Từ lúc sinh ra cho đến nay, 15 năm tròn, nhưng cậu bé Quách Đình Dương (SN 1999) ở xóm 1, xã Thanh Xã, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương chưa bao giờ đụng đến hạt cơm hay cọng rau xanh nào. Thức ăn chính của em là mì tôm, sữa và bánh kẹo...
“Sập” quán tạp hóa vì con chỉ ăn... mì tôm
Đã nhiều năm qua, người dân ở xã Thanh Xã không còn xa lạ với cậu bé Quách Đình Dương, được gọi là “dị nhân” của xứ vải này. Trong 15 năm, Dương chưa bao giờ biết mùi vị của hạt cơm, không bao giờ dám động đến cọng rau xanh nào. Mì tôm, bánh kẹo và sữa là món ăn của cậu bé này.
Quách Đình Dương đang học lớp 10 và là con thứ hai của anh Quách Đình Tùng (44 tuổi) và chị Cao Thị Tình (40 tuổi). Theo lời chị Tình, từ nhỏ đến nay, Dương không động đến cơm hay các món ăn được chế biến thuần từ gạo như cháo trắng, xôi, bánh chưng…
“Lúc nhỏ, khi cháu bắt đầu ăn dặm, cũng như bao người mẹ khác, tôi nấu cháo bằng gạo trắng cho cháu ăn. Tuy nhiên, cứ đưa thìa cháo vào miệng là cháu khóc thét lên rồi nôn trớ ra hết. Thời gian đầu, cứ ngỡ do cháu chưa quen nên vậy, nhưng nhiều ngày tháng sau đó cháu Dương đều có biểu hiện như lần đầu tiếp xúc với cháo”, chị Tình nhớ lại.
Không có cách nào ép con ăn được, thương con đói, chị luôn phải cho cháu uống nhiều sữa để bù lại và nuôi hy vọng khi lớn lên cháu sẽ ăn được cơm. Tuy nhiên, chị và gia đình thực sự lo lắng cho con khi cháu Dương có biểu hiện sợ cơm. “Mỗi lần nhìn thấy cơm là Dương đi chỗ khác, không ai có thể ép cháu ăn cơm, dù chỉ một hạt. Không chỉ vậy, chỉ cần nhìn thấy đũa, thìa của ai đã từng chạm đến cơm trước đó mà lấy thức ăn cho Dương, cậu đều không ăn thức ăn đó”, Tình kể tiếp.
Quách Đình Dương, đang học lớp 10, chưa bao giờ biết mùi vị của hạt cơm, không bao giờ dám động đến cọng rau xanh nào.
Do lúc đó Dương còn nhỏ, nên vợ chồng chị Tình đều không nghi ngờ gì và cứ để mọi sự tự nhiên như vậy. Cuộc sống gia đình gặp nhiều sóng gió, chị Tình phải đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan. Thời gian này, Dương được gửi sang bên bà ngoại ở 6, 7 năm, Dương cũng chỉ ăn những gói cháo được đóng sẵn và bán ngoài quán. Ngoài ra, Dương được bà mua bánh, sữa để ăn thêm. Sau này lớn lên thì bữa chính của Dương chủ yếu là mì tôm.
Thời đó, vợ chồng chị Tình có quán bán tạp hóa ở ven đường, do Dương không ăn được cơm hay cháo nên bao nhiêu mì tôm, sữa, bánh đều dành cho con hết. “Quán tạp hóa có buôn bán lợi nhuận cũng chả được bao nhiêu, nhưng mỗi ngày con ăn mấy gói mì, mấy hộp sữa, mấy hộp bánh thì tôi chính thức dẹp quán vì chả lãi được đồng nào”, chị Tình cười vui nói.
Nhớ lại những lần “đánh lừa” con để tập cho con quen dần với cơm, chị Tình nói: “Có hôm tôi và bà ngoại cháu đã lấy cơm nhét vào giữa miếng giò để cháu không nhìn thấy rồi ăn. Nhưng khi phát hiện ra có cơm bên trong, cháu hét lên như thể nhìn thấy sâu bọ vậy và ném miếng giò đi, không ăn nữa”.
Chưa hết ngạc nhiên, chị Tình còn cho biết: “Ngoài các món ăn liên quan đến gạo thì liên quan đến các loại rau xanh Dương cũng không ăn được. Từ nhỏ đến giờ, suốt 15 năm ròng, cháu chưa hề ăn một loại rau xanh nào”.
Dường như nhìn thấy nét mặt còn chưa tin của chúng tôi, bác Nguyễn Văn Ngân, bạn đồng ngũ của bố Dương nói: “Có thể đây là lần đầu các cháu được biết về cháu Dương, nhưng bác cũng như những người dân nơi đây đều biết việc này và không còn lạ gì. Thời gian đầu, ai cũng thấy thương và lo cho sức khỏe của Dương nhưng lâu dần rồi cũng quen. Thấy cháu phát triển bình thường và khỏe mạnh, mọi người đều mừng cho gia đình”.
Theo lời của những người hàng xóm, Dương ngoan ngoãn và rất lễ phép. “Nhưng do cháu không ăn được cơm gạo nên tiệc tùng ở đâu cháu cũng ít tham gia. Chính vì vậy nên cuộc sống của Dương khá khép kín”, chị Tình chia sẻ thêm.
Sẽ không lấy vợ nếu ép... ăn cơm
Trong tủ lạnh, lúc nào cũng có hàng chục gói mì tôm - thức ăn chính của Dương. Ảnh: H.A
Mười lăm năm không ăn hạt cơm nào, với Dương, cuộc sống chỉ có mì tôm kéo dài từ bữa này đến bữa khác. Tuy vậy, mọi sinh hoạt của em vẫn không có gì khác biệt.
Dẫn phóng viên vào trong nhà bếp, chị Tình kéo ngăn tủ lạnh dưới cùng ra đã có hàng chục gói mì tôm sắp xếp ở đó. “Mì tôm là thức ăn chính của cháu. Ngày nào cũng vậy, 3 bữa là 3 gói mì tôm, thỉnh thoảng cháu cũng ăn thêm trứng hay giò nhưng cơm và rau thì tuyệt nhiên không. Bên cạnh đó, cháu còn ăn thêm bánh kẹo hay uống sữa”. Theo nhẩm tính của chị Tình, từ lúc biết ăn dặm, Dương chỉ ăn cháo gói và ăn thêm mì tôm. Đến nay, 15 tuổi, Dương đã tiêu thụ hàng chục nghìn gói mì tôm và con số đó còn tiếp tục được nhân lên nhiều lần.
Theo chị Tình: “Cả hai bên nội ngoại đều không ai có biểu hiện như Dương. Thời kỳ mang thai cháu, tôi cũng ăn uống và cảm thấy mọi thứ bình thường. Từ nhỏ đến giờ Dương chưa bao giờ phải đi bệnh viện vì sức khỏe và sự phát triển của cháu cũng bình thường. Thậm chí, những lúc nhàn rỗi, cháu vẫn giúp bố công việc ở cửa hàng phân bón. Cháu có thể vác được bao lân, bao đạm nặng cả nửa tạ mà không vấn đề gì. Gia đình thấy sức khỏe của cháu cũng ổn định nên không đưa đi khám ở bệnh viện nào”.
Nói về việc mình không ăn cơm, rau xanh được, Dương bảo: “Em không ăn được cơm, xôi, bánh chưng và nhiều món ăn làm từ gạo. Rau em cũng sợ. Cứ mỗi lần nghĩ đến phải ăn những món đó là em nổi da gà và có cảm giác buồn nôn. Em thà chết chứ không ăn cơm đâu. Em sẵn sàng từ bỏ mọi sở thích nếu bắt em phải ăn cơm”.
Dương chia sẻ, dù biết mình đặc biệt so với các bạn và mọi người nhưng em không thể thay đổi được. Em cũng lo điều đó sẽ phần nào ảnh hưởng tới đời sống sau này của mình. Tuy nhiên, em khẳng định “nếu sau này lấy vợ mà phải ăn cơm thì em thà ở vậy”!
“Nhiều lúc mình ăn uống như vậy nên cũng ngại tham gia các hoạt động phong trào của lớp. Ở lớp ai cũng biết em có cuộc sống “kỳ lạ” như vậy nhưng các bạn cũng không phản ứng tiêu cực mà vẫn vui chơi, hòa đồng với em. Đến giờ, em vẫn cảm thấy cuộc sống của mình diễn ra bình thường. Cảm giác em ăn mì tôm cũng no và không thấy chán hay mệt mỏi. Nhiều lần cũng thử làm quen với cơm và rau nhưng em đều bị nôn ra hết”, Dương cho biết.
“Trong nhà, Dương ngoan ngoãn và lễ phép. Tuy cháu ăn uống khác người nhưng sinh hoạt của cháu cũng bình thường, không có gì xáo trộn cả. Bây giờ chỉ mong cháu sống hòa đồng với bạn bè, còn tương lai như thế nào, thích học gì, làm gì thì cháu tự quyết định”, chị Tình chia sẻ.