Tại sao Trung Quốc sợ bị kiện ra tòa án quốc tế?

Ngày 18/06/2014 22:37 PM (GMT+7)

Nếu Việt Nam kiện Trung Quốc về vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 ra tòa án quốc tế, chính sách đối ngoại theo kiểu vu cáo của nước này sẽ bị vạch mặt.

PGS. TS kiêm luật sư Hoàng Ngọc Giao, viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính Sách Pháp luật và Phát triển nhận định Trung Quốc rất sợ bị Việt Nam kiện vụ giàn khoan Hải Dương 981 ra tòa án quốc tế bởi chính sách xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc với đường 9 đoạn do họ vẽ ra không có căn cứ pháp lý, không dựa trên luật pháp quốc tế. Nếu đưa ra tòa án quốc tế, chắc chắn Trung Quốc thua.

Chứng cứ lịch sử và pháp lý của Trung Quốc cũng rất yếu. Vừa qua, Trung Quốc đưa ra một vài căn cứ chủ quyền ở Hoàng Sa như trong bản đệ trình Liên Hợp Quốc hôm 9/6 có giá trị rất thấp. Ví dụ như Công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và một vài căn cứ khác... nhưng tất cả căn cứ đều “rất yếu”, Việt Nam có rất nhiều căn cứ để bác bỏ chứng cứ Trung Quốc đưa ra.

Luật sư Giao cũng bác bỏ luận điệu sai trái của Trung Quốc trong tài liệu gửi Liên Hợp Quốc cho rằng giàn khoan Hải Dương 981 cách quần đảo Hoàng Sa chỉ 32 km. Luật sư Giao cho rằng, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm, cho nên việc đưa giàn khoan xuống và nói rằng thuộc chủ quyền của Hoàng Sa là sự vi phạm tiếp theo của Trung Quốc.

Nhận định thêm về hành động Trung Quốc gửi các tài liệu liên quan đến vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam lên Liên Hiệp Quốc, ông Hoàng Ngọc Giao cho rằng, đó là hành động “tung hỏa mù”.

Trung Quốc muốn tạo nên nghi ngờ trong công luận quốc tế, biến khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp.

Tuy nhiên, khi đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế, phải có hồ sơ, căn cứ, giải trình... trên cơ sở đó tòa đánh giá một cách độc lập tất cả căn cứ của các bên.

“Chính vì Trung Quốc đang tung hỏa mù, nên nếu kiện sẽ ra trắng đen rõ ràng theo phán quyết của tòa án. Lúc đó chính sách đối ngoại theo kiểu vu cáo bị vạch mặt. Nên Trung Quốc rất sợ bị kiện”, nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ Hoàng Ngọc Giao nói.

Ngược lại với “căn cứ rất yếu” của Trung Quốc, phía Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Việt nam đã tuyên bố điều này với thế giới, do vậy Chính Phủ nên sớm khởi kiện để khẳng định bằng chứng của Việt Nam với thế giới.

Luật sư Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cũng nhận định, Trung Quốc không muốn đưa vấn đề giàn khoan trái phép Hải Dương 981 ra tòa án quốc tế. Bởi Trung Quốc dùng vũ lực đi xâm lược, không mạnh về pháp lý, nên đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế “chắc chắn họ gặp bất lợi”.

Tại sao Trung Quốc sợ bị kiện ra tòa án quốc tế? - 1

Trung Quốc đang cố tình ngụy biện cho các hành động gây căng thẳng của mình

Các tài liệu Trung Quốc có đều mang tính chất cá nhân, không có tính chính thức, chỉ mô tả các chuyến đi biển làm ăn, hoặc các chứng cứ do Trung Quốc suy diễn, không có căn cứ pháp luật.

Bên cạnh đó, trong vụ kiện với Philippines, Tòa án Trọng tài Quốc tế Thường trực (PCA) đã yêu cầu phía Trung Quốc phải gửi bản phản biện trước ngày 15/2 đối với vụ tranh chấp vùng biển với  Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không phản biện.

Điều này cho thấy Trung Quốc yếu thế, không tôn trọng pháp lý, giảm uy tín trước thế giới. Do vậy, Trung Quốc lo sợ Việt Nam sẽ lặp lại điều này với Trung Quốc như Philippines đã làm.

Tuy nhiên, ông Trục cho rằng, Trung Quốc quay lưng lại nhưng điều đó không có nghĩa là cơ quan tài phán quốc tế không phát huy được trách nhiệm của mình. Các cơ quan này vẫn sẽ tiếp tục điều tra, phán quyết.

Ông Trần Công Trục cũng nhận định, nếu Việt Nam kiện, chắc chắn Trung Quốc sẽ dùng thủ đoạn khác gây sức ép. Ví dụ, Trung Quốc đã từng gây sức ép kinh tế với Philippines.

Tuy nhiên, quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc không phải là quan hệ một chiều, mà cả hai bên đều có lợi. Bên cạnh đó, Việt Nam còn rất nhiều đối tác tin cậy khác, con đường hợp tác rộng lớn, tốt đẹp hơn nhiều với các nước khác.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu trước Quốc hội, từ năm 2011, nước ta đã ký 6 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế lớn trên thế giới, khu vực ASEAN. Phó Thủ tướng cho biết, triển vọng từ nay tới 2015 sẽ hoàn tất thêm 16 hiệp định FTA với 55 nước và vùng lãnh thổ, mở ra nền thương mại phát triển hơn.

Ông Trần Công Trục cũng cho rằng, Việt Nam nên sớm kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, không quá lo ngại đến vấn đề Trung Quốc sẽ trả đũa. Ông nhắc lại lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “Việt Nam nhất định không chấp nhận đánh đổi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc”.

Theo Dương Tùng (Khampha.vn)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot