Tại sao lại nói “nói nhát gừng” mà không phải là nhát riềng, nhát tỏi, câu trả lời khiến bạn bất ngờ

H.A - Ngày 21/05/2023 06:00 AM (GMT+7)

"Ăn nói nhát gừng"... chỉ cách nói từng lời, rời rạc và thể hiện thái độ thiếu hợp tác trong cuộc hội thoại.

"Nhát gừng" theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng - đều không phải là cụm từ xa lạ trong những cuộc hội thoại thường ngày. Nếu nói đến nghĩa đen, nó ám chỉ một lát cắt của củ gừng - loại gia vị có vị cay nồng, thường được sử dụng để chế biến vô số những món ăn quen thuộc trong mâm cơm của người Việt như vịt kho gừng, canh gà nấu gừng, mứt gừng….

Gừng là loại gia vị quen thuộc trong mâm cơm của người Việt.

Gừng là loại gia vị quen thuộc trong mâm cơm của người Việt.

Riêng về nghĩa bóng, từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên giảng nhát gừng là “(cách nói) từng lời ngắn và rời rạc, tỏ ý lúng túng hoặc không muốn nói chuyện”. Việt-Nam tự-điển của Lê Văn Đức giảng là “rời-rạc, không suôn-sẻ, trơn-tru”. Từ điển tiếng Việt của Nguyễn Kim Thản, Hồ Hải Thụy, Nguyễn Đức Dương (Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2005) giảng là “(nói năng) tiếng nọ cách quãng tiếng kia (do không muốn trò chuyện)”.

Dù quen thuộc là vậy, nhưng có bao giờ người đọc thắc mắc: Tại sao lại nói “(nói) nhát gừng” mà không phải là “nhát riềng”, “nhát tỏi”? hay bất kỳ loại gia vị "cay" nào khác?

Theo một bài phân tích Hán ngữ, Việt ngữ chuyên ngành, nhát gừng (ăn nói nhát gừng) bao hàm hai nét nghĩa chính: (nói) miễn cưỡng; (nói) rời rạc, cách quảng không đều. Đây là một từ tổ cố định mà những yếu tố chung với từ tổ tự do nhát gừng, chỉ là giả tạo và do suy luận cảm tính mà ra. Như vậy, nhát gừng có đến 2 tầng nghĩa.

Nhát gừng – được bao gồm từ “nhát” trong nhát cắt và củ gừng.

Nhát gừng – được bao gồm từ “nhát” trong nhát cắt và củ gừng.

Nhát gừng là một trường hợp dùng từ bình thường, xuất phát từ danh ngữ tự do nhát gừng gốc (nhát [lát] + gừng [một thứ gia vị]), dùng theo ẩn dụ rồi từ vựng hóa chứ không phải từ một hình thức gốc nào khác mà chỉ mang tính duy danh.

Trên thực tế, gừng là loại gia vị quen thuộc được sử dụng hằng ngày, đặc biệt là vào ngày Tết người ta chỉ dùng gừng làm mứt theo hai dạng: Để xắt lát hoặc xắt nhuyễn (thành sợi), phải cắt nhỏ củ gừng thành từng lát mỏng, trong đó hành động dùng dao cắt từng lát gừng được gọi là "nhát dao", kết hợp lại được gọi là nhát gừng.

Trong khi đó, các gia vị khác như riềng, tỏi, ớt... dù có vị cay nhưng lại ít khi xuất hiện trong các món ăn được dùng khi uống trà, trò chuyện... như là mứt gừng. Có lẽ vì lý do này mà "nhát gừng" lại được sử dụng để ám chỉ cách nói chuyện đứt quãng. 

Theo một cách lý giải khác, các nhà phân tích ngôn ngữ học cho rằng cụm từ nhát gừng, xuất hiện trong tiếng Việt theo hiện tượng sự cố ngôn ngữ (accidents linguistiques). Những sự cố này làm cho hình thức ngữ âm hoặc nội dung ngữ nghĩa của từ, ngữ đi “trật đường ray” nên lệch với cái gốc ban sơ của nó.

Mứt gừng.

Mứt gừng.

Cụ thể, họ cho rằng nhát gừng, vốn là nhát ngừng, trong đó nhát là “nhút nhát” còn ngừng là “ngập ngừng”, một cấu trúc đẳng lập hoàn toàn đúng quy tắc. Thế nhưng qua nhiều người nói, cụm từ này đã được phát âm thành "nhát gừng", do cách đọc nghe thuận tai và dễ phát âm hơn.

Theo thời gian, cụm từ nhát gừng đã trở nên thông thuộc, người ta thường quen sử dụng chúng để ám chỉ những người ăn nói cộc lốc, không đầu không cuối, hoặc ám chỉ thái độ trả lời, ăn nói một cách thiếu hợp tác. Sự ăn nói nhát gừng có thể gây ra hệ luỵ khiến câu chuyện bị sai lệch (do không cung cấp đầy đủ thông tin), hoặc sẽ khiến cuộc hội thoại bị ám muội, không đạt được mục đích cuối cùng của giao tiếp.

Nở rộ các hoạt động trải nghiệm hè cho con từ 5-20 triệu đồng: 6 trại hè thú vị thu hút học sinh và phụ huynh
Hè năm 2023 hứa hẹn đầy sôi động với hàng loạt các lớp, khóa học trải nghiệm dành cho học sinh, sinh viên.              

Giáo dục

Theo H.A
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giáo dục