Khi được hỏi, 100% phụ nữ bán dâm cho biết họ từng trải qua những nối đau hư bị quỵt tiền, cướp tiền, đánh đập, hiếp dâm…
Thường xuyên bị cưỡng bức
Tại Hội thảo Bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ bán dâm do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) phối hợp tổ chức ngày 15.12, chị Vũ Thu T. (Hải Phòng), hiện là Trưởng nhóm Nơi bình yên (nhóm sinh hoạt của chị em làm nghề bán dâm) cho biết, chị “vào nghề” từ lúc 15 tuổi. “Sau lần theo mẹ lên Hà Nội làm ăn, tôi chứng kiến cảnh bà “đi khách”. Tôi thất vọng, chán nản, bỏ học rồi cũng sa chân vào quan hệ tình dục sớm và nhắm mắt bán dâm. Mà đã vào nghề là chấp nhận bị đánh đập, cướp tiền, hiếp dâm” - chị T kể.
Chị Lê Thị H kể lại những nỗi buồn khi đi bán dâm (Ảnh: Minh Nguyệt)
Chị T. nhớ lại, lần gần đây nhất, chị đón được khách ven đường. Khách này đèo chị đến bãi tha ma hoang vắng để “tàu nhanh” nhưng sau đó anh ta lại chỉ trả một phần tiền rồi lên xe đi thẳng. Giữa đêm khuya, chị T. chỉ biết vẫy một xe tải xin đi nhờ về thì tài xế lại đòi “biếu cái ấy” mới cho đi nhờ. Cuối cùng, chị đành “nhắm mắt đưa chân”.
Nhục nhã hơn, có lần chị còn gặp phải cảnh “pháo giàn” (quan hệ tình dục nhiều người) khiến chị bị tổn thương thể xác. “Một lần, tôi được một người đàn ông ngỏ ý mua dâm. Sau khi thỏa thuận giá cả, tôi đã đồng ý đi vào khách sạn cùng với ông ta. Nhưng khi tôi đang “phục vụ” thì 3 người bạn của ông ta bước vào, vui vẻ quan sát. Sau đó họ bắt tôi lần lượt chiều chuộng từng người hoặc cùng lúc “phục vụ” nhiều người. Nếu tôi không làm, họ dọa giết tôi. Tôi đành phải thực hiện cho dù đau đớn thể xác, tủi nhục tinh thần” – chị đau đớn kể lại.
“Các rào cản khiến phụ nữ bán dâm chịu nhiều nguy cơ: công việc trái pháp luật, mại dâm không được coi là nghề; không tiếp cận được dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực; không tiếp cận được luật pháp để tìm hỗ trợ; bị che giấu bởi bảo kê hoặc chủ chứa…” – bà Nguyễn Vân Anh |
Bà Nguyễn Thị Vân Anh – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội (ISDS) cho biết, nghiên cứu định tính của ISDS cho thấy, 100% người bán dâm khi được hỏi đều cho biết họ thường gặp đủ các dạng bạo lực: bị chửi rủa, miệt thị, bị quỵt tiền, bị đánh đập, bị cưỡng ép quan hệ tình dục, bị ép tiếp khách xã giao, bị hiếp dâm, bị giết, bị cướp tiền... Nghiên cứu cũng cho biết, có khoảng 3.000 phụ nữ bán dâm tại Hà Nội, đa phần là phụ nữ di cư từ các tỉnh khác, cuộc sống khó khăn, bị bạo lực và chứng kiến bạo lực gia đình.
Từ chối là chết
Ngày 14.12 vừa qua, Công an tỉnh Đắk Nông đã tạm giữ hình sự hai bị can Lưu Văn T. (21 tuổi) và Lê Văn Đ. (18 tuổi, đều ở thôn Thuận Hạnh, xã Thuận An, huyện Đắk Mil) để điều tra về hành vi giết người. Theo thông tin ban đầu do phía công an cung cấp, sau khi đi nhậu, hai người gặp một gái bán dâm tên N. và gạ mua dâm. Sau khi về phòng tại nhà nghỉ, do không thỏa thuận được giá cả, N. khước từ và bị hai thanh niên này trở mặt cưỡng hiếp rồi giết chết một cách dã man.
Theo bà Lê Quỳnh Lan – Tổ chức Plan, khi được hỏi, 100% gái bán dâm cho biết họ phải chịu bạo lực khi hành nghề
Bà Lê Quỳnh Lan – Quản lý Vùng dự án tại Hà Nội (Tổ chức Plan) khẳng định: “Trường hợp chị em bán dâm bị bạo hành nghiêm trọng, cưỡng bức thậm chí bị giết như chị N> (Đắk Nông) không hề ít. Tuy nhiên, hiện nay chưa có những con số thống kê cụ thể và cũng chưa có giải pháp nào hiệu quả hỗ trợ họ”.
“Không ít phụ nữ bán dâm “vào nghề” là do đã từng bị người thân lạm dụng tình dục hoặc chứng kiến bạo lực gia đình nên chán đời bỏ nhà đi. Nhưng sau này đa phần chị em chủ động lựa chọn công việc bán dâm vì thu nhập. Trình độ văn hóa thấp, thiếu nghề, thiếu vốn nên họ không thể kiếm được nghề đủ sống. Họ còn bị “đèo bòng” thêm con nhỏ (nhiều con không có bố), chồng hoặc người yêu nghiện ma túy hoặc bản thân cũng nghiện ma túy. Bị đe dọa tính mạng, nhân phẩm nhưng người bán dâm vẫn không được bảo vệ” – bà Vân Anh chia sẻ.