Khuyến mãi là hình thức để kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là dịp Tết khi các chị em đổ xô mua sắm, nhưng cũng vì thế mà khiến nhiều người phải “cháy túi” nếu không hiểu hết về những “chiêu trò” này.
Cuối năm, thời điểm cận Tết Nguyên đán là lúc các cửa hàng, siêu thị tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá "khủng" nhằm kích cầu tiêu dùng. Trước thềm năm mới, người người nhà nhà đổ xô mua sắm, thế nhưng, nếu không tỉnh táo bãn sẽ dễ “sập bẫy” bởi các chiêu trò của người bán.
Dưới đây là một số kinh nghiệm mua sắm giảm giá bạn cần biết để có kế hoạch chi tiêu hợp lý thay vì “vung tiền cháy túi” vào hàng loạt các chương trình khuyến mãi “ảo”.
1. Mua 2 món tặng 1 món
Mua 2 tặng 1 có lẽ là một chiêu trò khuyến mãi vô cùng quen thuộc và cực kỳ thu hút người dùng, đặc biệt là trong dịp Tết. Chiêu trò này đánh trúng tâm lý “ôm hàng” của người tiêu dùng khi nhìn thấy cái lợi trước mắt. Thậm chí, có rất nhiều người mua hàng vì thích quà tặng khuyến mãi hơn cả món đồ chính…
Mua 2 món tặng 1 món là chiêu khuyến mãi quen thuộc mà các cửa hàng, siêu thị tung ra vào dịp cuối năm
Khi thấy khuyến mãi này, nhiều người sẵn sàng sắm liền tay một lúc 3 món hàng, nâng số lượng sản phẩm bán ra của doanh nghiệp rất “khủng”, còn khách hàng sẽ không nhận ra việc mình không thật sự cần thiết mua cả hai món, thậm chí là không cần tới món đồ đó. Điều này cũng sẽ khiến người mua hàng có thể sẽ mất gấp đôi chi phí chỉ để mua những thứ mình không thật sự cần.
Nếu muốn tận dụng cơ hội mua 2 tặng 1, hãy suy tính thật kỹ về khả năng sử dụng cả hai món đó. Ví dụ: Đó có phải là sản phẩm hết rồi bạn sẽ cần mua thêm, hay thực tế bạn chỉ cần một cái và không cần mua lại? Nếu gia đình bạn đã có đủ món hàng này rồi thì không nên mua thêm nữa, hãy lựa chọn việc chỉ mua duy nhất một sản phẩm mà không có khuyến mãi, chắc chắn bạn sẽ tiết kiệm được… một khoản tiền kha khá.
2. Khuyến mãi “miễn phí vận chuyển”
Ngày nay, việc mua hàng online trở nên phổ biến, đặc biệt là các trang thương mại điện tử và người tiêu dùng coi việc miễn phí vận chuyển là ưu đãi. Nhiều người cảm thấy “phát điên” khi phải trả tiền vận chuyển quá nhiều, tới mức mà họ sẵn sàng mua những món đồ đắt tiền hơn hoặc mua thêm những sản phẩm nhỏ khác chỉ để đáp ứng điều kiện giao hàng miễn phí.
Nhiều người sẵn sàng đặt thêm đồ để được áp dụng miễn phí vận chuyển
Điều này bắt nguồn từ hiệu ứng tâm lý thanh toán phí vận chuyển là một trải nghiệm không mấy vui vẻ, khi khách hàng phải chi trả thêm một khoản tiền “bổ sung” để vận chuyển món hàng đó. Nắm bắt được điều này, các ông lớn sàn thương mại điện tử tung ra rất nhiều chiêu trò kích thích việc mua sắm: Bạn chỉ được miễn phí vận chuyển khi đạt tới một giá trị đơn hàng nhất định, hoặc bạn phải mua gói miễn phí vận chuyển riêng…
Thực tế, chi phí vận chuyển đã được nhiều nhà bán hàng “ngầm” tính thêm vào giá của mỗi sản phẩm để khách hàng không phải trả thêm bất kỳ khoản phí nào khác trên lý thuyết. Nhưng chiêu trò miễn phí vận chuyển vẫn là “miếng mồi” kinh điển để các doanh nghiệp đưa vào chiến lược kinh doanh lâu dài. Còn với người mua, hiệu ứng tâm lý này có thể khiến họ tiêu tiền nhiều hơn vào những món đồ họ thật sự không có ý định sở hữu chúng, trong khi giá trị của nó lại lớn hơn nhiều so với phí vận chuyển.
3. Cám dỗ mua món hàng mình thích... từ lâu khi được giảm giá
Có nhiều vị khách hàng đã “ngắm nghía” món đồ từ lâu nhưng vẫn chưa có ý định mua chúng vì… không thật sự cần thiết, không quá thích món đồ đó hay đơn giản là quá mắc so với những gì họ muốn bỏ ra. Chính vì vậy, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn luôn kích thích nhu cầu “chốt đơn” món đồ đã nằm trong giỏ hàng từ lâu của khách hàng. Chỉ cần thấy món đồ này được giảm giá thêm một chút, nhiều người sẵn sàng chi tiền mua ngay.
Thấy giảm giá, nhiều người liền chốt đơn dù có thể món đồ đó không thật sự thích nữa
Và chưa hết, với nhiều doanh nghiệp, bán hàng giảm giá 50% với lời quảng cáo “bán hàng giá gốc” chính là tuyệt chiêu giúp bán hàng tồn kho mà nhiều người dùng dễ dàng “dính bẫy”. Thực tế, các doanh nghiệp đã tăng giá trị lên gấp 200% và giảm xuống một nửa, tức là người tiêu dùng chỉ đang mua “đúng giá” chứ không hề nhận được một món hàng “hời” như những gì mình nghĩ.
4. Mua hàng ngay vì khuyến mãi có thời hạn
Nếu như đi siêu thị và nhìn thấy một món hàng nào đó được giảm giá 30% chỉ “một ngày duy nhất”, tỷ lệ mua hàng sẽ tăng lên. Khách hàng khi nhìn thấy chiêu trò khuyến mãi này thường ngay lập tức gấp rút “chốt đơn”, bỏ qua giai đoạn tìm hiểu sản phẩm vì tâm lý “cấp bách, gấp rút”. Người tiêu dùng sẽ sợ bị “lỡ mất” cơ hội khuyến mãi một món đồ nào đó.
Chưa kể, khi có chiến dịch “duy nhất một ngày”, các cửa hàng thường xuyên rơi vào tình trạng “hết hàng, hết size”... để kích thích khách hàng tìm hiểu một mặt hàng khác tương đương về chức năng nhưng có giá thành mắc hơn. Tất nhiên không phủ nhận việc “chất lượng đi kèm với giá tiền” nhưng điều này sẽ khiến người tiêu dùng mua một món hàng mắc tiền hơn dự tính chỉ với những công dụng như sản phẩm đã có ý định mua.
Khuyến mãi có thời hạn thực tế… không có thời hạn.
Sự thật là, sau khi hết 2 ngày khuyến mãi một sản phẩm nào đó, cửa hàng sẽ nhanh chóng “khuyến mãi tiếp 2 ngày” và đặt cùng khẩu hiệu “chỉ một ngày duy nhất”. Do đó, người tiêu dùng nên bình tĩnh và cân nhắc kỹ càng món đồ mà mình có ý định mua, thay vì nhanh chóng tiến hành giao dịch mua sắm. Nếu cảm thấy không cần thiết, bạn đừng vội mua sản phẩm ngay mà chờ đợi dịp khuyến mãi tiếp theo.
5. Cám dỗ mua hàng theo xu hướng
Khi lướt các sàn thương mại điện tử, không khó để bắt gặp các “sản phẩm xu hướng”. Đây thực tế là những sản phẩm được bán ra với số lượng khủng, có lượt mua lên tới vài trăm nghìn, đứng top 1,2 những sản phẩm bán chạy nhất trong tháng… Ở một thời điểm nhất định nào đó, bạn bắt gặp rất nhiều người cùng mua những mặt hàng như thế. Do đó, bạn sẽ nảy sinh tâm lý đám đông, muốn chạy theo mốt, theo trào lưu mà không tính tới việc mình có thực sự cần thiết không, có phù hợp với bản thân mình không.
Đừng vì xu hướng mà mua những món hàng không cần thiết.
Điều này khiến người tiêu dùng có thể dễ dàng mua một chiếc áo, hoặc một chiếc túi xách mới mà không thật sự cảm thấy thích chỉ vì món hàng đó hiện đang là xu hướng được nhiều người mua. Không phải một món đồ hợp thời, lên xu hướng, được nhiều người lựa chọn sẽ chắc chắn phù hợp với bạn.
Có thể khi bạn nhìn mọi người sử dụng món hàng, bạn thấy họ thật sành điệu nhưng nó lại trở nên “lạc quẻ” trong bộ sưu tập của chúng ta. Vì thế, nếu bạn phí tiền mua một món đồ mình không thể sử dụng mà chỉ muốn theo xu hướng thì sẽ hao phí khoản chi đáng kể, thay vào đó bạn có thể mua sắm những món hàng mình thích với sự hài lòng. Tốt nhất trước khi đi mua hàng, bạn nên soạn ra một danh sách những thứ mình cần và đi một lượt để sắm đúng những thứ có trong danh sách đó, tránh việc la cà rồi bị hấp dẫn bởi những mặt hàng không cần thiết.