Trên phim ảnh, tài liệu, Hoàng đế Napoleon thường được khắc họa là một chàng lùn lạch bạch. Nhiều người tò mò thực sự chiều cao thực tế của ông như thế nào?
Từ xưa đến nay, thể chất và hình thể của nam giới luôn đóng vai trò quan trọng về mặt tâm lý với phái mạnh. Thậm chí đến mức đối với cánh mày râu có chiều cao khiêm tốn, họ còn hay nửa đùa nửa thật rằng “chiều cao của đàn ông tính từ đỉnh đầu cho đến trời”. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng to lớn của chiều cao đến sự tự tin của đàn ông.
Tuy nhiên, một trong những vị Hoàng đế vĩ đại nhất lịch sử nước Pháp – Napoleon Bonaparte lại nổi tiếng với sự nhỏ con của mình. Mọi người thực sự tin rằng nhà lãnh đạo quân sự đại tài người Pháp là một người đàn ông hung hãn chinh phục các quốc gia khác để trút nỗi bức xúc liên quan đến chiều cao của mình. Nhưng sự thật là Napoleon thực sự có chiều cao được đánh giá ở mức tầm trung vào thời đó. Vậy điều nhầm lẫn này do đâu mà có?
Những tin đồn bắt đầu vì một số lý do. Biệt danh của ông ấy, “le petit caporal” (hạ sĩ nhỏ), thực sự chỉ là một thuật ngữ để tỏ lòng quý mến chứ không phải là một lời châm chọc đối với chiều cao của Napoleon. Tuy nhiên, kẻ thù vị Hoàng đế Pháp đã sử dụng nó để chống lại ông.
Trên thực tế, các quốc gia khác đã tạo ra các hoạt động tuyên truyền cả trước và sau khi vị Hoàng đế Pháp qua đời để duy trì tin đồn rằng ông cực kỳ lùn. Lúc này chiều cao của ông trở thành trung tâm của mọi lời xỉ nhục và tuyên truyền: "Kẻ cấp dưới nhỏ bé", "Nhóc con", "Người bé trọc", "Thằng lùn". Ngay cả Victor Hugo, người từng có một thời ghen tị với gia đình Bonaparte, đã viết cuốn sách mang tựa đề “Napoleon le petit" (Napoleon nhỏ con). Tạo ra một hình ảnh trong tâm trí công chúng về một Hoàng đế gần như "người lùn".
Ngoài ra, ông còn hay được vây quanh bởi những thống lĩnh quân đội cao to. Ví dụ như một người có chiều cao 1m80 đứng bên cạnh một người khác có chiều cao 2m15, ta sẽ nói người đầu tiên có chiều cao 1m80 là lùn. Trong khi đó, nếu có một người khác có chiều cao 1m60 đứng bên cạnh người đầu tiên, lần này ta sẽ nói người có chiều cao 1m80 là quá cao. Vì vậy, trong các bức hoạ đứng giữa các thống tướng của mình, Napoleon gần như bị lọt thỏm.
Một yếu tố khác cũng có thể đã ảnh hưởng đến sự nhầm tưởng của mọi người về chiều cao của Napoléon. Vào thời điểm ông qua đời, người Pháp có thể đã ghi lại chiều cao của ông bằng đơn vị đo lường của Pháp thay vì là của Anh, tuy cùng là ft (feet) nhưng thực tế có sự chênh lệch đáng kể. Họ cho rằng ông cao 5,2 ft (157cm), nhưng có lẽ thực tế khoảng 5,65 ft (168cm), một chiều cao hoàn toàn bình thường ở thời đại lúc bấy giờ. Khi đó chiều cao trung bình của đàn ông Pháp là 1,64 m, còn đàn ông Anh là 1,68 m.
Chiều cao và tính cách hiếu chiến của Napoleon nổi tiếng đến mức ngày nay có định nghĩa được gọi là ”phức cảm Napoleon” để chỉ xu hướng tâm lý yêu bản thân quá mức, dễ nóng nảy ở những người đàn ông thấp bé. Thuật ngữ được xác định vào năm 1926 bởi nhà phân tâm học người Áo Alfred Adler giả định rằng những người tự cảm thấy mình ít nam tính (thường là thấp lùn), sẽ bù đắp những khuyết điểm bằng cách la hét, nói to, tìm kiếm sự chú ý và hăm hở chứng tỏ bản thân hoặc đầy tham vọng, quyền lực, thích chiến tranh và chinh phục.
Một số người nổi tiếng ngày nay thấp hơn Napoleon Bonaparte:
Nam diễn viên hài Kevin Hart: Chiều cao: 1m57
“Cậu bé Harry Potter” - Daniel Radcliffe: Chiều cao: 1m65
Nam ca sĩ Bruno Mars: Chiều cao: 1m65
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy: Chiều cao: 1m65