Không có người định cư, điều kiện thời tiết khắc nghiệt và những tảng băng trôi khổng lồ như những tòa nhà chọc trời, Nam Cực có lẽ là lục địa hấp dẫn nhất trái đất.
Một chuyến viếng thăm sa mạc băng giá sâu rộng này đảm bảo sẽ là một cuộc phiêu lưu khó quên. Những năm gần đây, Nam Cực trở nên dễ tiếp cận hơn. Trong giai đoạn 2019-2020 đã có hơn 74.000 khách du lịch đến thăm lục địa này. Vậy vùng đất này có những điều gì thú vị?
Có tỷ lệ nước ngọt cao nhất thế giới
Là nơi lạnh nhất Trái đất nhưng Nam Cực cũng chứa lượng nước ngọt lớn nhất thế giới với khoảng 85% lượng nước ngọt của hành tinh này bị khóa trong dải băng rộng lớn ở đây. Dải băng đó bao phủ hàng triệu km vuông cao nguyên, thung lũng và các dãy núi ở Nam Cực và chỉ 1% nơi này không có băng. Có những điểm mà lớp băng ở Nam Cực dày hơn 4 km, tức là bằng một nửa chiều cao đỉnh Everest. Hãy tưởng tượng nếu lớp băng này tan chảy thì mực nước biển trên khắp hành tinh sẽ dâng cao khoảng 76 m.
Có ai sống ở Nam Cực?
Một trong những điều mà nhiều người chưa biết đó là Nam Cực không có bất kỳ cư dân bản địa nào. Điều đó có nghĩa là dân số ở Nam Cực gần như bằng 0. Nó không chỉ xa xôi mà còn không thể ở được vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Do đó, chỉ có các nhà khoa học và nhà nghiên cứu sống ở lục địa này. Dù không có người ở nhưng Nam Cực vẫn có nhiều cơ sở khoa học nằm rải rác với những quy mô khác nhau, từ 10-1.500 người.
Ai sở hữu Nam Cực?
Bạn có biết Nam Cực không thuộc sở hữu của một quốc gia nào cụ thể? Vào năm 1959, 12 quốc gia đã ký kết một một hiệp ước, theo đó Nam Cực được quản lý thông qua Hệ thống Hiệp ước Nam Cực quốc tế . Tuy nhiên, điều thú vị là Nam Cực có 7 quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên lục địa, bao gồm Na Uy, Chile, Pháp, Úc, Argentina, Vương quốc Anh và New Zealand. Bản thân hiệp ước có hiệu lực vào năm 1961, và kể từ đó, nhiều quốc gia khác đã bỏ phiếu ủng hộ hiệp ước này.
Nam Cực từng vô cùng ấm áp
Với nhiệt độ xuống thấp tới -89,2°C, thật khó để tưởng tượng rằng thời tiết ở Nam Cực đã từng giống như thời tiết của một quốc gia nhiệt đới. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 80-90 triệu năm trước, nhiệt độ ở Nam Cực lên tới 25°C. Các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch ở Nam Cực cho thấy lục địa này được bao phủ bởi những khu rừng tươi tốt, rậm rạp và thậm chí là nơi sinh sống của khủng long.
Là nơi có nhiều núi lửa
Một trong những sự thật đáng kinh ngạc nhất của Nam Cực là đây là nơi có nhiều núi lửa và 2 trong số chúng thậm chí còn đang hoạt động. Núi Erebus - nằm trên đảo Ross, là ngọn núi lửa cao thứ hai ở Nam Cực. Nó có một số đặc điểm độc đáo như tượng băng xoắn và lỗ phun khí băng hình thành xung quanh khí thoát ra từ lỗ thông hơi gần miệng núi lửa. Ngọn núi lửa đang hoạt động thứ hai nằm trên Đảo Deception - nơi đây từng là nơi tọa lạc của một trạm khoa học phát triển mạnh nhưng đã bị bỏ hoang do một vụ phun trào núi lửa vào năm 1969.
Không có động vật có vú trên cạn, cũng chẳng có bò sát
Nhiều người nghĩ rằng có rất nhiều gấu Bắc Cực được tìm thấy ở Nam Cực nhưng thực tế thì chẳng có bất kỳ loài động vật có vú trên cạn nào sống được ở đây.
Nam Cực cũng không có quần thể bò sát như các lục địa khác. Bò sát là sinh vật máu lạnh, do đó chúng cần nhiệt từ môi trường để giữ ấm, nghĩa là chúng cần mặt trời và các nguồn nhiệt khác. Vì Nam Cực là vùng băng giá nên không có loài bò sát nào có thể tồn tại trên lục địa này. Có thể nói rằng Nam Cực là lục địa duy nhất trên Trái đất không có bò sát.
Tuy nhiên, Nam Cực lại là nhà của 8 loài chim cánh cụt. Loài này luôn đi theo nhóm nên nếu may mắn bạn có thể bắt gặp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con chim cánh cụt xung quanh. Ngoài ra, Nam Cực còn có cá voi xanh, cá voi lưng gù, cá mập, cá nhà táng, các loài hải cẩu và vô số loài chim biển.
Có rất nhiều kim tự tháp
Nam Cực có rất nhiều kim tự tháp nhưng tất nhiên là chúng khác với kim tự tháp Ai Cập. Đây là những cấu trúc giống như kim tự tháp và là kết quả của hàng triệu năm xói mòn của mẹ thiên nhiên. Mặc dù các kim tự tháp ở Nam Cực không có tên chính thức nhưng chúng là một số đỉnh núi tạo nên dãy Ellsworth và được phi công Mỹ Lincoln Ellsworth phát hiện vào năm 1935.
Không có múi giờ cụ thể
Nam Cực trải qua 6 tháng ban ngày liên tục vào mùa hè và 6 tháng chìm trong bóng tối vào mùa đông. Lục địa này không có múi giờ cụ thể và các chuyên gia làm việc tại đây sẽ căn cứ vào múi giờ của quốc gia mà họ khởi hành. Chính vì vậy, họ có thể gặp rắc rối về thời gian khi cần chia sẻ dữ liệu cho nhau.
Thác máu bí ẩn
Nam Cực được biết đến với lớp tuyết phủ trắng tinh khôi nhưng có một phần nổi bật với màu đỏ như máu, được biết đến với tên Thác máu. Hiện tượng độc đáo này được các nhà khoa học phát hiện lần đầu vào năm 1911. Khi ấy, họ nhận thấy một phần vách đá nhuộm màu đỏ sẫm không lý do và là thác nước chảy ra từ sông băng Taylor ở thung lũng khô McMurdo. Sau đó, họ tin rằng sự đổi màu của nước là do một loại tảo bên trong. Tuy nhiên, không có bằng chứng để xác minh điều này.
Thác máu không chỉ khác thường về màu sắc mà còn thu hút sự chú ý bởi nó chảy liên tục giữa nơi lạnh nhất Trái đất mà không bị đóng băng. Phải đến năm 2017, các chuyên gia mới khẳng định màu đỏ trong nước là do sắt và natri phản ứng với oxy khi tiếp xúc với nước. Về cơ bản, đây là hiện tượng sắt bị oxy hóa tự nhiên, khiến sắt có màu đỏ thẫm khi bị gỉ.
Làm thế nào để đến Nam Cực
Ngày nay, việc du lịch đến Nam Cực đã dễ dàng hơn rất nhiều. Trước đây, để đến được lục địa này bạn phải cắt bỏ ruột thừa và nhổ răng khôn dù các bộ phận này không có vấn đề gì. Mọi người phải làm như vậy để tránh những sự cố về sức khỏe ngoài ý muốn, vượt quá khả năng xử lý.
Vào năm 1950, một bác sĩ người Úc bị viêm ruột thừa trên đảo Heard của Nam Cực nên từ đó mới có quy định trên. Hiện tại, muốn đến lục địa này thì không cần phải nhổ răng khôn, trừ khi bác sĩ xác định chúng có vấn đề. Để tới Nam Cực, bạn cần đến Punta Arenas (Chile) hoặc Buenos Aires (Argentina). Đây là 2 thành phố quốc tế chính thực hiện hầu hết các chuyến đi đến Nam Cực.