Cứ đến dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch), xóm bánh ú lá tre trên đường Phạm Thế Hiển (phường 5, quận 8, TP.HCM) lại rực lửa thâu đêm suốt sáng.
Vào dịp Tết Đoan Ngọ (hay còn gọi là Tết “diệt sâu bọ”), các mặt hàng như bánh ú lá tre, chè trôi nước, xôi, cơm rượu, lá xông… lại bán “đắt như tôm tươi”. Trong đó, bánh ú lá tre là lễ vật không thể thiếu trên mâm cúng trong mỗi dịp Tết Đoan Ngọ ở Sài Gòn.
Những ngày này, nếu có dịp đi ngang qua đường Phạm Thế Hiển (phường 5, quận 8), người đi đường rất dễ bắt gặp các sạp bán bánh ú lá tre bày bán san sát nhau.
Trên mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ ở Sài Gòn, bên cạnh các loại trái cây, rượu nếp, thì những chiếc bánh ú lá tre là lễ vật không thể thiếu.
Theo những bậc lão niên, các lò làm bánh ú lá tre ở khu vực đường Phạm Thế Hiển đã hình thành khoảng hơn 50 năm trở lại đây theo hình thức “cha truyền con nối”.
Bà Nguyễn Thị Cúc (59 tuổi, ngụ phường 5, quận 8, TP.HCM) chia sẻ, xóm bánh ú lá tre xuất hiện từ rất lâu về trước, từ thời ông của bà làm rồi truyền lại cho con cháu. Bản thân bà cũng có thâm niên 20 năm trong nghề gói bánh ú.
“Năm nào cũng vậy, cứ đến trước ngày mùng 1 tháng 5 âm lịch là tôi lại chuẩn bị nếp, đậu xanh, dừa,… cùng các nguyên vật liệu để làm bánh. Từ mùng 1 tháng 5 âm lịch, gia đình chúng tôi bắt tay vào việc gói bánh, làm theo đơn đặt hàng cho đến ngày mùng 5 tháng 5. Từ chiều mùng 3 tháng 5, nhiều thương lái đã đến các lò bánh trong xóm để lấy bánh về bán, có người bán ở chợ, có người bán online.”, bà Cúc chia sẻ.
Những lò bánh ú lá tre bên trong những con hẻm trên đường Phạm Thế Hiển (phường 5, quận 8) luôn đỏ lửa trong dịp Tết Đoan Ngọ.
Nhân bánh ú được làm bằng đậu xanh nấu chín và tán nhuyễn và sên trên lửa cùng với đường.
Theo những người thợ, lá tre được mua để gói bánh có nguồn gốc từ các tỉnh ở miền Tây Nam Bộ như Bến Tre hoặc từ các huyện Đức Hòa, Đức Huệ của tỉnh Long An.
Bà Cúc chia sẻ: "Công việc làm bánh ú lá tre chủ yếu hút khách vào dịp Tết Đoan Ngọ. Dịp này mỗi ngày tôi có thể gói hơn 1 thiên bánh (1 thiên = 1000), cụ thể vào khoảng 1200-1500 bánh. Ngày bình thường thì tôi làm buôn bán nhỏ, nếu có khách đặt hàng vào các dịp giỗ, lễ thì tôi thì vẫn gói khoảng 300 bánh – 500 bánh".
Gạo nếp gói bánh ú được ngâm trong nước một khoảng thời gian theo kinh nghiệm riêng trước khi gói thành bánh. Không có khuôn tạo hình sẵn, nhưng với bàn tay của người thợ lành nghề, 1 chiếc bánh ú được gói hoàn chỉnh trong khoảng 1 phút.
Theo chia sẻ của một số người thợ, đợt dịch Covid-19 này không làm ảnh hưởng lớn đến sức mua của thị trường bánh ú lá tre so với năm trước.
Những chùm bánh ú lá tre xanh mướt treo lủng lẳn trông rất bắt mắt.
Những người thợ xóm bánh ú cho biết công việc này chủ yếu được truyền trong gia đình và đã có gia đình truyền được 3-4 thế hệ.
Bánh được gói xong sẽ cho vào nồi nấu trong khoảng 3 giờ đồng hồ.
Công đoạn trở bánh và vớt bánh thường do đàn ông trong gia đình đảm nhận. Sau khi bánh chín sẽ được vớt ra khỏi nồi và được trụng qua bằng nước sạch, để nguội rồi chuyển đi giao cho khách hàng.
Bánh ú lá tre không bán lẻ từng chiếc như các loại bánh khác mà được buộc thành từng chùm.
Các khách hàng thường mua nhiều chùm bánh về để cúng và làm quà cho mọi người trong gia đình cùng ăn. Mỗi chùm 12 chiếc có giá bán khoảng 60.000 - 80.000 đồng tùy theo nhân và trọng lượng.