn nhân vào bồn nước mát hoặc để nạn nhân dưới vòi tắm hoa sen nước mát,  xịt nước mát lên người nạn nhân bằng vòi tưới cây, lau người nạn nhân bằng nước mát…

Theo BS Chính, khi nạn nhân bị sốc nhiệt việc hạ nhiệt tại nhà với các biện pháp như trên là chưa đủ, mà cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, tại đó các bác sĩ sẽ có những thăm khám, xét nghiệm, chụp chiếu…từ đó mới quyết định sử dụng phương pháp điều trị nào để tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra với người bệnh.

Cuối cùng, để không bị sốc nhiệt trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, các bác sĩ khuyến cáo người dân hoàn toàn có thể tự dự phòng bằng cách, mặc đồ rộng rãi, quần áo nhẹ và bảo vệ cơ thể không bị cháy nắng. Bởi, cháy nắng ảnh hưởng tới khả năng tự làm mát, do vậy phải tự bảo vệ mình khi đi ra ngoài bằng đội mũ rộng vành, đeo kính râm và sử dụng kem chống nắng …

Một số biện pháp khác là, bù đủ nước sẽ giúp cơ thể đổ mồ hôi và duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường. Đặc biệt, không bao giờ để bất cứ ai ở lại trong xe ô tô đang đỗ. Theo các bác sĩ, đây là nguyên nhân phổ biến gây tử vong liên quan tới nhiệt ở trẻ em.

Khi đỗ xe dưới ánh nắng mặt trời, nhiệt độ trong xe ô tô có thể tăng thêm 6,7 độ C trong vòng 10 phút. Bởi vậy, sẽ là rất nguy hiểm nếu để ai đó trong xe ô tô đang đỗ dưới thời tiết ấm hoặc nóng, ngay cả khi cửa kính xe bị rạn nứt (hoặc hé mở) hoặc xe được đỗ trong bóng râm.

Ngoài ra, mọi người nên nghỉ ngơi trong khoảng thời gian nóng nhất trong ngày và hạn chế thời gian làm việc hoặc luyện tập trong điều kiện nóng cho tới khi cơ thể thích nghi với nó. Những người không thường xuyên tiếp xúc với thời tiết nóng rất dễ mắc bệnh liên quan tới nhiệt.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự