Tết Trung thu: Dịp để biếu xén, lấy lòng cấp trên?

Ngày 07/09/2014 00:00 AM (GMT+7)

Dịp Tết Trung thu, người ta mua quà tặng nhau với nhiều mục tiêu, từ đơn thuần là giao tế, thiết lập mối quan hệ tới những kỳ vọng có tính toán.

Trước thềm ngày tết Trung thu, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng phòng Quản lý khoa học - Dự án, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh), chuyên gia văn hóa từng có nhiều nghiên cứu về dịp tết này.

Thưa ông, ý nghĩa thực sự của Tết Trung thu là gì và từ đâu người Việt có tục tặng quà cho nhau vào dịp này?

Tết Trung thu: Dịp để biếu xén, lấy lòng cấp trên? - 1

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ

Bắt đầu từ lối sống nông nghiệp lúa nước, người Việt xưa và nhiều dân tộc Đông Á khác sớm hình thành tâm thức tôn kính trời và trăng. Với trăng, người Việt xưa đã thể hiện lòng tôn kính của mình bằng một tục lệ cổ - ăn tết Trung thu.

Tết Trung thu xưa của người Việt thực chất là một nghi thức tạ ơn trăng sau một mùa gặt hái. Đến lúc nông nhàn, con người tổ chức nghi lễ cúng trăng để cầu mong mưa thuận gió hòa, đồng thời gửi gắm những ước vọng giản dị của mình (nhiều ý kiến cho rằng hình ảnh bông lau mùa Trung thu trên mặt trống đồng là một dấu vết cho thấy thời Đông Sơn người Việt đã có nghi thức cúng trăng Trung thu). Nhiều gia đình xưa làm mâm cỗ cúng trăng, cúng gia tiên và ăn uống đoàn tụ dưới ánh trăng.

Sau này, khi đón Tết Trung thu đã trở thành một tục lệ, nó gắn thêm nhiều ý nghĩa xã hội, bao gồm giao tiếp, tăng cường mối quan hệ xã hội hay đơn thuần là củng cố quan hệ dòng tộc, láng giềng.

Nhà nông xưa tặng cho nhau thành quả lao động, thường là gạo nếp, lon đậu, nải chuối.., của ít lòng nhiều, âu cũng là những chất xúc tác tình cảm thuần khiết. Sau quá trình giao lưu văn hóa với các dân tộc xung quanh, chiếc bánh Trung thu dần xuất hiện, ban đầu là để cúng trăng, cúng gia tiên, sau là để làm quà biếu.

Tựu chung lại, Tết Trung thu xuất phát từ nghi lễ cúng tạ ơn trăng của người Việt xưa, sau gắn thêm ý nghĩa ngày hội gắn kết tình cảm xóm làng, tạo không khí hứng thú cho dân làng, và cũng từ đó làm xuất hiện tục tặng quà cho nhau như một thể hiện của giao tế xã hội.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều người thường “lợi dụng” dịp Tết Trung thu để biếu xén quà cáp, lấy lòng cấp trên. Ông nghĩ sao về xu hướng này?

Không phải bất kỳ món quà nào cũng đi kèm với ý nghĩa “lợi dụng” hay “lấy lòng” cấp trên. Như tôi nói, ngày trước dân gian còn nghèo, xã hội còn thuần khiết nông nghiệp nên quà cáp thường là sản vật có sẵn trong nhà (thành quả lao động), song khi đô thị hóa lên cao thì lấy đâu ra những sản vật tự làm ấy?

Người ta sẽ phải mua quà tặng nhau với nhiều mục tiêu khác nhau, từ đơn thuần là giao tế, thiết lập mối quan hệ, tạ ơn, biếu tặng vì lòng hiếu thảo...

Và đương nhiên, vàng thau lẫn lộn, một số người gửi kèm theo món quà trau chuốt của mình là những kỳ vọng. Bản chất của việc tặng quà là quan hệ có qua - có lại. Nhận là phải cho chi. Cái cho đi có thể là tình cảm, là không khí vui vẻ, là một thỏa hiệp xã hội, cũng có khi là những quyền lợi hay cơ hội nào đó.

Dù ở bất cứ hình thức nào, “của cho không bằng cách cho”, dân gian Việt Nam đã dạy rằng món quà chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó chứa đựng tấm lòng chứ không phải những kỳ vọng có toan tính.

Tết Trung thu: Dịp để biếu xén, lấy lòng cấp trên? - 2

Dịp Tết Trung thu, người ta mua quà tặng nhau với nhiều mục tiêu, từ đơn thuần là giao tế, tới những kỳ vọng có tính toán. (Ảnh minh họa)

Vậy theo ông, chúng ta nên tặng quà gì cho nhau vào dịp này để món quà trở nên ý nghĩa hơn?

Những món quà chúc thọ thay tấm lòng tôn kính, hiếu thảo của con cháu dành cho ông bà, cha mẹ, một nụ hoa mà bạn trai, chồng tặng cho bạn gái, vợ nhân ngày sinh nhật hay các dịp quan trọng, một chút quà quê mà bạn bè thân hữu tặng nhau sau mỗi dịp từ quê ra… sẽ là những “chất xúc tác tình cảm” tuyệt vời.

Người tặng sẽ cảm thấy một phần của chính mình được san sẻ, còn người nhận sẽ cảm nhận được một thứ giá trị vô hình to lớn hơn bản thân món quà hữu hình ấy.

Ngoài ra, người Việt nên làm gì vào dịp Tết Trung thu để lưu giữ nét văn hóa truyền thống đặc sắc này?

Dù trăng không còn đóng vai trò chi phối đời sống chúng ta như xưa nhưng chúng ta cũng nên giáo dục con cháu giữ lòng tôn kính, hoặc ít nhất là tôn trọng trăng Trung thu.

Người yêu trăng sẽ quý trọng không gian sống của mình, biết thổn thức, rung động với trăng là biết thổ lộ những cung bậc tình cảm nhân sinh, một thể hiện rất cần thiết trong xã hội. Chúng ta sẽ phải trả giá nếu không biết yêu quý thiên nhiên, yêu quý không gian sống của mình.

Từ rất sớm, ngày hội Trung thu đã kết tinh thành hội hè làng xóm với các hoạt động tập trung ở trẻ con. Không khí nhộn nhịp tràn khắp xóm làng, phố phường chắc chắn sẽ mang lại niềm vui trong cuộc sống, phần nào đó thể hiện một cuộc sống sung túc, an vui. Dĩ nhiên, các thực hành ấy thực hiện trong môi trường đô thị phải lưu ý đến an toàn cháy nổ và an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, nếu có thể, người Việt Nam hãy thể hiện lòng tôn kính tổ tiên thể hiện qua việc trang hoàng bàn thờ, dâng cúng hoa quả, bánh trái, trà rượu như một bài học sinh động của giáo dục đạo hiếu và truyền thống gia đình đối với con cháu. Hãy giữ truyền thống kể chuyện đêm trăng, về chú Cuội - chị Hằng, về những câu chuyện dân gian chứa đựng biết bao đạo lý sống được đúc kết bằng trí tuệ dân tộc.

Trong một xã hội đang phát triển, các mối quan hệ xã hội càng phức tạp, việc tặng nhau những món quà xã hội hàm chứa những ý nghĩa tốt đẹp cũng là họat động bình thường, chỉ mong sao chúng không bao gồm những kỳ vọng hay động cơ không có lợi cho sự tiến bộ và văn minh của xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Theo Minh Quân (Khám phá)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot