Nhiều người dân có con bị tiêu chảy cấp nhưng giấu nhẹm, chỉ đến khi cho uống thuốc không cầm thì mới mang đến các trung tâm y tế.
Nỗi đau khôn nguôi
Sáng 1/8/2014, theo địa chỉ của bệnh viện cung cấp, chúng tôi tìm về ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, nhà của cháu Mạc Thị Anh T., 29 tháng tuổi vừa mới tử vong do tiêu chảy cấp.
Điều khiến chúng tôi bất ngờ là hầu hết các nhà ở ấp 5 đều đóng cửa. Một số nhà khác mở cửa, nhưng thấy người lạ đến thì cũng vội vàng đóng cửa. Người dẫn đường chia sẻ: “Ở đây, nhà nào cũng có vài ba đứa nhỏ. Từ khi dịch tiêu chảy cấp xảy ra, người lớn sợ con cháu mình bị nhiễm nên đóng cửa, cách ly”.
Giấy xuất viện của nạn nhân thứ hai bị tử vong do tiêu chảy cấp
Trong căn nhà nhỏ của cháu T., không khí trở nên trầm lắng, khói hương nghi ngút khiến chúng tôi cảm thấy nao lòng. Anh Tuấn, cha của bé ngồi thất thần, sau một hồi động viên mới lên tiếng. Anh chia sẻ, trước đây, nghe bên ấp 1, xã Lê Minh Xuân có một cháu bé 10 tháng tuổi chết vì bệnh tiêu chảy cấp thì rất đau lòng. Tuy nhiên, anh không thể ngờ, chuyện đó cũng xảy ra với con anh.
“Chỉ hai ngày sau, tôi phát hiện con gái lớn là cháu T. và em trai của cháu bị sốt cao, nôn ói, đi tiêu chảy hoài. Hôm đó, mỗi cháu đi ngoài 7 đến 8 lần. Tôi sợ nên cho cả hai nhập viện Nhi đồng 1. Tại đây, bác sĩ khám và cho biết bị tiêu chảy cấp. Sau ba ngày, bệnh tình của con trai giảm nên cho xuất viện về nhà. Riêng T. thì không may mắn như thế", anh Tuấn cay đắng.
Ngồi bên cạnh, vợ anh Tuấn chia sẻ thêm: “Sau khi cháu qua đời, chúng tôi đã đưa về quê ở tỉnh Tiền Giang chôn cất. T. bị bệnh tim bẩm sinh và bị tăng sinh tuyến thượng thận ngay từ nhỏ. Sức khỏe của cháu quá yếu, không thể chống chọi được với bệnh tật”.
Giấu con cháu bị bệnh
Trong lúc trao đổi, một số người dân chia sẻ: “Tại đây, một số gia đình có con bị tiêu chảy cấp nhưng lại giấu. Chỉ đến khi các cháu uống thuốc không thể cầm được thì mới trình báo với cơ quan chức năng và đưa tới các trung tâm y tế”.
Bên cạnh đó, người dân ở đây cho hay, nếu ở ấp 1, xã Lê Minh Xuân, ổ dịch cũ, vệ sinh không được đảm bảo thì ở ấp 5, xã Vĩnh Lộc A lại hoàn toàn khác. Ở đây, đường được rải bê tông, nhà dân được xây cất khang trang, có nhà vệ sinh riêng. Người dân dùng nước sạch, không hề dùng nước ao tù để tắm giặt. “Chúng tôi cũng không biết tại sao với môi trường sống như thế mà lại có thể xuất hiện bệnh tiêu chảy cấp nữa”, người này chia sẻ.
Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc A cho biết, ngay khi có thông tin bệnh tiêu xảy cấp xuất hiện liền cho nhân viên xuống ấp 5 để kiểm tra. Sau đó, nhân viên y tế cho các bệnh nhân uống thuốc và phát thuốc Chloramin B cho người dân điệt khuẩn xuống các khu nước đọng và lấy mẫu nước giếng đi kiểm tra…
Cán bộ ở trạm Y tế cũng cho hay, đúng là có chuyện khi phát hiện con em bị bệnh tiêu chảy, các bậc phụ huynh giấu nhẹm, không thông báo. Chính vì điều này càng khiến việc kiểm tra, kiểm soát dịch thêm khó khăn. Đến nay, tại ấp 5 có 5 trường hợp có dấu hiệu bị rối loạn tiêu hóa, nghi do mắc bệnh tiêu chảy cấp.